Văn minh tiền sử đã biến mất: Bí ẩn Cự Thạch Trận (P.2)
Xem thêm Phần 1.
Còn có một phát hiện khác về Thạch Cự Trận ở Anh (Stonehenge), đó là quần thể đá này có tác dụng chữa bệnh. Ngoài ra, các bạn vẫn còn nhớ tượng đá đầu to miệng nhai kẹo cao su và chỉ biết nói “ngốc ngốc” ở trong phim “Đêm kinh hoàng ở viện bảo tàng” (Night at the Museum) không? Hóa ra, nó có một cơ thể hoàn chỉnh! Bức tượng đá đến từ “Đảo Phục Sinh” cách ngoài khơi Chile, Nam Mỹ 3,600km và được gọi là Moai.
Các khoa học gia cho rằng vòng tròn đầu tiên bên trong cự thạch trận ở Anh chính là trái tim của nó, được cấu tạo bởi các loại đá xanh quý hiếm, và chúng có liên quan mật thiết đến công dụng trị bệnh.
Trong quá trình khai quật, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số lượng lớn các mảnh vỡ được tạo ra khi chạm khắc đá xanh. Có lẽ người thời đó tin rằng đá xanh có công hiệu bảo hộ hoặc trị bệnh, vì vậy mà sử dụng đá xanh đã chạm khắc làm bùa hộ mệnh.
Từ thời đại La Mã đến thời Trung Cổ, người ta luôn vận chuyển đá xanh và cắt chúng thành nhiều mảnh nhỏ. Do đó, cự thạch trận này có thể từng là một trung tâm y tế trong quá khứ. Rất nhiều hài cốt được tìm thấy xung quanh cự thạch trận, trên cơ thể họ có rất nhiều vết thương và bệnh tật nghiêm trọng, hơn nữa dữ liệu giám định nha khoa cũng cho thấy một nửa trong số họ đến từ những nơi rất xa xôi khác.
Tượng đá Moai Bí Ẩn ở Chile, Nam Mỹ
Đảo Phục Sinh (Easter Island) là một trong những hòn đảo khó tiếp cận nhất trên thế giới. Hơn 800 “tượng đá Moai” với chiều cao khoảng 7-10 mét, nặng từ 15-30 tấn nằm rải rác trên khắp hòn đảo, trong đó tượng có lịch sử lâu đời nhất là 1,000 năm.
Hàng trăm năm nay, tượng đá Moai to lớn và quá trình chế tạo ra nó là một bí ẩn. Hầu hết các tượng đá Moai chỉ có đầu, và cũng có không ít tượng có vai, cánh tay, còn có thân thể và nửa thân dưới. Những bộ phận cơ thể này hiện đang dần dần được khai quật. Hầu hết các tượng đá Moai được tạc từ một tảng đá lớn, và ngay từ ban đầu nửa thân của chúng không phải là được chôn dưới đất. Tất cả đều được chạm khắc trong các mỏ đá núi lửa, sử dụng nham thạch làm nguyên liệu điêu khắc, sau khi hoàn thành thì chúng được đẩy đến các nơi trên đảo và dựng tại đó. Mỏ đá còn để lại một số lượng lớn tượng điêu khắc vẫn chưa hoàn thành, có thể nhận thấy mỗi bức tượng đều có thân thể.
Tượng Moai được dựng tại đền thờ không bị chôn vùi trong đất, tượng trưng cho sức mạnh của tổ tiên thổ dân trên đảo, và được tin rằng có thể bảo vệ cả bộ tộc. Tượng Moai càng lớn thì càng có quyền lực. Cả một dãy tượng Moai hoàn chỉnh quay mặt về phía ngôi làng, quay lưng về phía biển như thể đang canh gác bảo hộ cho cư dân. Còn đối với những bức tượng điêu khắc được dựng đứng trong mỏ đá, liệu nó có ý nghĩa gì đặc biệt? Có lẽ những bức tượng đá lớn này có liên quan đến nghi lễ cầu nguyện sinh nở, một số tượng đá được đặt ở đó để duy trì đất đai phồn thịnh, cầu chúc cho sức sống mãnh liệt của sinh mệnh. Tượng đá Moai có giá trị tín ngưỡng và tôn giáo quan trọng.
Nền văn minh Đảo Phục Sinh là một trong những nền văn minh cổ đại bí ẩn. Nhưng nền văn minh Đảo Phục Sinh không phải là nền văn minh cổ đại châu Mỹ, mà là một nền văn minh biển có nguồn gốc từ quần đảo Polynesia ở Thái Bình Dương, hiện thuộc sở hữu của Chile.
Do sự thiếu sót về lịch sử truyền miệng cũng như văn tự nên việc người xưa làm cách nào để di chuyển những bức tượng đá to lớn này vẫn luôn là một bí ẩn. Nhiều người đã làm thí nghiệm, sử dụng một hàng những khúc gỗ tròn lớn làm thành con lăn, hoặc dùng dây thừng để buộc đầu và đong đưa chúng sang hai bên trái phải để khiến Moai tự chuyển động (tự đi lại) v.v. Một số người thậm chí còn nghi ngờ rằng ở đây có sự hỗ trợ của những “người bạn” đến từ hành tinh khác.
Hơn 90% các bức tượng đá Moai đến từ mỏ đá Rano Raraku – một miệng núi lửa với diện đáy chưa đến 1% cả hòn đảo. Người ta thường cho rằng những phiến đá được khai thác từ đây và tạo thành những bức tượng đá, được cất giữ tạm thời trong một thời gian, sau đó được phân phối vận chuyển và đặt tại các nơi khác nhau trên đảo.
Một nghiên cứu mới (Journal of Archaeological Science) được công bốtrên Tập san Khoa Học Khảo Cổ cho biết, có gần 400 tượng đá đều ở trong khu vực mỏ đá, một số tượng đá với kết cấu kiên cố được chôn vùi dưới đất. Bởi vậy, điều này xem ra không giống như hành động với mục đích lưu giữ tạm thời.
Sarah Sherwood, một nhà địa chất học tại Đại học phía Nam ở Sewanee, Tennessee, Hoa Kỳ, cho biết qua phân tích mẫu thỗ nhưỡng ở đó, họ phát hiện ra rằng các mẫu này chứa hàm lượng cao canxi và phốt pho, là chất dinh dưỡng cần thiết cho sản lượng cao của cây nông nghiệp. Trong các mẫu này còn tìm thấy dấu tích của nhiều loại thực vật từ thời cổ đại, bao gồm chuối, khoai môn, khoai lang và dâu tằm giấy (paper mulberry). Từ đó suy luận, vào thời đó nơi này không chỉ là một mỏ khai thác đá, mà còn là một cánh đồng canh tác màu mỡ.
Các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng những mảnh vụn của tảng đá dùng để chế tạo tượng, sau khi bị phân hóa sẽ tiếp tục cung cấp chất dinh dưỡng cho đất. Ngược lại, đất ở những nơi khác trên đảo trở nên cằn cỗi bạc màu sau một thời gian trồng trọt.
Người Polynesia vào thời điểm đó đã vận chuyển đất từ mỏ đá Rano Raraku đến nơi cần thiết để cải thiện năng suất trồng trọt của địa phương. Có vẻ như mỏ đá Rano Raraku là một nguồn tài nguyên xã hội quan trọng đối với cộng đồng người Polynesia vào thời điểm đó.
Vào năm 2020, một sự cố nhỏ đã xảy ra với tượng Moai, chiếc xe tải của một người đàn ông địa phương đột ngột mất thắng và đã đâm gãy tượng Moai. Thị trưởng địa phương Pedro Boa nhấn mạnh: “Đây là một tổn thất không thể đo lường được”. Người đàn ông đã bị bắt sau khi vụ việc xảy ra.
Nếu chỉ nhìn thấy những mảnh vỡ tàn tạ của bức tượng đá thì hoàn toàn không hình dung được hình dạng ban đầu của nó. Với kiểu hư hại không cách nào khôi phục này đã khơi dậy sự phẫn nộ của cư dân địa phương, bởi điều này không chỉ là đại biểu cho sự xóa nhòa và cú đánh vào lịch sử, mà còn là một sự xem thường và bất kính đối với tổ tiên.
Tổ chế tác Chương trình “Truyền thuyết tiểu vũ trụ” thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại Epoch Times Hoa ngữ