Vận mệnh vốn đã được định sẵn
Trong kinh điển của Nho gia Luận Ngữ – Nhan Uyên có ghi lại một câu: “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên (Tạm dịch: sống chết có số, phú quý do trời). Cổ nhân cũng thường nói: “Mệnh lý hữu thời chung tất hữu, mệnh lý vô thời mạc cưỡng cầu” (Tạm dịch: Trong số mệnh có thì cuối cùng cũng sẽ có, trong mệnh không có thì đừng mong cầu). Hai câu nói nổi tiếng được người xưa truyền lại này đang thức tỉnh thế nhân rằng: mọi thứ trong đời, bao gồm sinh tử, phú quý, công danh, vận mệnh vốn đã được định sẵn.
Trong lịch sử, có không ít những thuật sĩ tinh thông bói toán và các đạo sĩ thông qua thần thông tu luyện được có thể đoán biết được vận mệnh một đời của các vị vương hầu khanh tướng. Những danh thần và danh tướng đời Tống sau đây đã từng gặp phải những cao nhân như vậy.
Sự nghiệp của danh tướng Trương Tuấn và hai người con trai của ông sớm đã được an bài
Trương Tuấn (1097-1164), tự Đức Viễn, là một danh tướng đồng thời cũng là tướng lĩnh kháng Kim vào triều Tống. Dưới triều vua Tống Huy Tông, ông đỗ tiến sĩ, được ban chức quan Khu Mật Sứ Biên Tu, Ngự Sử; Đến đời Cao Tống lại càng được trọng dụng, ông được thăng làm Kiểm Hiệu Thiếu Bảo, Định Quốc Quân Tiết Độ Sứ và đảm nhiệm chức Hữu Thừa Tướng; Sau khi Hiếu Tông kế vị ngai vàng, thì ông được phong làm Ngụy Quốc Công. Trương Tuấn đã trải qua năm triều đại và được ba đời Hoàng đế trọng dụng. Sự nghiệp kéo dài mấy chục năm của ông, khi vừa mới bắt đầu đã được một vị đạo nhân tiên đoán vô cùng chính xác.
Trương Tuấn khi còn đảm nhiệm chức Tào quan đã từng gặp qua một vị đạo sĩ. Vị đạo nhân này sau khi nhìn thấy Trương Tuấn thì cẩn thận quan sát một lượt nhưng sau đó lại không nói gì. Tiếp đó ông đề nghị Trương Tuấn bước mấy bước, rồi kính cẩn nói: “Trương tướng, thông qua giọng nói và tướng đi của ngài có thể thấy được trong tương lai ngài sẽ là người đại phú đại quý. Không quá mười năm nữa, thiên hạ sẽ đại loạn, lúc đó ngài sẽ nắm binh quyền và trở thành nhân vật lớn, nếu không phải tướng quân thì cũng là thừa tướng, và vì triều đình mà lập nên công trạng hiển hách. Ngài nhất định phải trân trọng điều này!” Trương Tuấn nghe đạo nhân nói xong thì vô cùng kinh ngạc, ông nói: “Không dám, không dám, chắc ông nhầm rồi !”. Không bao lâu thì vị đạo nhân kia rời đi…
Chưa đến mười năm, những gì đạo sĩ nói quả nhiên đều ứng nghiệm. Trương Tuấn liền cử người đi khắp nơi tìm kiếm tung tích vị đạo sĩ, nhưng đều bặt vô âm tín. Sau đó, Trương Tuấn bị giáng đến An Huy Hà Châu nhậm chức. Trước đó, ông có mâu thuẫn với gian thần Tần Cối, Tần Cối luôn coi ông như cái gai trong mắt và muốn sớm trừ bỏ ông. Trương Tuấn trong lòng cảm thấy rất bất an và không biết nên làm gì mới phải.
Một ngày nọ, vị đạo nhân đã nhiều năm không gặp kia lại xuất hiện trước mặt Trương Tuấn. Đã ba mươi năm trôi qua, nhưng tướng mạo của ông vẫn không thay đổi chút nào. Trương Tuấn vừa nhìn thấy đạo nhân thì lập tức nghênh đón và cảm khái nói: “Tôi tìm ông nhiều năm như vậy rồi nhưng ông vẫn không xuất hiện, nay tôi gặp nạn ông lại tìm đến giúp tôi thoát khỏi tình huống khó khăn này, tại sao lại như vậy?”.
Vị đạo sĩ đáp: “Tình cảnh hiện nay của ngài tôi đều biết rất rõ. Lần này tôi đến là muốn nói với ngài rằng không nên quá lo lắng việc Tần Cối sẽ hãm hại ngài, ngày chết của hắn đang đến gần, phúc phần của ngài vẫn còn lớn lắm. Tương lai ắt có sự trở mình”.
Lúc này, con trai trưởng của Trương Tuấn là Trương Thức đến bái kiến đạo nhân, đạo nhân nhìn anh một hồi lâu rồi nói: “Đôi mắt của ngươi khi nhìn mọi thứ giống như sắp nứt ra vậy, vận thế của ngươi trong tương lai cũng như vậy. Một ngày nào đó ngươi sẽ trở thành tướng soái thống lĩnh Tây Nam, nổi danh khắp thiên hạ.” Trương Tuấn cũng muốn đạo sĩ xem cho con trai thứ của mình là Trương Tấn. Ông dẫn đạo sĩ đến giường của Trương Tấn. Đứa con trai nhỏ của ông đang ngủ say. Đạo sĩ xem xét cẩn thận, sau đó mỉm cười và nói với Trương Tuấn: “Phúc phần của đứa trẻ này lớn hơn và mạnh mẽ hơn cả anh trai của nó. Tiền đồ vô lượng!”
Nhiều năm sau, con trai trưởng Trương Thức, được Hiếu Tông ban chức Khu Mật Sứ, từ văn thần chuyển sang làm võ quan. Còn con trai thứ Trương Tấn liên tục được Cao Tông, Hiếu Tông và Quang Tông ngưỡng mộ và trọng dụng, từ hàng ngũ phẩm thăng lên hàng tam phẩm. Ông từng đảm nhiệm chức Tân bộ thị lang, Hộ bộ thị lang, Sử bộ thị lang, Hình bộ thị lang, đồng thời kiêm chức quan tại địa phương.
Cuộc đời của danh thần Diệp Mộng Đắc đều được đạo sĩ dự đoán chính xác
Diệp Mộng Đắc (1077-1148), tự là Thiếu Uẩn, dưới triều Tống Huy Tông ông nhậm chức ở Hàn Lâm viện, và được trọng dụng vào thời Cao Tống. Trước khi ông ra đời, vận mệnh và công danh sự nghiệp một đời của ông sớm đã được một đạo sĩ tinh thông bói toán dự đoán.
Lúc phụ thân của ông là Diệp Trợ làm chức quan Kiến Đức Úy ở tỉnh Chiết Giang đã từng tìm đến một vị đạo sĩ họ Hoàng để xem bói. Vì ông thành gia đã nhiều năm nhưng vẫn chưa có con. Hoàng đạo sĩ nói với ông: “Con trai ông sau này sẽ là người quyền quý, làm quan đến chức Tiết độ sứ, nhưng ông phải đợi đến sau năm 30 tuổi thì mới có con. Nếu ông muốn có con bây giờ, thì nó sẽ không thể nào thành tài được!”
Sau đó, Diệp Trợ được thuyên chuyển đến Củng Châu làm quan, ông lại tìm đến Hoàng đạo sĩ nhờ đạo sĩ dựa vào quẻ được ghi chép trong Kinh Dịch để xem, kết quả cuối cùng là quẻ Bí. Hoàng đạo sĩ nói: “Hôm nay là giờ thổ, thổ thêm Bí là một chữ “mộ”, ông sắp sinh được con trai rồi, nhưng cũng sẽ có chuyện đau buồn tang thương”. Không lâu sau, thê tử của Diệp Trợ là Tiều thị quả nhiên sinh cho ông ta một người con trai. Mấy năm sau thì bà qua đời.
Cậu bé này chính là Diệp Mộng Đức. Sau khi đỗ tiến sĩ, anh trở thành con rể của Đề Hình Châu Chủng ở Hoài Đông. Châu Chủng trước đó cũng có quen biết với vị Hoàng đạo sĩ kia, nhưng Diệp Mộng Đắc thì không. Châu Chủng mời vị đạo sĩ đến nhà, Diệp Mộng Đắc bèn nhờ ông xem quẻ cho. Quẻ hiện lên là quẻ Tấn. Hoàng đạo sĩ liền nói với Diệp Mộng Đắc: “Ba năm sau ngài sẽ sinh được hai người con gái. Quẻ Tấn là quẻ Khôn ở dưới, quẻ Cách ở trên, cả hai đều thuộc âm. Mà chữ “Tấn” là từ hai chữ khẩu, lời hào là “Trú nhật tam tiếp” (Tạm dịch: Ba lần ban ngày), ý chỉ “tam niên chi tượng” (Tạm dịch: tượng ba năm). Đợi tất cả điều này đều ứng nghiệm rồi, ta sẽ nói cho ngài biết tương lai sau này của ngài. Lúc đó Diệp Mộng Đắc không tin lắm. Ba năm sau, thê tử của ông quả nhiên sinh hạ hai người con gái.
Sau đó, Diệp Mộng Đức trở về và gặp lại Hoàng đạo sĩ. Diệp Mộng Đức nói: “Những gì ông nói trước đây đều đã ứng nghiệm. Bây giờ, xin ông hãy cho tôi biết tương lai tôi sẽ gặp những chuyện hung cát gì?”. Hoàng đạo sĩ đáp: “Ngài là đại quý nhân, từ nay về sau sẽ đảm nhiệm những chức vụ trọng yếu trong triều đình, danh tiếng hiển hách, sau sẽ làm đến chức Tiết Độ Sứ đến hết đời. Ngài nhất định phải trân trọng điều này!
Diệp Mộng Đắc nghe xong thì rất đỗi kinh ngạc, liền đem chuyện này kể với phụ thân của mình là Diệp Trợ. Diệp Trợ nói: “Ta còn nhớ ba mươi năm trước ta cũng có mời một vị đạo sĩ họ Hoàng đến nhà chúng ta để xem quẻ, lúc đó ông ta còn đoán ra được khi nào thì con sẽ ra đời và tương lai con còn có thể làm đến chức Tiết Độ Sứ. Lẽ nào chính là ông ta?”. Diệp Trợ bảo con trai mời Hoàng đạo sĩ đến, vừa gặp mặt, quả nhiên chính là ông ta. Lúc này hai cha con liền nhìn nhau cười, cả hai người đều cho rằng thuật xem quẻ của Hoàng đạo sĩ linh nghiệm đến lạ kỳ, cứ như là thần tiên sống vậy.
Đến triều đại Kiến Viêm, Hoàng Mộng Đắc làm đến chức quan Thượng Thư Tả Thừa Tướng. Thiệu Hưng năm thứ 16, ông từ chức Quan Văn Điện Học Sĩ thăng lên làm Sùng Ninh Quân Tiết Độ Sứ. Lúc đó ông đã 70 tuổi, bèn dâng tấu xin cáo lão hoàn hương. Tại chức được hai năm thì ông qua đời. Điều này hệt như những gì đạo sĩ đã nói.
Chức vị quan tước của hai danh tướng Ngô Giới và Ngô Lân đều được thuật sĩ dự đoán chính xác
Phụ thân Giới Ỷ của hai anh em danh tướng kháng Kim thời bấy giờ Ngô Giới và Ngô Lân, vốn chỉ là một binh sĩ bình thường ở huyện Hi Châu, tỉnh Cam Túc, thành Vĩnh Lạc. Vào những năm Tuyên Hòa, trong cuộc chiến với nhà Tây Hạ, Ngô Ỷ liên tiếp lập chiến công, vì vậy được đề bạt lên làm Chỉ Huy Sứ. Sau đó, lại trong một cuộc chiến khác, ông vì án binh bất động mà bị phạt trượng hình.
Ngô Ỷ bản tính nhân hậu, đối với binh sĩ rất mực khoan dung, hiếm khi dùng hình phạt đối với họ. Ngay cả khi thỉnh thoảng phát hiện họ có sai phạm thì ông cũng ra sức bảo vệ. Nhưng ông không ngờ rằng chính bản thân mình lại chịu phạt trượng hình, điều này khiến ông cảm thấy rất khó chịu.
Lúc này, có một vị thuật sĩ tinh thông thuật bói toán đi ngang qua nhà ông, vì để giải nỗi muộn phiền trong lòng, Ngô Ỷ bèn gọi ông ta lại, và bảo ông ta xem giúp vận mệnh của mình sẽ như thế nào. Thuật sĩ liền bốc một quẻ rồi nói : “Ngài lần này ra trận chắc chắn sẽ lập nên chiến công lớn. Chỉ tiếc là bạch cốt phong hầu, chết rồi mới có được thân phận tôn quý ”.
Ngô Ỷ nghe xong chỉ cười và không tin lời ông ta nói. Vị thuật sĩ lại hỏi: “Ngài có con trai không?”. Ngô Ỷ đáp: “Có hai con trai, đều tinh thông võ nghệ”. Ông đem ngày sinh bát tự của con trai trưởng Ngô Giới nói cho vị thuật sĩ, vị thuật sĩ vô cùng kinh ngạc nói: “Người này tương lai vô cùng cao quý, nhất định sẽ công thành danh toại, chết rồi còn được phong vương”. Ngô Ỷ lại nhờ ông ta xem ngày sinh bát tự của con thứ Ngô Lân, thuật sĩ xem xong càng kinh ngạc hơn: “Người này còn xuất sắc hơn nữa”. Vị thuật sĩ lúc rời đi còn nói với Ngô Ỷ răng: “Tôi họ Y, tên Hiến Văn, người phủ Hà Trung, ẩn cư dưới chân núi Thủ Dương”. Thiên hạ đại loạn, tôi không thể ở đây lâu được nữa, ngài nhất định phải nhớ lời tôi, không được quên hai chữ Trung Hiếu.
Nhiều năm sau, Ngô Y chết trên sa trường, hai người con trai được phong làm quan. Sau đó, trưởng tử Ngô Giới làm quan đến chức Tứ Xuyên Tuyên Phủ Sứ, chức vị tương đương với đại thần chấp chính. Sau khi qua đời thì được truy phong làm Thái Soái, thụy hiệu là “Vũ An”. Đến Thuần Hi năm thứ ba, ông lại được truy phong là Bồi Vương, trở thành một trong bảy vị vương khác họ của triều Nam Tống.
Thứ tử Ngô Lân làm quan đến chức Thái Phó, Tân An Quận Vương. Vào những năm Càn Đạo ông nhập cung, được Cao Tông và Hiếu Tông đích thân triệu kiến, còn nhiều lần phái sứ giả đến thăm hỏi. Lúc Ngô Lân chuẩn bị trở về Tứ Xuyên, hại vị hoàng đến còn thiết đãi yến tiệc tiễn đưa ông, vinh dự ân sủng vô cùng to lớn. Sau khi qua đời, ông được truy phong làm Thái Soái, thụy hiệu là “Vũ Thuận”, phong làm Tín Vương, cũng là một trong 7 vị vương khác họ của triều Nam Tống. Chính nhờ sự hiển hách và vinh dự ân sủng to lớn có được của hai người con trai mà Ngô Ỷ sau khi chết cũng được phong làm Thái Soái, Lỗ Quốc Công.
Nhan Văn thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ