Phát hiện vaccine COVID-19 giả tại Trung Quốc
Gần đây, các báo cáo về vaccine COVID-19 giả ở Trung Quốc đã được đăng tải trên các kênh thông tấn trong nước, và được mọi người lan truyền trên các mạng xã hội Trung Quốc, khi đợt bùng phát virus Trung Cộng tiếp tục trở nên trầm trọng hơn ở nhiều vùng của quốc gia này.
Theo báo cáo của các kênh truyền thông, cảnh sát ở Bắc Kinh và các tỉnh Giang Tô và Sơn Đông, đã triệt phá được một ổ tội phạm đang sản xuất và bán vaccine COVID-19 giả.
Các nhà chức trách của Trung Cộng thông báo rằng băng nhóm gồm hơn 80 nghi phạm này đã bị bắt giữ vì tội sản xuất và buôn bán vaccine giả. Được biết, họ đã đổ đầy các dụng cụ chích bằng một dung dịch nước muối, được bán dưới dạng mũi chích COVID-19. Hơn 3,000 sản phẩm giả đã bị cơ quan chức năng tịch thu.
Các báo cáo chính thức cho biết băng nhóm này đã bắt đầu các hoạt động tội phạm vào tháng 09/2020, và đang bán hàng giả với giá cao. Báo cáo cũng nêu rõ rằng cảnh sát đã xác định được các địa điểm sản xuất và bán hàng giả.
Những người dân Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận của họ trên mạng về vụ bê bối được phanh phui này.
“Chúng ta đã có khẩu trang giả. Bây giờ đến vaccine giả. Có thứ gì không thể làm giả [ở Trung Quốc] không?”, một cư dân mạng nói trong một bài đăng.
Một cư dân mạng khác nói rằng, “đây không phải là sản xuất và bán các sản phẩm giả theo nghĩa thông thường. Đó là hành động giết người.”
Một cư dân mạng có tên “Lao Zhuang Sun Zi VV” nhận xét rằng điều này còn “xấu xa, độc ác hơn việc buôn ma túy.”
Một cư dân hỏi: “Chẳng phải việc chích ngừa được thực hiện tại các bệnh viện được cấp phép ư? Làm thế nào vaccine giả có thể xâm nhập được vào [hệ thống này]? Thực sự là khủng khiếp.”
Trên thực tế, Trung Cộng đã thông qua luật quản lý vaccine vào ngày 29/06/2019. Luật này có hiệu lực vào ngày 01/12 cùng năm đó.
Luật mới này được ban hành sau nhiều vụ bê bối về an toàn vaccine ở Trung Quốc.
Trong năm 2004, có 6,000 liều vaccine không đủ tiêu chuẩn được Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế của [thành phố] Tú Thiên của tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc phát hiện, đã gây tổn thương cho khoảng 3,000 trẻ em.
Vào tháng 06/2005, Trung tâm Chống dịch và Bảo vệ Sức khỏe thị trấn Đại Tráng (Dazhuang), huyện Tứ, tỉnh An Huy, đã tiến hành chích vaccine viêm gan A cho 25,000 học sinh tiểu học và trung học. Tuy nhiên, 121 người trong số các em học sinh này đã phải chịu đựng những tác dụng phụ, trong đó có một trường hợp tử vong và 20 trường hợp bị phản ứng nghiêm trọng.
Trong năm 2007, cũng có một vài trường hợp thiệt mạng ở trẻ em sau khi chích vaccine ở tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc. Nhưng chính quyền địa phương đã kiểm soát chặt chẽ bất kỳ báo cáo nào về vụ khủng hoảng y tế này cho đến năm 2010, khi phóng viên Wang Keqin công bố phát hiện của mình trên Thời báo Kinh tế Trung Quốc, sau khi phỏng vấn 78 hộ gia đình có nạn nhân là trẻ em đã được chích các mũi vaccine không đủ tiêu chuẩn.
Tin tức của phóng viên Wang đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn quốc, và sự mất lòng tin vào các vaccine do Trung Quốc sản xuất.
Năm 2009, Công ty Sản phẩm Sinh học Jingang Andy đã cho thêm nguyên liệu axit nucleic một cách trái phép vào các vaccine phòng bệnh dại của mình, dẫn đến hàm lượng kháng nguyên virus giảm rõ rệt, và hầu như giảm một nửa hiệu quả của loại vaccine này.
Năm 2012, một vụ án về vaccine trái phép trị giá hơn 100 triệu Nhân dân tệ (khoảng 15.5 triệu USD) đã bị cảnh sát thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông đưa ra ánh sáng, liên hệ đến các loại vaccine cúm, viêm gan B, bệnh dại và thủy đậu.
Vào ngày 15/07/2018, một cơ quan quản lý sản phẩm y tế địa phương của tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc cho biết trong một thông báo rằng công ty Công nghệ Sinh học Trường Sinh đã làm giả hồ sơ sản xuất. Sau đó, công ty này bị phát hiện đã bán hơn 250,000 liều vaccine DPT không đạt tiêu chuẩn, vốn được tạo ra để bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván ở tỉnh Sơn Đông.
Công ty này đã bị cơ quan quản lý cấp tỉnh phạt 3,4 triệu Nhân dân tệ (khoảng 526,000USD). Năm tiếp theo, họ bị phạt nặng hơn nhiều với số tiền là 9,1 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1,41 tỷ USD) vì làm giả dữ liệu sản xuất vaccine phòng bệnh dại.
Các nhà chức trách Trung Cộng cho biết vụ bê bối vaccine của công ty Công nghệ Sinh học Trường Sinh đã dẫn đến sự ngã ngựa của hơn 80 quan chức. Bà Gao Junfang, nữ chủ tịch của công ty này cùng 14 nhân viên khác cũng đã bị tạm giữ hình sự.
Cho đến nay vẫn chưa có thông tin chi tiết nào về hình phạt cụ thể đối với bà Gao và các nhân viên của bà.
Frank Yue
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: