Ủy ban Ngoại giao của Thượng viện Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Chính sách Đài Loan
Hôm 14/09, Ủy ban Ngoại giao Thượng viện đã thông qua dự luật nhằm hỗ trợ an ninh và quyền tự quyết của Đài Loan trong một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng với tỷ lệ 17-5.
Đạo luật Chính sách Đài Loan 2022, một dự luật do Thượng nghị sĩ Robert Menendez (Dân Chủ-New Jersey), và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) đưa ra, sẽ cung cấp cho Đài Loan 4.5 tỷ USD thông qua một sáng kiến tài trợ quân sự ngoại quốc cho đến năm 2026.
Đạo luật này cũng đề nghị đưa hòn đảo trở thành một đồng minh chính ngoài NATO để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán vũ khí, và đánh giá các thỏa thuận thương mại tự do nhằm tăng cường phát triển kinh tế và hợp tác với Đài Loan.
Không rõ liệu chính phủ ông Biden có ủng hộ luật này hay không, nhưng ông Menendez đã mô tả dự luật như là “sự tái cơ cấu toàn diện nhất trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan kể từ khi Đạo luật Quan hệ Đài Loan (TRA) ra đời năm 1979,” Hãng thông tấn Trung ương (CNA) có trụ sở tại Đài Loan đưa tin.
Sáng kiến hỗ trợ an ninh cho Đài Loan
Dự luật này gồm “các biện pháp nhằm tăng cường mối quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ-Đài Loan, và đẩy nhanh việc hiện đại hóa các khả năng quốc phòng cần thiết của Đài Loan để ngăn chặn hoặc, nếu cần, để đánh bại một cuộc xâm lược Đài Loan của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động cưỡng ép quân sự ngay sau chuyến thăm của Chủ tịch Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) tới hòn đảo này hồi tháng Tám.
Trung Quốc đã điều 27 chiến đấu cơ vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan hôm 03/08, và bắn ít nhất 11 hỏa tiễn đạn đạo vào vùng biển bao quanh Đài Loan hôm 04/08, sau khi bà Pelosi kết thúc chuyến thăm Đài Loan.
Kể từ đó, các hành động quân sự khiêu khích của chế độ này xung quanh hòn đảo vẫn tiếp diễn không ngừng và ngày càng leo thang.
Ông Menendez nói, “Mặc dù Bắc Kinh tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng ép ngoại giao, chính trị, quân sự và kinh tế chống lại Đài Loan, nhưng cuộc bỏ phiếu mạnh mẽ của lưỡng đảng ngày hôm nay không chỉ báo hiệu sự ủng hộ vững chắc của chúng ta đối với người dân Đài Loan mà còn là sự công nhận của chúng ta về vai trò quan trọng mà Quốc hội Hoa Kỳ phải thực hiện trong việc đối đầu với những thách thức này,” Fox News đưa tin.
Phản ứng của Bắc Kinh
Khi dự luật này được giới thiệu lần đầu tiên hôm 16/06, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh đã tuyên bố dự luật này là “khiêu khích” và “xấu xa;” Mỹ đang chơi “Quân bài Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc,” nhưng “nước này sẽ không thay đổi sự thật rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.”
The Hill đưa tin hôm 14/09 cho biết, ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã cảnh báo, “Một khi được thông qua thành luật, luật này sẽ có tác động làm đổ bể mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ và gửi đi một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng cho các lực lượng ly khai đòi ‘Đài Loan độc lập.’”
Trong một tuyên bố điển hình của chế độ này, ông Lưu đã yêu cầu Mỹ “ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.”
Chính quyền Cộng sản, được thành lập vào năm 1949, chưa bao giờ cai trị Đài Loan; nhưng khẳng định Đài Loan là một phần thuộc chủ quyền của mình kể từ khi chính phủ do Quốc Dân Đảng lãnh đạo lật đổ Đế chế nhà Thanh trong giai đoạn 1911-1912, đánh bại quân Nhật xâm lược trong Đệ nhị Thế chiến, nhưng thua trận trong cuộc nội chiến và rút về Đài Loan vào năm 1949.
Sự chấp thuận của ủy ban đã mở đường cho một cuộc bỏ phiếu trong toàn Thượng viện, nhưng không có thông tin nào về thời điểm cuộc bỏ phiếu đó có thể diễn ra. Để trở thành dự luật, luật cũng phải được Hạ viện thông qua và được Tổng thống Biden ký thành luật hoặc giành được đủ sự ủng hộ để vượt qua quyền phủ quyết của tổng thống.
Hôm 13/09, Tòa Bạch Ốc cho biết họ đang đàm phán với các thành viên Quốc hội về cách thay đổi dự luật để bảo đảm rằng luật không thay đổi chính sách bấy lâu của Hoa Kỳ đối với Đài Loan mà họ cho là hiệu quả.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times