Ủy ban Âu Châu nhắm vào các đại công ty công nghệ Hoa Kỳ trong cuộc điều tra đầu tiên theo Đạo luật Thị trường kỹ thuật số
Hôm thứ Hai (25/03), Ủy ban Âu Châu — cơ quan điều tra người tiêu dùng và chống độc quyền của châu Âu — đã mở cuộc điều tra đối với Alphabet, Apple, và Meta vì những vi phạm tiềm tàng đối với một luật mới mang tính bước ngoặt được đưa ra nhằm ngăn chặn các Đại công ty Công nghệ (Big Tech) có một lợi thế không công bằng so với các đối thủ cạnh tranh.
Trong một tuyên bố, ủy ban nói rằng họ “nghi ngờ các biện pháp được đưa ra bởi những ‘người trấn cửa’ (gatekeeper) này không đáp ứng được việc tuân thủ hiệu quả các nghĩa vụ của họ theo DMA.” DMA là viết tắt của Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số.
Đặc biệt, ủy ban đã bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra về những điều chỉnh gần đây của Apple đối với cơ cấu giá cho các cửa hàng ứng dụng thay thế, cũng như các phương pháp của Amazon để xếp hạng sản phẩm trên sàn giao dịch sản phẩm trực tuyến của mình.
Ngoài ra, các đại công ty công nghệ Hoa Kỳ này đã được ủy ban hướng dẫn lưu giữ hồ sơ chi tiết để bảo đảm khai triển hiệu quả và tuân thủ trách nhiệm của mình.
Bà Margrethe Vestager, phó chủ tịch điều hành của Ủy ban Âu Châu, cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm thứ Hai: “Chúng tôi lo ngại Alphabet, Apple, và Meta không đáp ứng các nghĩa vụ của họ; ví dụ: Apple và Alphabet vẫn tính phí định kỳ đối với các nhà phát triển ứng dụng [và] Meta không đưa ra lựa chọn thực sự nào cho người dùng trong việc từ chối kết hợp dữ liệu.”
Ủy ban đã khởi xướng cuộc điều tra này nhằm đánh giá xem liệu các hành động của Alphabet và Apple đối với các nghĩa vụ trên cửa hàng ứng dụng của họ có vi phạm DMA hay không, cụ thể là Điều 5(4), quy định rằng những “người trấn cửa” có nghĩa vụ cho phép các nhà phát triển ứng dụng hướng người dùng đến các dịch vụ thay thế bên ngoài cửa hàng ứng dụng của “người trấn cửa” mà không mất phí.
Năm ngoái, Brussels đã xác định sáu tập đoàn là “người trấn cửa” theo DMA, cho thấy quy mô và tầm ảnh hưởng đáng kể của họ đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Những người trấn cửa này bao gồm Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple, Meta (công ty mẹ của Facebook), Microsoft, và ByteDance (công ty mẹ của TikTok).
Các tập đoàn này đã được cho thời hạn sáu tháng, kết thúc vào ngày 07/03/2024, để bảo đảm tuân thủ DMA, với mục đích thúc đẩy cạnh tranh trên các nền tảng kỹ thuật số được sử dụng rộng rãi và mở rộng sự lựa chọn của người dùng.
Việc không tuân thủ các quy định của DMA có thể bị phạt lên tới 10% doanh thu hàng năm trên toàn cầu của công ty. Ủy ban hy vọng sẽ kết thúc cuộc điều tra trong vòng một năm kể từ khi thông báo.
Thực tế mới
Được thực thi kể từ ngày 07/03/2024, DMA nhắm vào những “người trấn cửa,” hay chủ yếu là các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, đối với các dịch vụ trực tuyến thiết yếu như cửa hàng ứng dụng, công cụ tìm kiếm, và nền tảng nhắn tin.
Bên cạnh việc thúc đẩy cạnh tranh, mục tiêu chủ yếu khác của DMA là nhằm bảo đảm một sân chơi bình đẳng bằng cách tạo cơ hội lớn hơn cho các công ty nhỏ hơn cạnh tranh với những đại công ty công nghệ thống trị của Hoa Kỳ.
Đạo luật này yêu cầu một số hãng công nghệ lớn nhất thế giới tối ưu hóa quy trình để người dùng lựa chọn dịch vụ từ nhiều nhà cung cấp khác nhau.
Ví dụ, khi người dùng trả phí trong ứng dụng trên iPhone hoặc thiết bị Android—chẳng hạn như đặt đồ ăn giao đến tận nơi hoặc nâng cấp lên phiên bản cao cấp của Strava—Apple hoặc Alphabet thường thu một phần trăm phí giao dịch.
Để tránh điều này, các nhà phát triển ứng dụng đôi khi hướng người dùng tới trang web riêng của họ, nhắc họ thanh toán trực tiếp cho nhà phát triển, do đó bỏ qua các khoản phí bổ sung do các công ty công nghệ lớn áp đặt.
Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ ở châu Âu sẽ xuất hiện như là bên chiến thắng, có được nhiều lựa chọn hơn và nâng cao khả năng hiển thị so với các đối tác lớn hơn của họ.
Trong một ví dụ khác, Meta được yêu cầu bảo đảm rằng các dịch vụ Facebook Messenger và WhatsApp của mình tương thích với các đối thủ cạnh tranh đủ điều kiện, miễn là họ tuân thủ các tiêu chí kỹ thuật và bảo mật của công ty.
Do đó, người dùng các nền tảng nhắn tin thay thế như Signal và Telegram—được biết đến với cam kết bảo vệ quyền riêng tư của người dùng—có thể sớm có khả năng giao tiếp với người dùng trong danh sách liên hệ trên Messenger và WhatsApp mà không cần chuyển đổi giữa các ứng dụng.
Tương tự như vậy, người dùng điện thoại Android của Google sẽ được bảo đảm lựa chọn công cụ tìm kiếm mặc định ưa thích trong quá trình cài đặt thiết bị, mở ra cơ hội đáng kể cho các lựa chọn thay thế như DuckDuckGo hướng đến quyền riêng tư và Ecosia có ý thức về môi trường.
Việc ủy ban mở các cuộc điều tra chính thức là cuộc trấn áp đầu tiên đối với các đại công ty công nghệ kể từ khi thực thi DMA, theo yêu cầu của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Âu Châu về việc nhanh chóng thực thi DMA.
Ông Christophe Carugati viết trong bài đăng trên LinkedIn hôm thứ Hai, “Các cuộc điều tra cho họ thấy rằng ủy ban đang lắng nghe và sẵn sàng thi hành, ngay cả trong những vụ phức tạp như tự cho phép ưu tiên sản phẩm và dịch vụ của mình [hơn sản phẩm và dịch vụ của bên thứ ba].”
Theo Tiến sĩ Carugati, người sáng lập tổ chức Cạnh tranh Kỹ thuật số có trụ sở tại Brussels, cách giải quyết của ủy ban có lẽ nhằm ngăn các công ty và người tiêu dùng Âu Châu nhanh chóng nộp đơn kiện lên các tòa án quốc gia.
Những vụ kiện như vậy có thể tốn chi phí đối với nguồn lực hạn chế của ủy ban và dẫn đến việc thực thi DMA bị phân tán, trong đó các thẩm phán của từng quốc gia giải thích các điều khoản theo các cách khác nhau.
Tại sao lại là ba tập đoàn này?
Ủy ban cũng cho biết họ đang tiến hành các cuộc điều tra bổ sung để thu thập dữ kiện và thông tin từ Apple và Amazon.
Các biện pháp này nhằm mục đích “làm rõ” liệu Amazon có ưu tiên các sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình trên Amazon Store hay không, do đó có thể vi phạm Điều 6(5) của DMA.
Ngoài ra, ủy ban đang điều tra xem liệu cơ cấu phí được bổ sung gần đây của Apple cũng như các điều khoản và điều kiện khác đối với các cửa hàng ứng dụng thay thế và phân phối ứng dụng từ web (“nguồn bên ngoài”) có vi phạm các mục tiêu nêu trong Điều 6(4) của DMA hay không.
Điều 6(5) quy định rằng các công ty không thể kết hợp dữ liệu người dùng từ các nền tảng khác nhau, ngay cả khi những nền tảng đó là dịch vụ của bên thứ ba, để tạo hồ sơ của người dùng mà không nhận được sự cho phép rõ ràng từ những người này để chia sẻ dữ liệu của họ theo cách như vậy.
Điều 6(4) của DMA nói rằng các cửa hàng ứng dụng và ứng dụng của bên thứ ba có thể được cài đặt và sử dụng miễn là chúng không gây hại cho thiết bị hoặc phần mềm hệ điều hành. “Người trấn cửa” cũng không thể sử dụng dữ liệu riêng tư để cạnh tranh với người dùng doanh nghiệp sử dụng một dịch vụ nền tảng cốt lõi.
Ủy ban đã ban hành năm lệnh lưu trữ cho Alphabet, Amazon, Apple, Meta, và Microsoft. Các lệnh này yêu cầu lưu trữ các tài liệu có thể trợ giúp đánh giá việc tuân thủ nghĩa vụ DMA, trong đó lưu trữ bằng chứng thích hợp để bảo đảm các biện pháp thực thi rõ ràng.
Ngoài ra, ủy ban cho biết thêm, Meta đã được gia hạn thêm sáu tháng để thực hiện nghĩa vụ về khả năng tương tác (tức là khả năng giao tiếp với phần mềm hệ điều hành khác) do DMA nêu cụ thể liên quan đến Facebook Messenger, sau một yêu cầu của Meta thêm thời gian để tuân thủ tất cả quy định của DMA.
Diễn biến tiếp theo
Theo Tiến sĩ Carugati, mặc dù Apple, Meta, Google, và Amazon bảo vệ nỗ lực tuân thủ DMA của họ, đồng thời cho biết họ sẽ tiếp tục hợp tác với ủy ban để giải quyết các mối lo ngại, nhưng các cáo buộc của ủy ban khó có thể được chứng minh.
“Có thể sẽ khó khăn khi bắt đầu với vụ này vì gánh nặng chứng minh đòi hỏi nguồn lực lớn và tập trung. Các cuộc điều tra nhắm vào Apple cũng có ý nghĩa dù có nhiều lời chỉ trích. Ủy ban đã rất khôn ngoan khi chỉ mở một bước điều tra về các điều khoản kinh doanh mới, do tính phức tạp của việc đánh giá,” ông viết.
Minh Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times