Ứng dụng mua sắm Trung Quốc Temu đối diện với sự giám sát của Hoa Kỳ về bảo mật dữ liệu
Phiên bản ngoại quốc Temu của nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo đang mở rộng nhanh chóng trên toàn thế giới, đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tương lai của Temu ở Hoa Kỳ vẫn còn bấp bênh do những lo ngại về an ninh và căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh.
Năm ngoái (2023), Pinduoduo đã tiếp tục tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ, với bốn quý doanh thu tăng so với cùng thời kỳ năm trước lần lượt là 58%, 66%, 93.9%, và 123%. Doanh thu hoạt động hàng năm của công ty này đạt 247.6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 34.3 tỷ USD), tăng 90% so với năm trước.
Cùng với Tencent và Alibaba, Pinduoduo hiện là một trong ba công ty Internet hàng đầu Trung Quốc. Vào cuối tháng Mười Một năm ngoái (2023), Pinduoduo đã vượt qua Alibaba để trở thành cổ phiếu Trung Quốc lớn nhất ở Hoa Kỳ tính theo mức vốn hóa thị trường.
Mức tăng trưởng cao của Pinduoduo chủ yếu là nhờ việc mở rộng hoạt động kinh doanh ở ngoại quốc, Temu. Kể từ khi ra mắt vào tháng 09/2022, Temu đã mở rộng tới 50 quốc gia và trở thành trang web bán lẻ được truy cập nhiều thứ hai trên thế giới.
Những mức giảm giá sâu và trải nghiệm mua sắm kết hợp với trò chơi đã đưa Temu trở thành một cái tên quen thuộc ở Hoa Kỳ. Theo hãng công nghệ The Information của Thung lũng Silicon, thị trường Hoa Kỳ chiếm 60% tổng doanh số của Temu.
Chính sách giá cả săn mồi
Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay (03/2024), Temu đã chi rất nhiều tiền cho quảng cáo ở Hoa Kỳ. Công ty này đã chạy sáu quảng cáo dài 30 giây hồi đầu tháng Hai trong trận đấu Super Bowl. Mỗi quảng cáo có giá khoảng 7 triệu USD, tương đương 230,000 USD mỗi giây.
Theo SimilarWeb, vào ngày diễn ra sự kiện Super Bowl, số lượt truy cập toàn cầu vào trang web của Temu đã tăng gần ¼ so với Chủ Nhật trước đó, với 8.2 triệu người truy cập vào trang web và ứng dụng này.
Tuy nhiên, Temu vẫn chưa có lãi. Ông Lưu Quân (David Liu), giám đốc tài chính của công ty này, đã nhiều lần nói rằng trọng tâm hàng đầu của Temu là phát triển thị trường chứ không phải kiếm lợi nhuận.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs ước tính Temu lỗ trung bình 7 USD/đơn hàng vào năm ngoái.
Công ty mẹ của Temu, PDD Holdings, đã sử dụng chiến lược tương tự ở Trung Quốc — đầu tiên sử dụng giá thấp để chiếm lĩnh thị trường rồi thu được lợi nhuận sáu năm sau đó.
Để một chiến lược săn mồi như vậy thành công về lâu về dài, thì cần có một điều kiện tiên quyết: Công ty phải đủ mạnh về tài chính để tồn tại trong “giai đoạn chịu thua lỗ.”
Mối đe dọa bảo mật
Chính phủ Hoa Kỳ hiện đang quan tâm sâu sắc đến vấn đề bảo mật dữ liệu, nhấn mạnh đến các mối đe dọa từ các quốc gia đối địch.
Hôm 28/02, Tổng thống Joe Biden đã ký Sắc lệnh 14117 về “Ngăn chặn các Quốc gia Đáng lo ngại Truy cập vào Dữ liệu Nhạy cảm Hàng loạt của người Mỹ và Dữ liệu Liên quan đến Chính phủ Hoa Kỳ.”
Tòa Bạch Ốc đã nêu rõ trong thông cáo báo chí của họ, “Sắc lệnh của Tổng thống tập trung vào thông tin cá nhân và nhạy cảm nhất của người Mỹ, bao gồm dữ liệu gene, dữ liệu sinh trắc học, dữ liệu sức khỏe cá nhân, dữ liệu định vị địa lý, dữ liệu tài chính, và một số loại thông tin nhận dạng cá nhân. Những tác nhân xấu có thể sử dụng dữ liệu này để theo dõi người Mỹ (bao gồm cả các quân nhân tại ngũ), dò xét cuộc sống cá nhân của họ, và chuyển dữ liệu đó sang các nhà môi giới dữ liệu khác và các cơ quan tình báo ngoại quốc. Dữ liệu này có thể cho phép giám sát xâm nhập, lừa đảo, tống tiền, và các hành vi vi phạm quyền riêng tư khác.”
Một ngày sau khi sắc lệnh này được ký ban hành, Hoa Kỳ bắt đầu điều tra xem liệu việc nhập cảng xe hơi của Trung Quốc có gây ra rủi ro an ninh quốc gia hay không.
Tổng thống Biden cho biết trong một tuyên bố, “Những chiếc xe này được kết nối với điện thoại, với hệ thống định vị, với cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta, và với các công ty sản xuất chúng. Các phương tiện đi lại có xuất xứ từ Trung Quốc này sau khi được kết nối có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm về công dân và cơ sở hạ tầng của chúng ta rồi gửi dữ liệu này về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
TikTok cũng là một mối lo ngại về các mối đe dọa bảo mật. Một đạo luật được giới thiệu tại Hạ viện gần đây đã xác định ba mối nguy hiểm tiềm ẩn của ứng dụng này. Đầu tiên, TikTok có thể đóng vai trò như một công cụ trong một chiến dịch độc hại của chính quyền Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến nền chính trị của Hoa Kỳ. Thứ hai, TikTok có thể thu thập thông tin cá nhân của công dân Hoa Kỳ. Cuối cùng, việc tải xuống TikTok có thể cho phép Bắc Kinh cài phần mềm độc hại vào điện thoại hoặc thiết bị của người dùng.
Ông Lâm Tông Nam (Tsung-Nan Lin), một giáo sư kỹ thuật điện tại Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU) nói với The Epoch Times hôm 27/03 rằng Temu đặt ra các mối đe dọa bảo mật tương tự như TikTok.
Theo ông Lâm, khi người dân mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử, thì họ sẽ cung cấp các thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại di động, thông tin thẻ tín dụng, và dữ liệu về thói quen mua sắm của họ. Theo ông, nếu chỉ có một số ít người sử dụng nền tảng này, thì việc sử dụng có thể dẫn đến rò rỉ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, nếu có ngày càng nhiều người sử dụng Temu, cho phép nền tảng này thu thập thông tin cá nhân của họ, thì tình hình sẽ trở thành vấn đề an ninh quốc gia.
Ông Lâm nói, “Ngay cả khi dữ liệu của Temu được lưu trữ trên các máy chủ ở ngoại quốc, công ty mẹ của Temu ở Trung Quốc vẫn có thể truy cập được vì thuật toán của Temu được đặt tại Trung Quốc. Vì vậy, chính quyền Trung Quốc rất dễ dàng có được dữ liệu đó. Luật chống gián điệp của ĐCSTQ rộng đến mức bất kỳ công dân Trung Quốc hoặc công ty Trung Quốc nào cũng có nghĩa vụ cung cấp cho chính quyền thông tin mà họ cần, và thực sự không có cái gọi là doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc.”
Hơn nữa, ông nói thêm rằng nếu ứng dụng mua sắm trên điện thoại di động của quý vị có cửa hậu, thì điều đó có thể dẫn đến rò rỉ thông tin nhiều hơn.
Ông Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics Inc. và nhà xuất bản Tạp chí Rủi ro Chính trị, đã nêu trong một bài báo rằng Temu dường như đã sẵn sàng thay thế Amazon, đòi hỏi Hoa Thịnh Đốn phải hành động nhanh chóng. Ông cảnh báo rằng việc trì hoãn can thiệp cho đến khi Temu đã có chỗ đứng vững chắc ở Hoa Kỳ có thể đặt ra những thách thức tương tự như những thách thức mà TikTok đặt ra.
Ông Corr, người cũng đóng góp bài viết cho The Epoch Times, viết: “Temu có thể thúc đẩy hoạt động tiếp thị lan truyền nhằm hạ gục đối thủ cạnh tranh bằng các sản phẩm có giá thành thấp hơn thị trường. Do đó, Temu có thể nhắm mục tiêu có chọn lọc vào các nhà sản xuất Hoa Kỳ, đẩy họ ra khỏi hoạt động kinh doanh bằng các sản phẩm giá thấp, rồi sau đó tăng giá lên mức độc quyền, hoặc sử dụng nguồn cung cho mục đích chính trị. Bắc Kinh đã từng viện đến sách lược đó trước đây.”
Lỗ hổng luật thương mại
Có một quy định miễn trừ trong luật thương mại của Hoa Kỳ được gọi là Miễn thuế Tối thiểu (De Minimis Tax Exemption) cho phép khách du lịch Hoa Kỳ mang quà lưu niệm về nhà mà không cần phải báo cáo với cục quan thuế. Điều khoản này cho phép hàng hóa có giá trị dưới 800 USD vào Hoa Kỳ mà không cần phải kiểm tra hoặc chịu thuế.
Trung Quốc có quy định chặt chẽ hơn nhiều. Đối với các mặt hàng được vận chuyển từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc, chỉ những mặt hàng có giá trị dưới 7 USD mới không phải chịu thuế.
Các nhà phê bình cho rằng Temu và đối thủ cạnh tranh lớn hơn của Temu từ Trung Quốc, Shein, đã lợi dụng các quy định tối thiểu để trốn tránh việc chi trả những khoản tiền đáng kể, mang lại cho họ lợi thế không công bằng so với các doanh nghiệp trong nước và cho phép họ né tránh luật cấm nhập cảng hàng hóa do lao động cưỡng bức sản xuất.
Bà Kim Glas, Giám đốc điều hành của Hội đồng các Tổ chức Dệt may Quốc gia (NCTO), nói với Forbes trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12/2023: “Các nhà bán lẻ lớn đang chịu tổn hại vì điều này.”
Vấn đề này cũng đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Hoa Kỳ.
Tháng Sáu năm ngoái, Dân biểu Earl Blumenauer (Dân Chủ-Oregon) và Dân biểu Neal Dunn (Cộng Hòa-Florida) cùng Thượng nghị sĩ Sherrod Brown (Dân Chủ-Ohio) và Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đã giới thiệu Đạo luật Công bằng và An ninh Nhập cảng để ngăn chặn các nền kinh tế phi thị trường khai thác ngưỡng đánh thuế tối thiểu và yêu cầu Cục Quan thuế và Bảo vệ Biên giới (CBP) thu thập thêm thông tin về các gói hàng thuộc diện tối thiểu.
Theo bà Glas, liệu cuối cùng Quốc hội có thông qua đạo luật để bịt lỗ hổng này hay không “là một câu hỏi trị giá hàng tỷ dollar.”