UNESCO giữ rạn san hô Great Barrier nằm ngoài danh sách ‘đang gặp nguy hiểm’ sau khi bị Úc phản đối
Rạn san hô Great Barrier sẽ không được thêm vào danh sách các di sản thế giới đang trong tình trạng “nguy hiểm” sau khi một hội đồng của Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu (23/07) đã đồng ý hoãn việc bỏ phiếu cho đến năm 2022 trong bối cảnh Úc phản đối.
Hội nghị của Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO được tổ chức hầu hết tại thành phố Phúc Châu của Trung Quốc. Các thành viên ủy ban này đã đồng ý với một sửa đổi với nội dung yêu cầu Úc đưa ra một báo cáo cập nhật về tình trạng của rạn san hô trước tháng 02/2022, trong bối cảnh một cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra về việc có xếp khu vực này vào diện nguy cấp hay không.
Chính phủ Úc đã bác bỏ khuyến nghị trước đó của ủy ban do Trung Quốc chủ trì này rằng rạn san hô này nên được xếp vào loại “đang gặp nguy hiểm,” lập luận rằng đó là một quyết định mang động cơ chính trị.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Điền Học Quân (Tian Xuejun) đã bác bỏ những tuyên bố của các chính trị gia Úc và nói rằng nước này nên tập trung vào việc “nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ” bảo vệ rạn san hô Great Barrier thay vì đưa ra “những cáo buộc vô căn cứ.”
Ông Điền cho biết các khuyến nghị được đưa ra dựa trên dữ liệu của Úc và dựa trên ý kiến của một cơ quan tư vấn.
Bộ trưởng Môi trường Sussan Ley hôm 19/07 cho biết một báo cáo mới của Viện Khoa học Biển Úc cho thấy san hô đang phục hồi trên diện rộng sau khi trải qua ba sự kiện tẩy trắng lớn trong năm năm qua.
Bà Ley nói, “Thông điệp rõ ràng từ cuộc khảo sát năm nay là sự phục hồi san hô có thể diễn ra và đang diễn ra trong điều kiện thích hợp. Việc phát hành báo cáo đầy đủ nhấn mạnh quan điểm của chúng tôi rằng việc Ủy ban Di sản Thế giới đề xuất danh sách đã không dựa trên thông tin mới nhất.”
Tuy nhiên, ông Peter Ridd, chuyên gia về rạn san hô Great Barrier, người đã bị sa thải khỏi trường đại học nơi ông công tác vì đi ngược lại các câu chuyện của giới khoa học chính thống, cho biết các sự kiện tẩy trắng đã xảy ra tự nhiên liên tục ở rạn san hô này trong suốt lịch sử và san hô luôn phát triển trở lại.
“Bằng cách liên tục tuyên bố rằng rạn san hô này đang ở trong tình trạng tồi tệ, mà bất kỳ thợ lặn nào trên rạn san hô cũng có thể thấy là không đúng sự thật, các tổ chức khoa học về rạn san hô không đáng tin cậy của chúng ta đã khiến cho Úc quay lưng lại phản đối,” ông trước đó nói với The Epoch Times hôm 22/06.
Chính quyền tiểu bang Queensland cũng đã ủng hộ sự thúc đẩy của liên bang chống lại khuyến nghị của ủy ban nhằm bảo vệ hàng chục ngàn việc làm dựa vào hệ thống san hô và nền kinh tế đằng sau nó.
“Chúng tôi đang làm việc với chính phủ Úc; Chúng tôi chắc chắn muốn thấy rạn san hô Great Barrier vẫn còn trong danh sách di sản thế giới,” Quyền Thủ hiến Steven Miles nói với các phóng viên hôm thứ Sáu (23/07). “Đó là tín hiệu cho người dân trên khắp thế giới rằng rạn san hô này nên nằm trong danh sách những việc cần làm của họ.”
Nhưng bà Fanny Douvere, người đứng đầu chương trình biển di sản thế giới, đã bào chữa cho khuyến nghị [rạn san hô] “đang gặp nguy hiểm,” nói rằng điều này khách quan và dựa trên cơ sở khoa học.
“Quyết định này là một đánh giá mang tính chuyên môn, khách quan về tình trạng của rạn san hô,” bà Douvere nói với đài ABC vào tháng Sáu (23/07) . “Nó đã được dựa trên nền tảng khoa học tốt nhất hiện có.”
Do Rebecca Zhu thực hiện
Với sự đóng góp của Reuters
Hạo Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: