Úc tăng cường liên kết quân sự với các nước ở xung quanh Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton đã nêu rõ rằng quốc gia này sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại kinh tế, chính trị, và quân sự với các nước láng giềng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngay sát cạnh Trung Quốc, sau khi lên án chế độ cộng sản này đã rêu rao những lời lẽ sáo rỗng về hòa bình.
Phát biểu trong một thông điệp được ghi âm trước tại một hội nghị trực tuyến do Viện Lowy tổ chức, ông Dutton nêu lên lo ngại về những xích mích đang gia tăng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Dutton nói: “Chúng ta đang đối mặt với những thách thức bao gồm việc hiện đại hóa nhanh chóng quân đội, căng thẳng về những yêu sách lãnh thổ, gia tăng cưỡng bách kinh tế, phá hoại luật pháp quốc tế, … gia tăng thông tin sai lệch, can thiệp từ ngoại quốc, và các mối đe dọa an ninh mạng.”
Ông Dutton không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc nhưng cho biết Úc đã và sẽ tiếp tục, củng cố khả năng quân sự của mình cùng với các đồng minh có chung mối quan tâm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Ấn Độ.
“Trong các cuộc thảo luận đó, tôi đã nói với những người bạn cùng chí hướng trong khu vực này, thông điệp được đưa ra công khai và rõ ràng: họ cùng chung mối quan tâm đến việc tiếp tục bảo đảm nền hòa bình và thịnh vượng. Họ muốn thấy hệ thống Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoạt động trật tự và ổn định.”
Ông đề cập rằng Úc đã tham gia vào nhiều cuộc tập trận phối hợp cùng với các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm ngoái, bao gồm trận Malabar với Ấn Độ, Nhật Bản, và Hoa Kỳ; trận Bersama Gold với Malaysia, Singapore, Anh Quốc, và New Zealand; Diễn tập Đối tác Hàng hải với Nhật Bản, Anh Quốc, và Hoa Kỳ; và huấn luyện hải quân Annualex với Nhật Bản, Canada, Đức, và Hoa Kỳ.
Úc cũng đang trong những bước cuối cùng chuẩn bị cho cuộc tập trận bộ binh thường niên với Hàn Quốc, dự kiến bắt đầu vào năm 2023.
“Kết quả của các cuộc tập trận phức tạp bao gồm nhiều thành phần này … giúp củng cố đáng kể khả năng tích hợp và tương tác giữa các lực lượng, và nâng cao độ tin cậy và sự tin tưởng vào khả năng hợp tác của chúng ta.”
Ông Dutton nhấn mạnh rằng công nghệ tàu ngầm hạt nhân đạt được thông qua hiệp ước giữa Úc-Anh Quốc-Hoa Kỳ, còn được gọi là hiệp ước AUKUS, đã thể hiện một bước nhảy vọt về khả năng quân sự của quốc gia này và mối quan hệ giữa Úc-Hoa Kỳ đã lên mức cao nhất mọi thời đại.
“Sự hiện diện của Hoa Kỳ và các lực lượng quân sự của họ trong khu vực của chúng ta đã giúp củng cố nền hòa bình và thịnh vượng của khu vực trong nhiều thập kỷ. Đối mặt với những thách thức mới, mối quan hệ đồng minh của Úc với Hoa Kỳ là mối quan hệ bền chặt nhất mà hai nước từng có.”
Những bình luận của ông Dutton được đưa ra ngay sau khi ông chỉ trích Trung Quốc vì đã có những hành động “đáng báo động” đi ngược lại tuyên bố của chế độ cộng sản này về sự thúc đẩy hòa bình.
Ông Dutton từng nói rằng: “Đến giờ tất cả chúng ta đều quen thuộc với những tuyên bố thường xuyên của chính phủ Trung Quốc rằng họ cam kết vì hòa bình, hợp tác, và phát triển.”
Ông nói: “Tuy nhiên, chúng ta chứng kiến sự khác biệt đáng kể giữa lời nói và hành động, giữa lời nói và thực tế,” đồng thời lưu ý rằng Bắc Kinh đã sử dụng sức mạnh của mình trong lĩnh vực an ninh, thương mại, kinh tế, truyền thông và Internet để buộc các quốc gia khác phải đầu hàng trước những yêu sách của họ.
“Nếu Đài Loan bị chiếm, chắc chắn Quần đảo Senkaku sẽ là nơi tiếp theo. Xin đừng trông cậy vào trí tưởng tượng của mình. Chính phủ Trung Quốc không thể rõ ràng hơn; không phải lúc nào cũng bằng lời nói, nhưng chắc chắn là bằng hành động của họ,” ông Dutton nói.
Tóm lại, ông Dutton nhấn mạnh về [sự xuất hiện của] 20 tiền đồn ở Biển Đông vốn vi phạm các thỏa thuận quốc tế, số lượng phản lực cơ của Trung Quốc ngày càng tăng trong vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, việc sử dụng tàu cá của lực lượng dân quân để xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và leo thang căng thẳng ở biên giới của Trung Quốc với Ấn Độ và ở Biển Hoa Đông với Nhật Bản.
Điều này cũng bao gồm việc tước bỏ nền dân chủ của Hồng Kông, “bịa ra một hình ảnh tuyên truyền mô tả một người lính Úc giết một đứa trẻ Afghanistan,” và các hoạt động mạng chống lại các chính phủ và các tổ chức thương mại ngoại quốc.
Bắc Kinh cũng đã cố gắng trừng phạt Úc thông qua các biện pháp cấm vận thương mại sau khi nước này kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19 do virus Trung Cộng gây ra — một hành động ảnh hưởng đến ngành than, rượu, lúa mạch, thịt bò, tôm hùm, gỗ, và bông của Úc.
Daniel Khmelev là một phóng viên người Úc chuyên về mảng năng lượng, công nghệ và chính trị, đang sinh sống tại Perth. Ông có bằng cử nhân toán học, vật lý và khoa học máy tính. Quý vị có thể liên lạc với ông qua email [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của Caden Pearson
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: