Úc cùng với 55 quốc gia khác ủng hộ mạnh mẽ Nhân Quyền
Úc và 55 quốc gia khác, gồm cả Hoa Kỳ và Anh Quốc, đã đưa ra một tuyên bố chung phản đối việc tùy tiện giam giữ công dân nước ngoài nhằm gây sức ép chính trị trong quan hệ giữa quốc gia với quốc gia.
“Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ cho việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền,” Ngoại trưởng Úc, bà Marise Payne, tuyên bố trong một thông điệp video vào lúc 1h sáng hôm 16/02/2021.
“Quyền không phải đối mặt với việc bị bắt hay giam giữ tùy tiện được luật pháp quốc tế đảm bảo và các quốc gia phải tuân thủ các nghĩa vụ trong luật nhân quyền quốc tế.”
Tuyên bố do Canada khởi xướng được đưa ra nhằm đáp trả việc giam giữ tùy tiện được một số quốc gia sử dụng như những con bài để thương lượng trong quan hệ đối ngoại.
Nước này kêu gọi các quốc gia tham gia ký kết có những hành động mạnh mẽ để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tồi tệ trong khu giam giữ, việc từ chối quyền tiếp cận với luật sư pháp lý, tra tấn, và các hình phạt hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục khác.
Bà Payne cũng lưu ý rằng trong bản tuyên bố này cũng bao gồm việc không sử dụng virus Trung Cộng, còn được gọi là virus corona mới, như một lý do để từ chối quyền tiếp cận lãnh sự đối với các công dân nước ngoài đang bị giam giữ.
Bà Payne tuyên bố, “Hôm nay Úc sát cánh cùng với hơn 55 đối tác quốc tế của chúng tôi trong việc ủng hộ mạnh mẽ nhân quyền phổ quát và nhắc lại rằng chúng tôi kiên quyết phản đối việc sử dụng các biện pháp giam giữ, bắt giữ và kết án tùy tiện nhằm gây ảnh hưởng đến quan hệ giữa quốc gia với quốc gia.”
“Thông lệ giam giữ tùy tiện là vi phạm luật pháp quốc tế. Các quốc gia phải duy trì tất cả các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của họ, và điều đó bao gồm cả những nghĩa vụ đối với công dân nước ngoài và những người mang hai hộ chiếu trong phạm vi quyền hạn của họ.”
Mục đích của tuyên bố này là ràng buộc các quốc gia đối tác phải cam kết tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi về nhân quyền, quan hệ lãnh sự, pháp quyền, và sự độc lập của hệ thống tư pháp để bảo vệ các công dân đang sống, làm việc và du lịch ở nước ngoài.
Bà Payne cho biết Úc sẽ yêu cầu các quốc gia phải chịu trách nhiệm với những cam kết quốc tế này, và có nghĩa vụ phải tuân thủ các luật pháp và thông lệ quốc tế.
Năm ngoái, Úc đã cập nhật hướng dẫn du lịch chính thức đối với Trung Quốc, đề nghị công dân nước mình không nên đến đó du lịch vì họ có thể bị giam giữ tùy tiện. Luật an ninh quốc gia khắt khe của Trung Cộng có thể được diễn giải theo nhiều cách. Điều này có nghĩa là một du khách có thể phạm luật mà không nhận ra điều đó, chính phủ Úc cảnh báo.
Phóng viên người Úc gốc Hoa, cô Cheng Lei, đã chính thức bị bắt hôm 07/02/2021, sau khi bị giam giữ sáu tháng ở Trung Quốc mà không có lệnh bắt giam, vì bị nghi ngờ tiết lộ bí mật quốc gia ra nước ngoài một cách bất hợp pháp.
Cô Cheng, 49 tuổi, là xướng ngôn viên của CGTN, kênh quốc tế của đài truyền hình nhà nước Trung Cộng, trước khi bị giam giữ tại Bắc Kinh vào tháng 08/2020 khi quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh xấu đi.
Ngoại trưởng Vương quốc Anh, ông Dominic Raab cho biết, thông lệ tùy tiện giam giữ các cá nhân để làm đối trọng đàm phán với các chính phủ khác là “không thể bào chữa được” và sẽ không được dung thứ.
Ông cho biết trong một tuyên bố, “Vương quốc Anh tự hào đoàn kết cùng với hơn 55 quốc gia khác để chấm dứt thông lệ không thể chấp nhận được này.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Antony Blinken cho biết, ông cũng rất vinh dự được tham gia vào lễ ra mắt bản tuyên bố và phối hợp cùng cộng đồng quốc tế trong vấn đề này.
Ông cho biết khi các quốc gia sử dụng việc bắt giữ tùy tiện để có được đối trọng trong quan hệ giữa quốc gia với quốc gia, thì “đó là một hành động tàn ác chống lại nhân quyền của những cá nhân đang được nói tới và là một sự sỉ nhục đối với các chuẩn mực ngoại giao quốc tế.”
“Sự liên minh chặt chẽ của chính phủ các nước trong việc bảo chứng tuyên bố này gửi một thông điệp rõ ràng rằng lịch sử vẫn luôn đứng về phía nhân quyền và pháp quyền – chứ không phải việc bất chấp sử dụng luật pháp như một công cụ chính trị. Con người không phải là quân bài để mặc mặc cả,” ông Blinken cho biết trong một thông thông báo hôm 16/02/2021.
Ông nói, “Hoa Kỳ hết lòng tán thành tuyên bố này và kêu gọi tất cả các quốc gia có cùng quan điểm phối hợp với nhau để gây áp lực buộc các quốc gia có những hành vi giam giữ như vậy phải chấm dứt, và trả tự do cho những người đang bị giam giữ và tôn trọng pháp quyền và nhân quyền.”
Trang web của chính phủ Canada cho biết những hành vi như vậy là trái với luật pháp quốc tế và làm suy yếu mối quan hệ hữu nghị giữa các nước, hợp tác quốc tế, du lịch và thương mại.
Ngoại trưởng Canada, ông Marc Garneau cho biết, tất cả các trường hợp bị giam giữ tùy tiện là không thể chấp nhận được. Ông nói, “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại việc giam giữ tùy tiện trong quan hệ giữa quốc gia với quốc gia, ngay bây giờ và cả trong tương lai.”
Do Caden Pearson thực hiện
Thanh Tùng biên dịch.
Xem thêm: