UBS, JPMorgan cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc vì chính sách ‘Zero-COVID’
UBS Group và JP Morgan Chase đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng tổng thể sản phẩm quốc nội của Trung Quốc (tăng trưởng GDP trong năm nay) do quốc gia này đã bị tê liệt sau một loạt các cuộc phong tỏa được thực hiện bởi chính sách ‘zero-COVID’ nghiêm ngặt của chính phủ.
UBS đã ước tính tăng trưởng kinh tế cả năm của Trung Quốc sẽ đạt 3%, thay vì 4.2% như dự báo trước đó. Trong khi đó, JPMorgan hạ dự đoán về tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới từ 4.3% xuống 3.7%. Tính toán cập nhật này được đưa ra khi chính quyền Bắc Kinh giữ nguyên cách tiếp cận không khoan nhượng nghiêm ngặt đối với COVID-19 với cái giá phải trả là nền kinh tế của chính mình.
Chiến lược gia thị trường toàn cầu của JPMorgan, ông Kerry Craig cho biết, Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng 5.5% cho nền kinh tế, khắc phục sự lây lan của virus corona thông qua chính sách zero-COVID, và hỗ trợ thị trường nhà ở đang lao dốc.
Tuy nhiên, theo ông Craig, “Bộ ba đó dường như không phải là thứ gì đó sẽ dễ dàng cân bằng.”
Bình luận của ông lặp lại dự đoán của nhiều nhà kinh tế học, những người nói rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ không phục hồi nhanh chóng sau các đợt phong tỏa mới nhất này.
Các nhà kinh tế của UBS lưu ý: “Những hạn chế kéo dài và sự thiếu rõ ràng về chiến lược rút lui khỏi chính sách Covid hiện tại có thể sẽ làm giảm niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời cản trở việc giải phóng nhu cầu bị dồn nén.”
Các nhà phân tích tại ngân hàng Nhật Bản Nomura ước tính rằng 26 thành phố của Trung Quốc đã thực hiện phong tỏa toàn bộ hoặc một phần hoặc các biện pháp ngừa COVID khác tính đến ngày 23/05, chiếm 208 triệu người và 20.5% sản lượng kinh tế của Trung Quốc.
Trung tâm tài chính của Thượng Hải đã bị phong tỏa trong hơn hai tháng. Trong khi các quan chức chỉ ra rằng các hạn chế sẽ được dỡ bỏ bắt đầu từ hôm 01/06, người dân đã bày tỏ sự hoài nghi khi các nhà chức trách đã đưa ra những tuyên bố tương tự trong những tuần qua, nhưng đã không xảy ra.
Theo dữ liệu chính thức, hoạt động kinh tế của nước này đã giảm mạnh trong tháng qua.
Doanh số bán lẻ trong tháng Tư đã giảm hơn 11% so với một năm trước đó, đánh dấu sự sụt giảm lớn nhất kể từ đợt bùng phát virus corona đầu tiên vào tháng 03/2020.
Các nhà máy ở Thượng Hải đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả của gián đoạn hậu cần và tình trạng thiếu công nhân, với tổng sản lượng công nghiệp trong thành phố giảm 61.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Ông Meng Lei, chiến lược gia chứng khoán Trung Quốc tại UBS Securities, cho biết trong một lưu ý vào tuần trước: “Các nghiên cứu điển hình của chúng tôi về Thượng Hải, Cát Lâm, Tây An và Bắc Kinh cho thấy sự gián đoạn về hậu cần và chuỗi cung ứng là những điểm thiệt hại lớn nhất ảnh hưởng đến việc tái sản xuất. Do đó, việc tiếp tục công việc trở lại có thể diễn ra từ từ chứ không thể diễn ra trong một sớm một chiều.”
Ông Robin Xing, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Morgan Stanley, cũng chia sẻ quan điểm này và cho biết, “chúng tôi cũng nghĩ rằng con đường phục hồi có thể sẽ chậm chạp và gập ghềnh.”
Tuần trước, Standard Chartered, Bloomberg Economics, Goldman Sachs và Citigroup đều đã cắt giảm ước tính tăng trưởng của Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng sâu rộng do hoạt động ngăn chặn COVID-19 kéo dài.
Cô Hannah Ng là một phóng viên đưa tin về Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: