Tượng tăng nhân hiển lộ mười hai hình tướng Bồ Tát trên khuôn mặt
Bảo tàng Kyoto ở Nhật Bản đang bảo lưu một bức tượng nhà sư bằng gỗ huyền bí có chiều cao 160 cm. Điều thần kỳ nhất là khuôn mặt của nhà sư bị xẻ đôi ở giữa, bên trong hiện ra tượng Quán Âm Bồ Tát. Đây rốt cục là chuyện gì vậy?
Người được điêu khắc tượng gỗ này là hòa thượng Bảo Chí 寶誌 (còn được viết là 寶志) (418-514), sống dưới thời nhà Nam Tề và nhà Nam Lương trong thời Nam Bắc triều. Ông là người lôi thôi lếch thếch, nổi tiếng với bản lĩnh cao cường và ngôn hành phóng túng, và là một trong những “Thần tăng” trứ danh trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Một số người cho rằng một phần câu chuyện về Tế Công lấy từ hình mẫu của hòa thượng Bảo Chí. Cũng có người cho rằng ông chính là nguyên mẫu của Tế Công.
Bảo Chí hòa thượng họ Chu, người Kim Thành, tỉnh Chiết Giang. Khi đó, Chu thị phụ nhân nghe thấy tiếng khóc của một hài nhi trong tổ đại bàng. Bà liền trèo thang lên cây và tìm thấy hài nhi. Sau đó, bà nhận cậu bé làm con nuôi. Khi lên bảy tuổi, Bảo Chí theo tăng nhân Kiệm ở Chung Sơn xuất gia tu Phật. Bảo Chí khuôn mặt đầy đặn, chính trực, mang vẻ trong sáng, thấu suốt như gương, nhưng tay chân lại giống như móng vuốt chim. Sau đó, Bảo Chí ở lại chùa Đạo Lâm ở Giang Đông để tu hành.
Vào năm đầu đời Tống Thái Thủy, Nam triều, hành vi của Bảo Chí hòa thượng bỗng trở nên kỳ lạ. Ông không ở nơi nào cố định, không có thời gian ăn uống, tóc dài mấy tấc cũng không cắt và thường đi chân trần trên đường. Đôi khi trên đầu gậy tích trượng ông cầm trong tay treo một chiếc kéo và một chiếc gương, có khi còn treo trên đó một hoặc hai mảnh lụa.
Vào thời Kiến Nguyên nhà Tề, mọi người đã biết đến những hành động kỳ lạ của Bảo Chí hòa thượng. Ông thường nhịn ăn vài ba ngày cũng không lộ vẻ đói. Đôi khi ông còn làm thơ để tiên đoán sự việc. Những lời tiên đoán lúc đầu còn khó hiểu nhưng về sau đều ứng nghiệm.
Khi đó, sĩ tử và dân thường ở Giang Đông rất sùng bái ông. Tề Vũ Đế cho rằng ông dùng lời bịa đặt để mê hoặc dân chúng nên đã bắt và giam ông trong nhà ngục Kiến Khang. Song ngày hôm sau, người ta lại nhìn thấy ông đang ở ngoài chợ. Kiểm tra lại trong ngục thì phát hiện ông vẫn còn ở bên trong. Chuyện này khiến mọi người rất kinh hãi. Bảo Chí hòa thượng còn nói với cai ngục: “Ngoài cửa có hai hộp thức ăn, bên trong có cơm đựng trong bát bằng vàng, ngươi có thể lấy.” Một lúc sau, Thái tử Tề Văn Huệ, một người tu tập theo Phật pháp, và Cánh Lăng Vương Tiêu Tử Lương đều phái người mang thức ăn đến. Điều này quả nhiên đúng như ông dự liệu.
Vào mùa đông, Bảo Chí hòa thượng thường để tay trần. Một tăng nhân khác tên là Bảo Lương muốn tặng ông một chiếc áo cà sa. Còn chưa kịp nhờ người nói cho ông biết thì Bảo Chí hòa thượng đã bất ngờ đến lấy chiếc áo.
Sau này, ông còn triển lộ thần thông của mình trước mặt Tề Vũ Đế, cho ông ta nhìn thấy cảnh Tề Cao Đế đang bị tra tấn bằng dao, dùi trong địa ngục. Vũ Đế từ đó bãi bỏ hình phạt dùng dao và dùi. Vũ Đế thường triệu Bảo Chí hòa thượng đến gặp mặt ở Hoa Lâm Viên.
Một hôm, ông bất ngờ đội một chiếc mũ vải ba lớp, chính là một chiếc mũ tang đến gặp Vũ Đế. Chẳng bao lâu sau, Vũ Đế băng hà. Thái tử Văn Huệ và Dự Chương Vương cũng lần lượt qua đời. Vệ úy của nước Tề là Hồ Hài Chi đột nhiên đổ bệnh và mời Bảo Chí hòa thượng đến. Ông nói “ngày mai” và không đi. Ngày hôm sau, Hồ Hài Chi bệnh mất.
Về sau, tướng quân nhà Tề là Tang Yển muốn làm phản. Trước khi nổi dậy, ông ta đến gặp Bảo Chí hòa thượng, đại khái muốn biết kết cục. Nhìn thấy Tang Yển đang đi đến từ xa, Bảo Chí hòa thượng lớn tiếng nói: “Nếu muốn nổi loạn vây Đài thành, ngươi sẽ bị chặt đầu, mổ bụng.” Sau này xảy ra sự biến, Tang Yển phản loạn, bị người khác bắt giữ. Quả nhiên như hòa thượng dự đoán, ông ta bị chặt đầu và bị mổ bụng.
Bảo Chí hòa thượng thường đến thăm chùa Hưng Hoàng và Tịnh Danh. Sau khi nhà Lương tiêu diệt nhà Tề, Võ Đế lên ngôi và hạ chiếu cho phép Bảo Chí hòa thượng tùy ý ra vào cung. Từ đó, ông thường xuyên ra vào cung cấm.
Năm Thiên Giám thứ năm, mùa đông xảy ra hạn hán, trời không giáng một giọt mưa nào. Bảo Chí hòa thượng nói: “nên giảng kinh cầu mưa ở điện Hoa Quang.” Lương Võ Đế bèn ra lệnh cho hòa thượng Pháp Vân giảng kinh. Đêm đó, trời mưa rất to. Bảo Chí hòa thượng lại nói: “Nên đặt một chậu nước và để con dao lên trên.” Một lúc sau, mưa từ trên trời rơi xuống càng to hơn. Tình trạng hạn hán đã giảm bớt trên khắp đất nước.
Một ngày nọ, Lương Võ Đế nhờ họa sĩ nổi tiếng Trương Tăng Diêu vẽ chân dung của hòa thượng Bảo Chí. Khi vẫn chưa vẽ xong, trong quá trình vẽ Trương Tăng Diêu đã có chút bối rối. Tại sao? Bởi vì thứ ông nhìn thấy không phải chỉ là một khuôn mặt, mà là một khuôn mặt không ngừng thay đổi. Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là hòa thượng Bảo Chí còn dùng ngón tay gãi vào giữa khuôn mặt của mình từ trên xuống dưới. Sau đó, ông dùng hai tay xé nó ra, thực sự xé toạc lớp da bên ngoài, từ trong đó hiện ra khuôn mặt của Bồ Tát Quán Thế Âm. Hơn nữa hết khuôn mặt này đến khuôn mặt khác, tổng cộng có mười hai khuôn mặt của Bồ Tát Quán Âm xuất hiện. Họa sĩ Trương Tăng Diêu đã vẽ nên khung cảnh huyền diệu này một cách chân thực.
Sự việc này lần đầu tiên được ghi lại trong tài liệu Đôn Hoàng (S.1624) vào năm 942. Trong “Long Hưng biên niên sử chung,” điển tịch của triều Nam Tống do Tổ Tú soạn viết, còn mô tả những hình tướng này của Bồ Tát Quán Thế Âm là: “Diệu tướng thù lệ, hoặc từ hoặc uy,” (tướng mạo vô cùng đẹp đẽ, hoặc mang vẻ từ bi, hoặc thể hiện sự uy nghiêm.) Sau này, Phật Pháp được truyền vào Nhật Bản và người Nhật đã tạc một bức tượng dựa trên câu chuyện này.
Phong cảnh núi Tiềm Sơn của Thư Châu rất tuyệt vời, đặc biệt phong cảnh ở chân đồi lại càng đẹp hơn. Cả Bảo Chí hòa thượng và Bạch Hạc đạo nhân đều muốn xây dựng một đạo tràng ở đây. Vào năm Thiên Giám thứ sáu, hai người bày tỏ ý muốn với Võ Đế. Võ Đế cho rằng cả hai người đều có thần thông, nên bàn bạc rằng mỗi người sử dụng đồ vật để xác định vị trí của mình, và ai thắng sẽ ngụ ở đó. Đạo nhân nói: “Ta lấy chỗ tiên hạc dừng làm dấu.” Bảo Chí hòa thượng nói: “Ta lấy chỗ cây gậy tích trượng đứng làm dấu.”
Ngay sau đó, tiên hạc bay đi trước. Khi nó chuẩn bị dừng lại dưới chân núi thì chợt nghe thấy âm thanh gậy tích trượng bay trên không trung. Cây gậy tích trượng của Bảo Chí hòa thượng lúc đó dừng lại dưới chân núi, tiên hạc sợ hãi bay mất. Đạo nhân không thể thất hứa. Hai người bèn thực hiện những gì mình nói. Bảo Chí hòa thượng lúc này dựng chùa trên núi.
Có một người tên là Trần Chinh Lỗ. Cả gia đình người này đều tận tâm tận lực cung phụng Bảo Chí hòa thượng và rất kiền thành. Bảo Chí hòa thượng từng hiển lộ chân hình của mình cho anh ta thấy, hình tướng của ông giống như tượng Bồ Tát. Bảo Chí hòa thượng triển hiện danh tiếng và kì tích hơn 40 năm. Người cung dưỡng nhiều không đếm xuể.
Ở chùa Lâm Hải ở Hội Kê có một vị hòa thượng đức hạnh, nghe nói ở Đô Hạ, Dương Châu có một vị hòa thượng tên Bảo Chí hành vi phóng túng. Vị hòa thượng này cho rằng đây không phải là một người tu hành nghiêm túc hoặc bị phụ thể cáo. Cho nên, ông ấy muốn dùng chó săn để bắt Bảo Chí hòa thượng. Thế là, ông xuống thuyền nhỏ ra biển tới Phổ Khẩu để đi về hướng Tây. Đột nhiên gặp một cơn gió mạnh, thuyền trôi dạt về hướng đông nam trong sáu, bảy ngày. Sau đó, ông đến một hòn đảo và nhìn thấy một ngôi chùa dát vàng với hàng ngàn đám mây hiện ra.
Hòa thượng men theo con đường nhỏ đến ngôi chùa. Ngôi chùa rất đẹp, hoa cỏ thơm ngát. Trong chùa có năm, sáu tăng nhân, khoảng ba mươi tuổi, dung mạo tuấn tú, mặc áo cà sa màu đỏ. Vị hòa thượng hỏi: “Ta muốn đi Đô Hạ, chẳng ngờ bị gió thổi tới chốn này. Không biết đây là châu quốc nào? Bây giờ nhìn thấy biển bao quanh, ta sợ không thể trở về quê hương được.” Tăng nhân trong chùa trả lời: “Ông muốn đi đến Dương Châu thì tức thời sẽ đến ngay. Đây là một lá thư, xin hãy chuyển nó tận tay cho Hoàng Đầu, căn phòng thứ hai ở đầu phía nam, hành lang phía tây của chùa Chung Sơn.” Sau đó, tăng nhân trong chùa bảo hòa thượng nhắm mắt lại, đợi cho đến khi gió ngừng thổi hãy mở mắt ra.
Vị hòa thượng nhắm mắt ngồi trên thuyền. Khi gió ngừng thổi, ông mở mắt ra và thấy mình đã đến bờ tây.
Sau khi vị hòa thượng lên bờ, ông đi bộ hàng chục dặm và đến Đô Hạ. Ông đi thẳng vào chùa Chung Sơn nhưng mọi người đều nói không có ai tên Hoàng Đầu. Vị hòa thượng còn nói rằng, ông ấy [Hoàng Đầu] sống trong căn phòng thứ hai ở đầu phía nam của hành lang phía tây. Có người nói với ông rằng, người đó là một hòa thượng điên, thường ở Đô Hạ vui chơi và không thường xuyên quay lại, trong phòng không có ai. Khi mọi người đang nói chuyện, Bảo Chí đã quay lại trong hình trạng say khướt. Lúc này ông đang xin đồ ăn trong bếp của chùa.
Hòa thượng chùa Lâm Hải bảo một tiểu sa di vào bếp gọi nhỏ tên Hoàng Đầu. Bảo Chí đột nhiên nói: “Ai gọi ta?” Thế là, ông đi theo tiểu sa di đến chỗ vị hòa thượng và nói với ông ấy: “Không phải ông đang muốn tìm chó săn để bắt tôi sao? Tại sao lại đến tay không?”
Vị hòa thượng chùa Lâm Hải biết Bảo Chí hòa thượng không phải phàm nhân, nên ông đảnh lễ sám hối rồi trao bức thư cho ông. Sau khi đọc thư, Bảo Chí hòa thượng nói: “Phương trượng gọi tôi, không lâu nữa tôi sẽ tự quay về.” Ông đếm trên đầu ngón tay, tháng nọ ngày nọ mình sẽ đi. Bảo Chí hòa thượng nói với những người khác trong chùa: “Mọi người hãy nhớ ngày đó tháng đó.”
Vào mùa đông năm Thiên Giám thứ mười ba, Bảo Chí hòa thượng nói với mọi người ở hậu đường: “Bồ Tát sắp đi.” Sau vài ngày, ông qua đời mà không hề có bệnh tật gì. Sau khi viên tịch, thi thể của ông tỏa ra mùi thơm nhẹ, hình dung vui vẻ. Có lẽ, ông đến Tiên giới mà hòa thượng chùa Lâm Hải đã ghé qua.
Tư liệu tham khảo: “Thần Tăng Truyện,” quyển 4.
Tịnh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ