Tướng Mỹ: Quân đội Hoa Kỳ có thể ‘học những bài học sai lầm’ từ cuộc chiến Ukraine
Theo một tướng Mỹ, Hoa Kỳ nên điều chỉnh các chiến lược và chương trình của mình dựa trên hiệu quả hoạt động của quân đội Nga và Ukraine trong cuộc chiến đang diễn ra để tránh học những bài học sai lầm cho một cuộc chiến trong tương lai.
Hôm 03/04, trong một buổi nói chuyện tại Hội đồng Đại Tây Dương, một viện nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, Chuẩn tướng Thủy quân lục chiến Mark Clingan cho biết, bằng cách cố gắng học hỏi rất nhiều điều từ Ukraine, quân đội Hoa Kỳ có thể tự chuốc lấy thất bại trong cuộc xung đột với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.
Ông Clingan cho biết: “Trong cuộc xung đột này, chúng ta đã chứng kiến hoạt động hậu cần (logistics) xuyên Đại Tây Dương không thể chối cãi.”
“Chúng ta có thể đã học những bài học sai lầm.”
Ông Clingan, người từng là phó tổng tư lệnh của Bộ Tư lệnh Phát triển Chiến đấu Thủy quân lục chiến, cho biết hoạt động hậu cần vốn duy trì các lực lượng Hoa Kỳ sẽ bị đe dọa thường xuyên trong một cuộc xung đột ở Thái Bình Dương.
“Hoạt động hậu cần rất quan trọng… Hoạt động hậu cần là chức năng chiến đấu đáng gờm,” ông Clingan nói. “Quý vị sẽ phải chiến đấu để giải quyết cuộc giao tranh.”
Để đạt được điều đó, ông Clingan cho biết Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang trải qua một nỗ lực “hiện đại hóa lớn” nhằm học những bài học đúng đắn từ Ukraine để áp dụng cho một cuộc xung đột tiềm ẩn với Trung Quốc.
Bài học quan trọng nhất trong số những bài học đó là cơ sở công nghiệp của Hoa Kỳ chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột lớn.
Ông Clingan cho biết: “Cơ sở công nghiệp này rất quan trọng … Sản xuất của chúng ta có thể không đủ đáp ứng cho cuộc xung đột sắp tới.”
“Một nhà máy đóng tàu của Trung Quốc trong một năm có thể sản xuất nhiều tàu hơn tất cả các nhà máy của chúng ta cộng lại.”
Tương tự, ông Clingan nói rằng Hoa Kỳ sẽ cần phải làm tốt hơn trong việc chuẩn bị cho xã hội của mình trước các thực tế của chiến tranh.
“Các kho, cảng, và phi trường sẽ là mục tiêu,” ông Clingan nói. “… Thường dân sẽ cần phải chuẩn bị cho chiến tranh.”
“Việc chúng ta quay trở lại chiến tranh tổng lực có thể trở thành hiện thực.”
Việc tích hợp các công nghệ mới đặt tất cả trước mối đe dọa
Ông T.X. Hammes, một nhà nghiên cứu xuất sắc tại Đại học Quốc phòng, cho biết, một hàm ý quan trọng khác rút ra được từ cuộc chiến trên bộ ở Ukraine là quân đội hiện đại phải chú trọng đến “khả năng tích hợp các công nghệ mới.”
Ông Hammes cho biết, một ví dụ về điều này là quyết định của Lục quân và Thủy quân lục chiến theo đuổi thử nghiệm sử dụng các phi cơ không người lái để điều khiển các súng máy và súng phóng lựu.
“Lợi ích thực sự [học được từ chiến tranh phi cơ không người lái của Ukraine] là điều chỉnh hỏa lực và cung cấp thông tin tình báo cho các chỉ huy,” ông Hammes nói.
Ông cho biết thêm, nhờ khả năng “giám sát toàn diện” được cung cấp bởi các vệ tinh thương mại và phi cơ không người lái, lợi ích của các phi cơ không người lái là khó có thể phóng đại. Do đó, Hoa Kỳ nên nỗ lực tích hợp các phi cơ không người lái, vũ khí chính xác, và đạn tuần kích để săn lùng và tiêu diệt các mục tiêu thù địch trong cuộc chiến tiếp theo.
“Với giá của một chiếc [xe tăng] M1A2, quý vị có thể có 1,000 chiếc Drone 40,” ông Hammes nói, trong đó đề cập đến một loại phi cơ quân sự không người lái phổ biến được sử dụng để trinh sát và tấn công.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times