Tướng Lực lượng Không gian Hoa Kỳ cho biết quân đội Trung Quốc đang phát triển tài sản không gian với ‘tốc độ đáng kinh ngạc’
Tham vọng của Trung Quốc đối với Mặt trăng cũng nằm trong số những mối lo ngại của Bộ Tư lệnh Không gian.
Sau chuyến công du tới Nam Hàn và Nhật Bản, Tướng Stephen Whiting, chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ, gần đây đã cảnh báo về sự phát triển “nhanh đáng kinh ngạc” của Trung Quốc về năng lực quân sự không gian.
Hôm 24/04, Tướng Whiting nói với các phóng viên trong cuộc gọi từ Nhật Bản rằng, “Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ đang tập trung nghiêm túc vào thách thức đáng gờm của chúng ta, đó là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
“Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang di chuyển với tốc độ đáng kinh ngạc trong không gian, và họ đang nhanh chóng phát triển một loạt vũ khí phản không gian để gây nguy hiểm cho năng lực không gian của chúng ta,” ông nói thêm. “Họ cũng đang sử dụng không gian để khiến các lực lượng trên bộ của họ — quân đội, hải quân, thủy quân lục chiến, không quân của họ — chính xác hơn, nguy hiểm hơn, và có phạm vi hoạt động xa hơn.”
Tướng Whiting đang có chuyến công du đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầu tiên sau khi trở thành người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ hồi tháng Một, kế nhiệm Tướng Lục quân James Dickinson. Trong chuyến công du của mình, ông đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Nam Hàn và Nhật Bản, bao gồm Đô đốc Kim Myung-Soo, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn, và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara.
Tướng Whiting cho biết một mối quan tâm đặc biệt là số lượng vệ tinh của Trung Quốc trên quỹ đạo.
“Trong sáu năm qua, họ đã tăng gấp ba lần số lượng vệ tinh giám sát và trinh sát thông minh trên quỹ đạo, đồng thời họ đã sử dụng năng lực không gian của mình để cải thiện khả năng sát thương, độ chính xác, và phạm vi của lực lượng mặt đất của họ,” ông nói. “Và đó rõ ràng là một nguyên nhân gây lo ngại và là điều mà chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ.”
Theo một báo cáo đã được chuẩn bị trước của ông trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hồi tháng Hai, tính đến tháng Một, hạm đội vệ tinh của Trung Quốc có 359 hệ thống. Ông cũng lưu ý rằng Bắc Kinh đang phát triển các đầu đạn lướt siêu thanh (hypersonic glide vehicle, HGV) cùng với các loại vũ khí không gian tân tiến khác để “vượt qua các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo và cảnh báo hỏa tiễn thông thường của Hoa Kỳ.”
Tham vọng của Trung Quốc đối với Mặt trăng cũng nằm trong số những mối lo ngại của Bộ Tư lệnh Không gian.
“Chúng tôi đã thấy những thông báo về tham vọng của Trung Quốc muốn lên Mặt Trăng. Và bề ngoài những điều đó có vẻ mang tính khám phá và khoa học, nhưng người Trung Quốc vốn không minh bạch về những gì họ làm trong không gian,” ông nói. “Và vì vậy chúng tôi hy vọng rằng không có yếu tố quân sự nào trong đó, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ hoan nghênh sự minh bạch hơn.”
Một báo cáo quân sự của Hoa Kỳ công bố hồi tháng Một đã cảnh báo rằng Trung Quốc và Nga đang đưa các vệ tinh lưỡng dụng vào không gian đồng thời che giấu các ứng dụng quân sự của họ. Một ví dụ là vệ tinh của Trung Quốc được trang bị cánh tay robot khổng lồ, có thể dùng để bám giữ các vệ tinh khác trong tương lai.
Trung Quốc đang đặt mục tiêu đưa các phi hành gia của mình lên Mặt trăng vào năm 2030. Pakistan, Nam Phi, Belarus, và Nicaragua nằm trong nhóm các quốc gia đã ký kết xây dựng căn cứ trên mặt trăng theo kế hoạch do Trung Quốc và Nga dẫn đầu. Dự án mặt trăng này có tên chính thức là Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế.
Tướng Whiting cho biết ông đã đến thăm Nhóm Điều hành Không gian của Nhật Bản và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai quốc gia hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực không gian.
“Sự tập trung của họ vào nhận thức trong lĩnh vực không gian cùng với việc chúng tôi theo dõi các mối đe dọa trong không gian mà chúng tôi thấy – và nhiều mối đe dọa trong số đó bắt nguồn từ Trung Quốc – đã thúc đẩy chúng tôi nâng cao nhận thức về lĩnh vực không gian tốt hơn,” ông nói.
Tướng Whiting cho biết thêm rằng Nhật Bản đang làm việc để đưa một hệ thống radar không gian sâu vào hoạt động, và rằng hệ thống radar này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia sau khi đạt được năng lực vận hành ban đầu.
“Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ giúp cả hai nước chúng ta hiểu rõ hơn về những gì Trung Quốc đang làm trong không gian,” ông nói.
Theo Tướng Whiting, Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng là đối tác trong việc phóng các vệ tinh mới sẽ được sử dụng để thực hiện các sứ mệnh nhận thức về lĩnh vực không gian.
Hồi tháng 11/2023, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn đã đồng thuận về quy định chia sẻ dữ liệu cảnh báo hỏa tiễn để theo dõi tốt hơn các vụ phóng hỏa tiễn của Bắc Hàn. Quy định này đã có hiệu lực từ tháng 12/2023.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times