Tương lai không chắc chắn cho thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc khi Bắc Kinh không đạt được mục tiêu giai đoạn một
Trung Quốc đã không đáp ứng được các cam kết trong hiệp định thương mại “giai đoạn một” được ký kết vào năm ngoái (2020) và chính phủ ông Biden sẽ sớm bắt đầu xem xét lại thỏa thuận này để xác định một chính sách phù hợp.
[Ứng cử viên] Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen (theo bản tin của The Epoch Times ngày 22/01) cho biết sẽ không có hành động ngay lập tức để dỡ bỏ các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa nhập cảng của Trung Quốc do chính phủ TT Trump áp đặt.
“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ việc Trung Quốc tuân thủ tất cả các cam kết Giai đoạn Một, bao gồm cả cam kết mua hàng và cam kết về tổ chức”, bà cho biết hôm 21/01, trong một văn bản trả lời các câu hỏi của Ủy ban Tài chính Thượng viện sau phiên điều trần xác nhận bổ nhiệm vào tuần này (25-31/01).
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết vào tháng Một năm ngoái yêu cầu Bắc Kinh mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ trong giai đoạn 2020 và 2021 so với mức năm 2017.
Phân tích dữ liệu thương mại Trung Quốc của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cho thấy Trung Quốc đã đạt được khoảng 58% mục tiêu mua hàng hóa từ Hoa Kỳ trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
PIIE nêu trong báo cáo của mình rằng, “Tính đến tháng 12/2020, tổng nhập cảng của Trung Quốc đối với các sản phẩm được tính từ Hoa Kỳ là 100 tỷ USD, so với mục tiêu là 173,1 tỷ USD.”
Theo báo cáo, Trung Quốc chỉ đáp ứng được 64% cam kết mua hàng hóa nông nghiệp của Hoa Kỳ, 60% đối với các sản phẩm được chế tạo và 39% đối với các sản phẩm năng lượng.
Xuất cảng nông sản của Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng đối với thỏa thuận giai đoạn một, vì Trung Quốc là thị trường xuất cảng lớn nhất cho nông nghiệp Hoa Kỳ vào năm 2017 trước khi chiến tranh thương mại bắt đầu. Và nông dân Hoa Kỳ đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan trả đũa của Bắc Kinh.
Trung Quốc có 1/5 dân số thế giới nhưng chỉ có 1/10 diện tích đất canh tác trên thế giới. Điều đó có nghĩa là nước này phụ thuộc nhiều vào nhập cảng các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là đậu nành, bông, lúa miến, lúa mì và các loại hạt.
Theo thỏa thuận giai đoạn một, Trung Quốc cần tăng mua nông sản của Hoa Kỳ thêm 12.5 tỷ USD vào năm 2020 và thêm 19.5 tỷ USD trong năm nay so với mức cơ sở năm 2017 là gần 24 tỷ USD.
Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp đã bày tỏ sự thất vọng về tiến độ chậm chạp của Bắc Kinh trong việc đáp ứng các cam kết trong thỏa thuận thương mại.
Để đáp ứng thỏa thuận, Bắc Kinh đã tăng tốc mua hàng mạnh mẽ trong những tháng gần đây bất chấp đại dịch. Không rõ chính phủ ông Biden sẽ buộc Bắc Kinh tuân theo những lời hứa của mình như thế nào.
Trong câu trả lời của mình với các thượng nghị sỹ, bà Yellen tuyên bố rằng chính phủ ông Biden sẽ “tham gia vào việc xem xét toàn diện tất cả các khía cạnh của các chính sách thương mại của Chính phủ Trump đối với Trung Quốc, bao gồm cả cách Bắc Kinh hoàn toàn tuân thủ các điều khoản của Thỏa thuận Giai đoạn Một.”
“Là một phần trong bài đánh giá của ông ấy, [Biden] sẽ tham khảo ý kiến của các đồng minh để gây áp lực tập thể. Chúng tôi cần một cách tiếp cận khác để thực sự mang lại áp lực có ý nghĩa đối với Trung Quốc,” bà nói.
Hôm 11/01, Đại diện Thương mại lúc đó là ông Robert Lighthizer đã ca ngợi các chính sách thương mại của chính phủ TT Trump và thúc giục chính phủ sắp tới giữ nguyên mức thuế đối với Trung Quốc.
Ông Lighthizer nói với The Wall Street Journal trong một cuộc phỏng vấn rằng, “Chúng tôi đã thay đổi cách mọi người nghĩ về thương mại và chúng tôi đã thay đổi cách các mô hình hoạt động. Hy vọng của tôi là điều đó sẽ tiếp tục.”
Chính phủ TT Trump duy trì thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá gần 370 tỷ USD, viện dẫn các chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc, bao gồm đánh cắp sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ cưỡng bức, trợ cấp của chính phủ cho các công ty trong nước và hạn chế công ty nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một không giải quyết đầy đủ các vấn đề cấu trúc lâu dài này.
Trong quá trình ký kết thỏa thuận giai đoạn một, Tổng thống Donald Trump khi đó nói rằng ông sẽ giữ lại thuế quan của Hoa Kỳ như một con bài thương lượng cho giai đoạn hai của thỏa thuận. Tuy nhiên, sau đại dịch, ông bày tỏ sự do dự về việc đàm phán một thỏa thuận giai đoạn hai với Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh giải quyết sai khi bùng phát dịch COVID-19.
Không rõ liệu Hoa Kỳ có đạt được tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề thương mại với Bắc Kinh dưới thời chính phủ ông Biden hay không. Một số chuyên gia bày tỏ sự hoài nghi về việc liệu Trung Cộng có thực sự cam kết cải cách tổ chức hay không.
Bà Yellen cho biết trong tuyên bố bằng văn bản của mình: “Ảnh hưởng kinh tế của cạnh tranh Hoa Kỳ-Trung Quốc là rất quan trọng. Và chúng tôi sẽ có biện pháp đối với thách thức từ các hành vi lạm dụng, không công bằng và bất hợp pháp của Trung Quốc.”
Bà chỉ trích Trung Quốc đã “hạ bệ các công ty Hoa Kỳ bằng cách bán phá giá sản phẩm, dựng hàng rào và trợ cấp bất hợp pháp cho các tập đoàn” cũng như tham gia vào các chính sách mang lại cho các công ty Trung Quốc “lợi thế công nghệ không công bằng” so với các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Emel Akan
Minh Khanh biên dịch
Xem thêm: