Tuổi thọ của người dân Hoa Kỳ giảm 1.5 năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19
Hôm 21/07, các nhà nghiên cứu cho biết tuổi thọ của người dân Hoa Kỳ năm 2020 đã giảm đi một năm rưỡi so với một năm trước đó.
Tuổi thọ trung bình giảm từ 78.8 tuổi xuống còn 77.3 tuổi phần lớn là do đại dịch COVID-19 đã tàn phá nước Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết trong một tuyên bố rằng, “Sự sụt giảm tuổi thọ trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2020 có thể chủ yếu là tử vong do đại dịch. Các ca tử vong do COVID chiếm gần 75% con số sụt giảm này. Cho đến nay, hơn 609,000 người Mỹ đã tử vong trong đại dịch, khoảng 375,000 người trong số đó đã tử vong vào năm ngoái.”
COVID-19 là căn bệnh do virus Trung Cộng gây ra. Các trường hợp mắc bệnh lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019 và ở Hoa Kỳ ngay sau đó.
Báo cáo chi tiết số liệu thống kê (pdf) từ Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia, một bộ phận của CDC. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng giấy chứng tử do trung tâm tiếp nhận và giải quyết, cũng như hồ sơ khai sinh và ước tính dân số.
Sự gia tăng thương tích không chủ ý, sát nhân, tiểu đường, bệnh gan mãn tính và xơ gan được coi là những nguyên nhân khác góp phần làm giảm tuổi thọ, cao hơn so với ước tính tạm thời của sáu tháng đầu năm 2020.
Theo ước tính tạm thời mới cho cả năm, tuổi thọ của nam giới đã giảm gần 2 năm xuống 74.5 tuổi trong khi nữ giới giảm 1.2 năm xuống 80.2 tuổi.
Tuổi thọ nam giới giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 2003; nữ giới thấp nhất kể từ năm 2005.
Bà Elizabeth Arias, một nhà nghiên cứu của CDC, đồng tác giả của báo cáo, nói với Reuters rằng, “Tuổi thọ đang tăng dần hàng năm trong vài thập kỷ qua. Sự sụt giảm trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2020 là quá lớn khiến chúng ta quay trở lại mức như năm 2003. Giống như chúng ta đã mất một thập kỷ.”
Tuổi thọ giảm 3 năm đối với người gốc Tây Ban Nha, gần 3 năm đối với người Mỹ gốc Phi Châu và 1.2 năm đối với người da trắng.
Các quốc gia khác cũng chứng kiến tuổi thọ giảm do đại dịch COVID-19.
Tuổi thọ ở Brazil giảm 1.3 năm vào năm 2020, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng trước. Tuần trước (12-18/07), các quan chức ở Bỉ cho biết tuổi thọ trung bình giảm một năm vào năm 2020.
Từ cuối năm 2020, số trường hợp nhập viện và tử vong do COVID-19 bắt đầu giảm và đạt mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 03/2020 trong những tháng gần đây.
Đồng thời, số lượng người Mỹ được chích ngừa virus Trung Cộng tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, các quan chức đang cảnh báo về biến thể virus Delta, đặc biệt là khi số trường hợp mắc bệnh tăng vọt trên toàn quốc.
“Thông điệp từ CDC vẫn rõ ràng – cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể COVID-19 là ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và chích ngừa là công cụ mạnh mẽ nhất mà chúng ta có,” Giám đốc CDC Rochelle Walensky nói với các thành viên của Quốc hội hôm 20/07. “Chúng ta phải tiếp tục mở rộng phạm vi bao phủ vaccine.”
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy vaccine Johnson & Johnson kém hiệu quả hơn đáng kể đối với một số biến thể, bao gồm cả biến thể Delta. Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu đã lưu ý rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người hồi phục sau COVID-19 có khả năng miễn dịch đối với bệnh này.
Tiến sĩ Jeffrey Klausner, giáo sư lâm sàng về y tế dự phòng và y tế tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, “Họ có nguy cơ tái nhiễm rất thấp.”
Ông nói thêm rằng, “Một số chuyên gia, bao gồm cả tôi, tin rằng bảo vệ [của miễn dịch sau khi khỏi bệnh] ngang bằng với [miễn dịch do] chích ngừa.”
Do Zachary Stieber thực hiện
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: