Từ vụ việc của Bành Soái nhìn ra hệ thống kiểm duyệt của Bắc Kinh
Ngay khi Bắc Kinh chuẩn bị đăng cai Thế vận hội mùa đông, những cáo buộc của ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái về tấn công tình dục và những diễn biến sau đó đã thu hút sự chú ý của toàn cầu về một thực tế ở Trung Quốc đại lục, đó là cách Trung Cộng sử dụng kiểm duyệt để bưng bít các vụ bê bối của giai tầng lãnh đạo.
Bành Soái đã biến mất khỏi công chúng gần ba tuần kể từ khi cô tiết lộ vụ quấy rối tình dục của Trương Cao Lệ, cựu Phó thủ tướng Trung Quốc đối với cô. Chính phủ các nước và giới thể thao đã kêu gọi truy tìm tung tích của Bành Soái, đồng thời yêu cầu ĐCSTQ phải chứng minh Bành Soái vẫn an toàn. Hiệp hội Quần vợt nữ Quốc tế (WTA) thậm chí còn tuyên bố nếu vấn đề này không được giải quyết, họ sẽ rút khỏi Trung Quốc.
Mặc dù sự tức giận của cộng đồng quốc tế khiến Bắc Kinh bối rối nhưng các chuyên gia nói rằng, ưu tiên của Bắc Kinh là tránh làm cho ĐCSTQ và ông Tập Cận Bình phải khó xử. Ngay cả khi Thế vận hội Mùa đông sắp được tổ chức, ĐCSTQ có thể vẫn sẽ giữ nguyên cách làm hiện tại của mình.
Reuters dẫn lời Trương Minh, một cựu giáo sư khoa chính trị đã nghỉ hưu của Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết: “Trong những năm qua, phản ứng của Trung Quốc đối với những lo ngại của thế giới là đưa ra một lời giải thích thiếu thuyết phục, hoặc giả vờ rằng những lời chỉ trích là không tồn tại”.
Sau khi Bành Soái cáo buộc Trương Cao Lệ tấn công tình dục đối với mình trong một bài đăng trên tài khoản Weibo của cô vào ngày 2/11, hệ thống kiểm duyệt đã nhanh chóng xóa bài viết và các bình luận trên mạng xã hội nhằm cố gắng bịt miệng cáo buộc này. Chủ đề này hiện vẫn bị cấm thảo luận trực tiếp trên mạng Internet ở Trung Quốc, khiến cư dân mạng phải chơi chữ để vượt qua kiểm duyệt.
Mặc dù hệ thống kiểm duyệt của Bắc Kinh đã khiến vụ bê bối bị dập tắt trên mạng Internet ở Trung Quốc, nhưng những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm kiểm soát vụ việc đã khiến những người ở nước ngoài tức giận. Vụ việc của Bành Soái đã dẫn đến những lời kêu gọi mạnh mẽ hơn đối với việc tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh của các nhóm nhân quyền và chính trị gia ở một số quốc gia.
Các kênh truyền thông chính thức của Trung Cộng đã cố gắng giảm bớt những lo ngại của cộng đồng quốc tế, bao gồm việc đăng một email tự xưng là Bành Soái cùng ảnh và video của cô ấy lên trên Twitter. Những chứng cứ này bị cộng đồng quần vợt quốc tế và các tổ chức nhân quyền chỉ trích là thiếu thuyết phục.
Chuyên gia: Việc kiểm soát và khống chế các cáo buộc của Bành Soái khiến kế hoạch “Nói tốt về Trung Quốc” bị phá sản
Reuters dẫn lời David Bandurski, thành viên của China Media Project (một tổ chức nghiên cứu ở Hồng Kông) cho biết, các quan chức Trung Quốc thường nói rằng phải “Nói tốt về Trung Quốc” trên sân khấu thế giới như thế nào, nhưng vụ việc của Bành Soái đã lập tức khiến tham vọng này bị phá sản.
Mặc dù Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Pháp đều bày tỏ quan ngại về vụ việc của Bành Soái, nhưng khi đối mặt với các câu hỏi của phóng viên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại khẳng định rằng đây không phải là vấn đề ngoại giao. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Triệu Lập Kiên cho biết vào hôm thứ Ba (23/11) rằng, vụ việc của Bành Soái không nên bị “chính trị hóa”, và yêu cầu “một số người ngừng thổi phồng một cách ác ý về nó”.
Reuters đưa tin rằng mặc dù chính phủ Trung Quốc vẫn giữ im lặng trước những cáo buộc của Bành Soái, nhưng Hồ Tích Tiến – Tổng biên tập của kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ Thời báo Hoàn cầu, vẫn tiếp tục bình luận về sự việc này trên Twitter, ông ta thực sự đang đóng vai trò là tiếng nói đối ngoại của Bắc Kinh.
Điều đáng chú ý là ông Hồ Tích Tiến không hề nhắc đến tên của Trương Cao Lệ trong các bình luận của mình, mà chỉ dùng cụm từ “những thứ mà mọi người đang thảo luận”.
Chính sách Hồng Kông của Bắc Kinh và nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương từ lâu đã dẫn đến những lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 từ các nhóm nhân quyền, và vụ việc của Bành Soái đã thúc đẩy những lời kêu gọi này.
Vào năm 2018, ở Trung Quốc từng nổi lên chiến dịch chống quấy rối và tấn công tình dục “#我也是” (#MeToo), chiến dịch này đã lan rộng đến các trường đại học, tổ chức bất vụ lợi (NGO), giới truyền thông và các ngành công nghiệp khác. Rất nhiều quan chức đều đã bị chính quyền áp chế, nhưng chưa từng có một quan chức nào có cấp bậc như của Trương Cao Lệ.
Vụ việc của Bành Soái làm nổi bật sự bí mật của giới tinh hoa cầm quyền của ĐCSTQ
Reuters cho biết, những chi tiết về đời tư của các quan chức cấp cao ở Trung Quốc rất hiếm khi được thế giới bên ngoài biết đến. Trương Cao Lệ cho đến hiện tại vẫn chưa phản hồi về cáo buộc này.
Trước sức ép ngày càng gia tăng từ cộng đồng quốc tế, ĐCSTQ đã để Bành Soái “lộ diện” qua video, đồng thời sử dụng nhiều kênh khác nhau để thông báo rằng Bành Soái vẫn an toàn nhằm xoa dịu sự việc.
Tuy nhiên, WTA nói rằng cái gọi là “lộ diện” này không đủ để giải quyết những nghi ngờ về tình trạng của Bành Soái. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng chính quyền Trung Quốc phải cho phép Bành Soái tự nói chuyện, và nếu cô ấy bị cấm làm thế, Pháp sẽ có một số hậu quả ngoại giao (áp lên ĐCSTQ).
Giám đốc điều hành WTA Steve Simon đã nhắc lại lập trường của WTA trong một bức thư gửi cho Tần Cương, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Ông cho biết nếu không thể đảm bảo an toàn cho các tay vợt Trung Quốc, WTA sẽ không thể tiếp tục tổ chức 9 giải đấu ở Trung Quốc, bao gồm cả các giải chung kết nổi tiếng dự kiến tổ chức tại Thâm Quyến vào năm 2028.
Ông Simon hy vọng rằng ĐCSTQ có thể cho phép Bành Soái rời khỏi Trung Quốc, hoặc nói chuyện trực tiếp với ông thông qua video mà không có sự góp mặt của bất kì ai khác.
Do Trương Đình, Lâm Nghiên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bài gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: