‘Tự do đang bị nghiền nát’: Các nhà lập pháp Hoa Kỳ lên án luật an ninh quốc gia mới của Hồng Kông
ĐCSTQ đã thông qua Dự luật Bảo vệ An ninh Quốc gia thông qua Hội đồng Lập pháp Hồng Kông mà hầu như không có sự phản đối nào ở địa phương.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) và các nhà lập pháp khác gần đây đã lên án dự luật hà khắc được ban hành ở Hồng Kông dưới sự hậu thuẫn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Dự luật Bảo vệ An ninh Quốc gia, Điều 23, đã đi vào hiệu lực hôm 23/03. Hội đồng Lập pháp Hồng Kông do ĐCSTQ thao túng đã đề xướng dự luật này vào năm 2003, nhưng vào thời điểm đó, việc thực thi dự luật đã chịu cản trở bởi các cuộc biểu tình tại địa phương và sự phản đối kịch liệt của công chúng quốc tế.
Chỉ hơn 20 năm sau, ĐCSTQ đã buộc cơ quan lập pháp Hồng Kông phải thông qua chính sách này mà hầu như không có sự phản đối nào ở địa phương, một bước tiếp theo của luật an ninh quốc gia hà khắc được thực thi vào năm 2020.
“Đó là… một sự phản bội hoàn toàn,” bà Pelosi nói trong một cuộc họp báo ở Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ hôm 22/03, đề cập đến việc ĐCSTQ từ bỏ thỏa thuận “một quốc gia hai chế độ” năm 1997 vốn nhằm để mở rộng quyền tự trị lớn hơn cho Hồng Kông. Bà mô tả luật mới là “sự bành trướng đáng báo động của cuộc tấn công của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tự do ở Hồng Kông.”
Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey) cho biết: “Phe đối lập chính trị đã hoàn toàn bị xóa sổ.” Ông Smith dẫn ví dụ về chủ báo Lê Trí Anh (Jimmy Lai) của tờ Apple Daily bị bỏ tù năm 2021 với cáo buộc tụ tập trái phép và hiện đang hầu tòa vì âm mưu thông đồng với các thế lực ngoại quốc.
Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon) thì nói rằng: “Tự do đang bị nghiền nát.” Cả ông Smith và ông Merkley đều là đồng chủ tịch của Ủy ban Điều hành về Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ (CECC), một ủy ban lưỡng đảng có nhiệm vụ điều tra các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Sự phản kháng của lưỡng đảng
Trong khi cả ba nhà lập pháp đều ca ngợi phản ứng của lưỡng đảng trước những nỗ lực của Trung Quốc kể từ năm 2019, thì ông Smith lại cho rằng tình hình hiện tại là do mức độ nỗ lực tương tự như dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Bill Clinton của lưỡng đảng. Chính phủ ông Clinton đã bình thường hóa thương mại với Trung Quốc bằng cách tách biệt những lo ngại về nhân quyền với trạng thái “quốc gia được ưu đãi” về thương mại.
Bà Pelosi cũng cho biết: “Chúng ta đã không lên tiếng về những hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc vì lợi ích thương mại.”
Ông Smith và ông Merkely kêu gọi Quốc hội thông qua các biện pháp đối phó như Đạo luật Chứng nhận Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông (HKETO) và Đạo luật Chính sách Đàn áp xuyên Quốc gia, nhằm ngăn chặn sự trả đũa đối với những người bất đồng chính kiến trên toàn thế giới.
Ông Smith nói rằng HKETO đã trải qua một cuộc tranh luận trước Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, nhưng “vì những lý do không thể giải thích được”, dự luật này đã bị rút khỏi danh sách các dự luật được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện vào tuần trước. Văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) và Phó Lãnh đạo Đa số Hạ viện Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana) đã không phúc đáp các câu hỏi từ The Epoch Times về lý do tại sao dự luật bị xóa khỏi lịch trình của Hạ viện.
Cô Hứa Dĩnh Đình (Frances Hui), một người phụ nữ trẻ đang bị chính quyền Hồng Kông truy lùng, đã nêu lên vấn đề ĐCSTQ đàn áp tôn giáo đối với các tín đồ Cơ Đốc cũng như những người tập luyện Pháp Luân Công. Cô cho biết, theo luật mới, Giáo phận Hồng Kông có thể bị buộc phải cắt đứt quan hệ với Vatican và phải gia nhập Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc do chính quyền kiểm soát. Cô nói, “Tôi e rằng tương lai của các cộng đồng tôn giáo sẽ thực sự bị đe dọa.”
Cô cảnh báo, các linh mục cũng có thể bị buộc phải lựa chọn giữa việc vi phạm ấn tín tòa giải tội, hoặc phải đối mặt với án tù 14 năm vì không tiết lộ thông tin về những công dân Hồng Kông vi phạm pháp luật.
Ngọc Mai lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times