Từ bỏ việc theo đuổi sự hoàn hảo để giảm bớt nỗi thất vọng của chính mình
Cha mẹ đến rồi, có lẽ vì lo lắng con gái ăn sáng một mình sẽ cảm thấy không ngon miệng. Cha mẹ tôi thích đặt tên cho những việc họ làm, như thể đó là một tình huống hài hước. “Bảo mẫu tới phục vụ đây!” Màn xuất hiện này làm dịu nhẹ sự biết ơn và áy náy của tôi.
Mỗi lần mẹ con tôi gặp nhau, bà đều mang đến cho tôi một thứ gì đó và nói: “Vừa nhìn thấy là mẹ mua liền,” “Đây là thứ mẹ làm lúc rảnh rỗi”… Khi cha tôi đến, nếu nhìn thấy đồ vật nào đó bị hỏng, ông sẽ lập tức sửa chữa giúp tôi. Lo lắng âm thanh máy điều hòa ảnh hưởng đến giấc ngủ của con gái, ông bèn lắp thiết bị cách âm; nhìn thấy muỗi chui vào, ông vội lắp màn che.
Mẹ tôi sẽ hỏi: “Ngài là nhân viên phục vụ của đơn vị nào vậy?” Cha tôi trả lời: “Đây là dịch vụ của Guande Pavilion.” Những lời vui đùa của hai người, trong khoảnh khắc khiến tôi tạm quên đi những khó khăn. Thực sự tôi rất biết ơn cha mẹ của mình.
Khoảng thời gian đó đã trở thành nỗi nhớ nhung khôn nguôi nhất sau khi cha mẹ tôi ra đi, cũng là ký ức mà tôi muốn dựa vào nhất. Đằng sau nguồn năng lượng tươi sáng là một sự trống rỗng và nhớ nhung sâu sắc, đây là câu chuyện của riêng tôi vào thời điểm đó. Dựa dẫm, gục ngã, khao khát, lần sau lại tiếp tục dựa dẫm, gục ngã và khao khát, hết lần này đến lần khác chịu đựng như vậy.
Sau này tôi nghe kể rằng, sau khi tôi và con rời đi, cha tôi nhìn căn phòng trống vắng và lặng lẽ rơi nước mắt. Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói cha khóc. Không phải cảm giác thất vọng, trống rỗng và thương nhớ, mà là sự tiếc nuối. Nhưng tôi mạn phép lý giải bằng suy nghĩ của riêng mình: “Cha quá cô đơn rồi!” “Cha quá trống vắng và nhung nhớ!
Khi cha mẹ tôi qua đời, ngôi nhà chỉ còn lại một mình tôi, chứa đầy dấu tích và kỷ niệm của hai người. Dù chỉ có một mình, nhưng tôi cảm thấy dường như không phải vậy, tôi thấy rất ấm áp. Mặc dù ấm áp nhưng nỗi bi thương ẩn sâu trong tim vẫn không hề mất đi. “Chỉ cần mở cửa phòng, cha mẹ vẫn luôn ở đó.” Tôi sẽ ghi nhớ lời của cha, cố gắng vượt qua, nhưng nhớ lại câu nói này lại khiến tim tôi thắt lại.
Hồi tưởng lại quá khứ, khi tôi còn bé cũng giống như vậy. So với nỗi buồn của bản thân, tôi càng cảm thấy “mẹ sẽ buồn biết bao nếu mẹ biết mình buồn.” Khi tôi bị bạn bè bài xích hoặc ghét bỏ, tôi thầm nghĩ: “Nếu mẹ biết mình cô đơn như vậy, bà sẽ đau lòng biết bao?”
Trong lý thuyết trị liệu gia đình, có một khái niệm về “phân hóa.” Trong cuốn “Lý thuyết trị liệu gia đình” của tác giả Kim Yong-Tae, tác giả cho rằng “một người có thể theo đuổi cách sống của mình mà không phụ thuộc vào người khác được gọi là ‘người phân hóa tốt.’ Ngược lại, một người bị ràng buộc bởi các mối quan hệ cá nhân và không thể sống độc lập, được gọi là ‘người chưa phân hóa.’ Phân hóa đạt được thông qua sự hình thành bản thân. Bản thân cũng được hình thành thông qua sự tương tác với những người quan trọng xung quanh, bao gồm cả cha mẹ.”
Ngoài ra, “ở Hàn Quốc, gia đình hòa thuận, không xung đột, lễ nghi và chăm chỉ dường như quan trọng hơn tình cảm cá nhân. Tuy nhiên, việc nhấn mạnh những quy tắc này đối với gia đình có thể khiến các thành viên trong gia đình đó khó phân hóa bản thân. Đặc biệt là, khi người mẹ bị áp lực trở thành ‘người mẹ hoàn hảo,’ tính cách con trẻ sẽ trở nên không ổn định. Cố gắng chăm sóc em bé một cách hoàn hảo, có nghĩa là sự chăm sóc đó dựa trên nhu cầu của người mẹ chứ không phải của em bé. Trong trường hợp này, em bé trở nên nhạy cảm với nhu cầu chăm sóc của người mẹ, hơn là nhu cầu của chính mình.”
Sự trưởng thành của con người cần có những khó khăn thích hợp, cũng như sức mạnh để chịu đựng và vượt qua các trở ngại. Loại sức mạnh này không phải bùng phát đột ngột khi trưởng thành, mà phải trải qua những thất bại lớn nhỏ ngay từ khi còn bé.
Khi con trẻ đang tập đi, nếu bạn cứ bế bồng vì sợ con ngã, trẻ sẽ mất đi cảm giác bị thất bại mà lẽ ra con phải trải qua vào thời điểm đó. Miễn là môi trường không quá gây hại cho trẻ, hãy để con tự bước đi và “được” vấp ngã. Hãy để cháu biết rằng, mình không thể có tất cả những gì mong muốn, và mẹ cũng không thể đáp ứng tất cả những gì mình muốn; hóa ra mẹ và mình không phải là một, mà là những cá thể độc lập; mẹ cũng có cảm xúc riêng và những điều khác mà mẹ muốn làm.
Trong quá trình này, trẻ sẽ học được cách tôn trọng ý kiến của người khác, đồng thời phát triển các kỹ năng xã hội. Vì vậy, thay vì thất vọng vì bạn không phải là người mẹ hoàn hảo, hãy xoa dịu cảm giác thất vọng này, đừng để nó dẫn đến trạng thái thờ ơ và tê liệt vì bị bỏ rơi hoặc lạm dụng.
Khi tôi lấy cha mẹ của mình làm hình mẫu cha mẹ lý tưởng, tôi gần như đã đẩy mình đến nơi không còn chỗ để thở. Vì vậy, khi hơn ba mươi tuổi, tôi trải qua cơn đau chuyển dạ khi sinh con, tiếp đó là rời xa gia đình ban đầu của mình, rồi lần nữa trải qua “nỗi đau lần thứ hai,” cuối cùng được tái sinh thành chính mình. Những phản ứng ấy đều đến một cách tự nhiên. Vai trò trách nhiệm của cha mẹ là nặng nề, nhưng mặt khác, thông qua quá trình nuôi dưỡng và trưởng thành, vai trò này cũng giúp chúng ta có thể tìm thấy chính mình.
Cha mẹ là sợi dây bền chặt hơn cả dây rốn, muốn cắt cũng không thể chia lìa. Tôi nhận thức được điều này, vì thế càng tập trung hơn cho vai trò làm mẹ của mình, cho nên mới luôn lo lắng bất an như vậy. Tuy nhiên, thay vì bị choáng ngợp bởi những sự thật này, tốt hơn là cố gắng tìm đúng vị trí và thiết lập thái độ của riêng mình bằng cách nhận thức được cảm xúc và ảnh hưởng của nó. Đó là tâm thái của một “người mẹ đủ tốt.”
Tường Vân biên dịch
Quý độc giả tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ