TT Trump ban hành lệnh trừng phạt trưởng đặc khu Hồng Kông và 10 quan chức khác
Vào ngày 7/8, chính phủ TT Trump đã ban hành lệnh trừng phạt đối với trưởng đặc khu Hồng Kông là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cùng 10 quan chức Hồng Kông và Trung Quốc khác vì đã hủy hoại quyền tự chủ và tự do của thành phố.
Ngoài bà Lâm ra, còn có sáu quan chức Hồng Kông khác cũng bị trừng phạt, bao gồm các cảnh sát trưởng Hồng Kông đương nhiệm và tiền nhiệm, cùng với những người đứng đầu cơ quan an ninh và tư pháp của thành phố. Bốn quan chức Trung Cộng khác cũng bị nhắm tới, bao gồm người đứng đầu Văn phòng liên lạc, vốn là văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại thành phố, và người đứng đầu văn phòng chính quyền trung ương phụ trách các vấn đề liên quan đến Hồng Kông tại Bắc Kinh.
Lệnh trừng phạt cho phép đóng băng bất kỳ tài sản nào do các quan chức nói trên sở hữu tại Hoa Kỳ và cấm bất cứ công dân hoặc công ty Hoa Kỳ nào hợp tác kinh doanh với họ.
Chính quyền TT Trump cho biết các biện pháp được áp đặt nhằm đáp trả việc Bắc Kinh thực hiện luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, dẫn đến việc tăng cường sự kiểm soát độc tài đối với thành phố này.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố hôm 7/8 rằng, “Đạo luật này được ban hành với mục đích ‘bảo vệ’ an ninh của Hồng Kông, nhưng trên thực tế đó là một công cụ đàn áp của Trung Cộng”. Ông nói thêm rằng đạo luật vi phạm giao ước của Bắc Kinh về việc đảm bảo quyền tự trị của thành phố này sau khi Anh Quốc chuyển giao chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997.
Ngay trong tháng 7, kể từ khi đạo luật có hiệu lực, chính quyền Hồng Kông đã gia tăng các nỗ lực nhằm hạn chế các quyền tự do của thành phố. Các nhà chức trách đã hoãn cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông một năm, vốn dự định tổ chức vào tháng 9 năm nay, với lý do lo ngại dịch bệnh COVID-19; đồng thời loại bỏ 12 ứng cử viên ủng hộ dân chủ đã giành được số phiếu bầu trong một cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức.
Các khẩu hiệu phản đối chính quyền phổ biến cũng bị cấm
Vào ngày 6/8, chính phủ buộc tội 24 người ủng hộ dân chủ vì đã tham dự một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân bị Bắc Kinh đàn áp tàn bạo trong các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, và cáo buộc họ vì đã “cố ý tham gia một buổi tụ tập trái phép”. Năm nay, cảnh sát đã cấm cuộc tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát Thiên An Môn vì nguyên nhân đại dịch, nhưng nhiều người Hồng Kông vẫn xuất hiện tại các địa điểm đã định trước.
Một số người ủng hộ dân chủ, bao gồm cả những người cư trú bên ngoài Hồng Kông, cũng đã bị buộc tội vì vi phạm luật an ninh mới.
Ông Pompeo nói rằng bà Lâm và sáu thành viên khác trong chính quyền của bà ấy sẽ bị trừng phạt do vai trò của họ trong việc phát triển và thực thi luật an ninh quốc gia, cũng như “cưỡng bức, bắt giữ, giam giữ hoặc bỏ tù các cá nhân” theo đạo luật.
Ông cho biết các quan chức của chính quyền Trung Cộng, là những quan chức cao cấp của Đảng cộng sản Trung Quốc trong việc ban hành các chính sách tại Hồng Kông, đã bị đưa vào lệnh trừng phạt vì đã tham gia vào các hành động “đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và quyền tự chủ của Hồng Kông”.
Trong số những người bị trừng phạt có ông Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong), người được Bắc Kinh bổ nhiệm làm người đứng đầu Văn phòng An ninh quốc gia. Cơ quan này được thành lập theo luật an ninh mới và trực tiếp báo cáo với Bắc Kinh. Văn phòng không bị giới hạn bởi quyền lực pháp lý của chính quyền Hồng Kông và thực hiện giám sát việc thực thi luật an ninh quốc gia mới.
Một mục tiêu khác của lệnh trừng phạt là ông Hạ Bảo Long, Giám đốc Văn phòng phụ trách các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao, vốn là cơ quan hàng đầu của Bắc Kinh trong việc giải quyết các vấn đề về lãnh thổ. Ông đã nhiều lần bảo vệ các chính sách của Bắc Kinh về Hồng Kông và luật an ninh quốc gia và gọi đó là “công việc nội bộ” của Trung Quốc.
Khi công bố các biện pháp trừng phạt, Bộ trưởng Tài chính Steven T. Mnuchin cho biết trong một tuyên bố rằng: “Hoa Kỳ đứng về phía người dân Hồng Kông và chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ và chính quyền của mình để nhắm vào những kẻ phá hoại quyền tự trị của họ”.
Các biện pháp trừng phạt được thực hiện để thi hành một sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Donald Trump ban hành vào ngày 16/7, chấm dứt quy chế đặc biệt mà Hoa Kỳ dành cho Hồng Kông, sau khi chính phủ TT Trump cho rằng lãnh thổ này không còn duy trì mức độ tự chủ cao với Trung Quốc đại lục. Vào ngày hôm đó, ông Trump cũng ký thành luật một dự luật sẽ trừng phạt các quan chức và ngân hàng liên quan đến việc phá hủy các quyền tự do của thành phố.
Chính quyền Trump tăng cường chống lại các mối đe dọa từ Bắc Kinh
Gần đây, chính phủ ông Trump đã tăng cường các hành động chống lại các mối đe dọa của Bắc Kinh. Hồi tháng 7, Hoa Kỳ đã ra lệnh trừng phạt một số quan chức Trung Cộng vì vai trò của họ trong các vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Vào ngày 7/8, ông Trump lần lượt ban hành các sắc lệnh ngăn chặn những cuộc giao dịch của Hoa Kỳ với ByteDance và Tencent Holdings, là các chủ sở hữu Trung Quốc của các ứng dụng TikTok, WeChat. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ rất hoan nghênh các lệnh trừng phạt này. Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hòa-Florida) cho biết trong một tuyên bố rằng, bà Lâm “đã nhiều lần cho thế giới thấy rằng bà ấy là quân cờ của Trung Cộng chứ không phải là người bảo vệ quyền tự trị của Hồng Kông”.
Ông Gordon Chang, chuyên gia về Trung Quốc và là tác giả của cuốn sách “The Coming Collapse of China”, nói rằng các quan chức có thể đã sắp xếp lại công việc để các lệnh trừng phạt không có tác dụng thực tế đối với họ.
Mặc dù vậy, ý nghĩa biểu tượng của hành động này là rất quan trọng: “Những gì chúng tôi thể hiện là Hoa Kỳ sẽ đứng về phía người dân Hồng Kông,” ông nói.
“Bắc Kinh hoàn toàn không thích điều này”, ông Chang nói với đài NTD, một chi nhánh của The Epoch Times, trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 7/8. “Chúng ta phải nhớ rằng, đối với các lãnh đạo cộng sản, biểu tượng đôi khi quan trọng hơn thực chất, và đây là một trong số những trường hợp đó”.
Trước đó, bà Lâm đã nói trong một cuộc họp báo ngày 31/7 rằng bà không có bất kỳ tài sản nào ở Hoa Kỳ và không có kế hoạch đi du lịch đến Hoa Kỳ.
Khi được hỏi về các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra với các quan chức Hồng Kông, bà Lâm trả lời rằng bà ấy sẽ “cười nhạo” ý tưởng này và cho rằng một hành động như vậy thật “phi lý và phi logic“.
Tác giả: Cathy He và Eva Fu