TT Putin đưa ra cảnh báo về ‘Đệ tam Thế chiến Toàn diện’ trong bài diễn văn sau bầu cử
Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định ông tin rằng việc gửi quân NATO tới Ukraine có thể là một triển vọng thiết thực nếu cuộc chiến vẫn tiếp diễn.
Hôm 18/03, Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng xung đột Ukraine-Nga có thể biến thành một cuộc chiến “toàn diện” với NATO mà cuộc chiến này có thể châm ngòi cho Đệ tam Thế chiến. Ông đưa ra nhận xét này ngay sau khi giành được thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa.
Ông Putin cho biết ông sẽ tiếp tục cuộc xung đột này ngay cả khi NATO can thiệp.
Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định ông tin rằng việc gửi quân NATO tới Ukraine có thể là một triển vọng thiết thực nếu cuộc chiến vẫn tiếp diễn.
“Tôi nghĩ bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong thế giới ngày nay và mọi người đều thấy rõ rằng đây sẽ là một bước tiến tới Đệ tam Thế chiến Toàn diện,” ông Putin nói và đổ lỗi cho phương Tây đã cung cấp viện trợ quân sự cho Kyiv.
TT Nga cũng cho biết ông tin rằng các nhân viên NATO đã ở bên trong Ukraine và tham gia vào cuộc chiến, đồng thời tuyên bố rằng tình báo Nga đã phát hiện ra những người nói tiếng Pháp và tiếng Anh trong khi giao tranh.
Các bản tin dẫn lời ông đã nói rằng, “Việc này không có gì tốt đẹp, trước hết là đối với họ, bởi vì họ đang thiệt mạng ở đó và với số lượng lớn.”
Ông Putin đáp trả bình luận của ông Macron và cho rằng nhà lãnh đạo Pháp đang cố gắng làm trầm trọng thêm cuộc chiến ở Ukraine.
“Có vẻ như Pháp có thể đóng một vai trò nào đó. Chưa phải là tuyệt vọng. Tôi đã nói đi nói lại nhiều lần và tôi sẽ nói lại. Chúng tôi mong muốn đàm phán hòa bình, nhưng không phải chỉ vì kẻ thù sắp hết đạn,” ông nói.
Những bình luận về một cuộc Đệ tam Thế chiến được đưa ra trong bối cảnh ông Putin và các quan chức hàng đầu khác của Nga liên tục cảnh báo rằng xung đột Ukraine có thể biến thành chiến tranh hạt nhân. Vài ngày sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 02/2022, Nga đã đặt lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao hơn, làm dấy lên lo ngại từ các quan chức Hoa Kỳ vào thời điểm đó.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Nga một lần nữa cảnh báo phương Tây rằng Moscow “tất nhiên đã sẵn sàng” cho một cuộc xung đột hạt nhân. Ông nói rằng nếu Hoa Kỳ khai triển quân đội ở Ukraine, căng thẳng sẽ leo thang đáng kể.
Cũng trong bài diễn văn trước đám đông tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, ông Putin nói rằng Crimea — nơi được quốc tế công nhận là một phần của Ukraine — sẽ luôn là một phần của Nga.
Năm 2014, các lực lượng Nga đã xâm chiếm Bán đảo Crimea trước khi sáp nhập bán đảo này ngay sau các cuộc biểu tình rầm rộ ở Ukraine dẫn đến một cựu tổng thống Ukraine phải từ chức.
“Họ chưa bao giờ tách mình ra khỏi Nga,” ông Putin nói về bán đảo nằm ở Hắc Hải này. “Và đây chính là điều đã giúp Crimea trở lại với đại gia đình chung của chúng ta.”
Trước cuộc bầu cử Nga kết thúc hôm 17/03, Ukraine đã đẩy mạnh các cuộc tấn công chống lại Nga, pháo kích vào các khu vực biên giới và thậm chí sử dụng lực lượng ủy nhiệm để cố gắng xuyên thủng biên giới Nga.
Khi được hỏi liệu ông có thấy cần thiết phải chiếm khu vực Kharkiv của Ukraine hay không, ông Putin nói rằng nếu các cuộc tấn công tiếp tục diễn ra, thì Nga sẽ tạo ra một vùng đệm trên lãnh thổ Ukraine nhiều hơn để bảo vệ Nga.
“Tôi không loại trừ điều đó, với những sự kiện bi thảm đang diễn ra ngày hôm nay, vào một thời điểm nào đó, khi chúng tôi cho là phù hợp, chúng tôi sẽ buộc phải tạo ra một ‘khu vực bảo vệ’ nhất định trên các vùng lãnh thổ ngày nay dưới chế độ Kyiv,” ông Putin nói.
Ông từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết nhưng cho biết một khu vực như vậy có thể phải đủ lớn để ngăn chặn vũ khí do ngoại quốc sản xuất tiếp cận lãnh thổ Nga.
Cuộc bầu cử bị chỉ trích
Sau khi kết quả ban đầu cho thấy ông Putin đã giành chiến thắng với hơn 87% phiếu bầu, Tòa Bạch Ốc và các nước phương Tây khác cho rằng cuộc bầu cử là một sự giả tạo vì tất cả các ứng cử viên đối lập đều đã tử vong, bị bỏ tù, hoặc bị cấm tham gia tranh cử.
Đáng chú ý là một nhà hoạt động đối lập chủ chốt của Nga, ông Alexei Navalny, đã tử vong trong nhà tù ở Nga hồi đầu năm nay.
“Cuộc bầu cử rõ ràng là không tự do và cũng không công bằng,” một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc nói với các hãng thông tấn hôm 17/03, đồng thời nói thêm rằng các đối thủ chính trị đã bị bỏ tù trong khi những người khác bị ngăn cản tranh cử.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh đã chỉ trích Nga vì tổ chức bầu cử trên “lãnh thổ Ukraine,” ý nói đến các khu vực của vùng Donbas, mà phần nào đã gây ra cuộc xung đột Ukraine-Nga hồi năm 2022.
“Bằng cách tổ chức bầu cử bất hợp pháp trên lãnh thổ Ukraine, Nga chứng tỏ rằng họ không quan tâm đến việc tìm kiếm con đường đưa đến hòa bình. Vương quốc Anh sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo, kinh tế, và quân sự để người Ukraine bảo vệ nền dân chủ của họ,” phát ngôn viên này của Vương quốc Anh cho biết.
Bộ Ngoại giao Đức lặp lại những tuyên bố đó, nói rằng cuộc bầu cử lẽ ra không nên được tổ chức ở “các vùng lãnh thổ của Ukraine bị chiếm đóng” và là “một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế khác.”
Nhưng ông Putin bác bỏ những lời chỉ trích đó, cho rằng cuộc bầu cử năm 2020 của Hoa Kỳ cũng không được tổ chức công bằng.