TT Phần Lan gọi điện trực tiếp bày tỏ ý định đăng ký gia nhập NATO, ông Putin gọi đó là một sai lầm
HELSINKI – Hôm thứ Bảy (14/05), Tổng thống (TT) Nga Vladimir Putin đã cảnh báo người đồng cấp Phần Lan rằng mối bang giao giữa hai láng giềng này có thể sẽ bị “tác động tiêu cực” nếu Phần Lan thực hiện kế hoạch đăng ký gia nhập NATO.
Dịch vụ báo chí của Điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố rằng TT Putin nói với TT Sauli Niinisto rằng việc Phần Lan từ bỏ “chính sách trung lập quân sự truyền thống của nước này sẽ là một sai lầm vì không có mối đe dọa nào đối với an ninh của Phần Lan.”
Tuyên bố cho biết thêm: “Sự thay đổi như vậy trong chính sách ngoại giao của nước này có thể tác động tiêu cực đến mối bang giao Nga-Phần Lan vốn nhiều năm được xây dựng trên tinh thần láng giềng tốt đẹp và hợp tác đối tác cùng có lợi.”
Phản hồi trên được đưa ra sau khi TT Niinisto nói với TT Putin trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại rằng quốc gia Bắc Âu không liên kết quân sự có một lịch sử phức tạp với láng giềng khổng lồ phía đông của mình này “sẽ quyết định đăng ký gia nhập NATO trong những ngày tới.”
Văn phòng của ông Niinisto cho biết trong một tuyên bố, người đứng đầu chính phủ Phần Lan đã nói với ông Putin rằng môi trường an ninh của Phần Lan đã thay đổi rõ rệt như thế nào sau cuộc xâm lược hôm 24/02 của Moscow vào Ukraine, và nói về yêu cầu của Nga đối với Phần Lan nhằm kiềm chế việc trở thành thành viên của liên minh quân sự phương Tây gồm 30 quốc gia thành viên.
“Cuộc thảo luận (với ông Putin) đã diễn ra thẳng thắn, rõ ràng và không chút phóng đại nào. Việc tránh căng thẳng được coi là điều quan trọng,” theo tuyên bố của ông Niinisto, tổng thống Phần Lan từ năm 2012 và là một trong số ít các nhà lãnh đạo phương Tây đối thoại thường xuyên với ông Putin trong thập niên qua.
TT Niinisto chỉ ra rằng ông đã từng nói với TT Putin trong cuộc họp đầu tiên của họ vào năm 2012 rằng “mỗi quốc gia độc lập sẽ tối đa hóa an ninh của riêng mình.”
“Giờ vẫn thế. Bằng cách gia nhập NATO, Phần Lan sẽ củng cố an ninh của chính mình và đảm nhận các trách nhiệm của mình,” ông Niinisto nói.
Ông Niinisto nhấn mạnh rằng, mặc dù có khả năng trở thành thành viên NATO trong tương lai, nhưng Phần Lan muốn tiếp tục thảo luận song phương với Nga trong “các vấn đề thực tế do khu vực biên giới tạo ra” và hy vọng sẽ tiếp xúc với Moscow “một cách chuyên nghiệp.”
Theo tuyên bố của Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, và khả năng đạt được một giải pháp chính trị cho tình hình này. Ông Putin cho biết các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kyiv đã bị đình chỉ do Ukraine “thiếu quan tâm đến một cuộc đối thoại nghiêm túc và mang tính xây dựng.”
Văn phòng của ông Niinisto cho biết cuộc điện đàm này đã được thực hiện theo lời đề nghị của Phần Lan.
Phần Lan có đường biên giới dài 1,340 km (830 dặm) với Nga, đường biên giới chung dài nhất cho bất kỳ thành viên Liên minh Âu Châu nào.
Hôm thứ Năm (12/05), TT Niinisto và Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin đã cùng tán thành quyết định gia nhập NATO của Phần Lan và khuyến nghị nước này “phải đăng ký trở thành thành viên NATO ngay lập tức” để bảo đảm an ninh của quốc gia trong bối cảnh Nga hoạt động quân sự ở Ukraine và bối cảnh địa chính trị và an ninh đã thay đổi của Âu Châu.
Dự kiến sẽ có một thông báo chính thức từ ông Niinisto và bà Marin về ý định đăng ký gia nhập NATO của Phần Lan vào Chủ Nhật (15/05). Đảng Dân Chủ Xã Hội cầm quyền của bà Marin đã chấp thuận quyết định đăng ký thành viên vào hôm thứ Bảy, mở đường cho một cuộc bỏ phiếu nghị viện vào tuần tới để thông qua hành động này. Điều này được mong đợi sẽ trôi qua với sự ủng hộ đông đảo. Đơn đăng ký gia nhập chính thức sau đó sẽ được nộp cho trụ sở NATO ở Brussels.
Nước láng giềng Thụy Điển sẽ quyết định về lập trường NATO của mình vào Chủ Nhật trong một cuộc họp của Đảng Dân Chủ Xã Hội do Thủ tướng Magdalena Andersson dẫn đầu.
Hôm thứ Sáu (13/05), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tổ chức một cuộc điện đàm chung với cả ông Niinisto và bà Andersson, theo một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, đồng thời ông “nhấn mạnh sự ủng hộ của ông đối với chính sách Mở Cửa của NATO và quyền của Phần Lan và Thụy Điển trong việc quyết định tương lai, chính sách ngoại giao, và các thỏa thuận an ninh của chính mình.”
Jari Tanner của The Associated Press thực hiện
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: