TT Biden xác định các lĩnh vực chính trong lộ trình thúc đẩy năng lượng sạch
Bộ Năng lượng (DOE) đã xác định ba lĩnh vực mục tiêu trong một lộ trình công nghệ năng lượng sạch.
Trong loạt báo cáo “Con đường dẫn đến Nâng cấp Thương mại” (“Pathways to Commercial Liftoff”) phát hành hôm 21/03, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã liệt kê hydro sạch, lưu trữ năng lượng trong thời gian dài, và hạt nhân tân tiến là những công nghệ chính để đạt được kế hoạch loại bỏ khí thải của TT Biden.
Chính phủ TT Biden muốn cắt giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Mỗi lĩnh vực đều cần đầu tư liên tục để đạt được mục tiêu của mình. Chướng ngại gây cản trở đối với lĩnh vực hydro sạch bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng và sự không chắc chắn về nhu cầu, trong khi chướng ngại gây cản trở đối với lĩnh vực lưu trữ năng lượng trong thời gian dài là giảm chi phí. Trong khi đó, để phát triển hơn nữa năng lượng hạt nhân tân tiến, điều quan trọng là tạo ra việc làm lâu dài, trả lương cao cho các cộng đồng sản xuất năng lượng truyền thống, chẳng hạn như, cộng đồng than đá.
Cần hàng trăm triệu khoản đầu tư vào các lĩnh vực được liệt kê ở trên để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng không của TT Biden.
Trong một thông cáo báo chí, DOE cho biết, “Đến năm 2030, loạt báo cáo này kết luận rằng các khoản đầu tư tích lũy phải tăng lên khoảng 300 tỷ USD trong các lĩnh vực hydro, hạt nhân, và lưu trữ năng lượng dài hạn, cùng với nỗ lực thúc đẩy liên tục cho đến năm 2050 cần phải đi đúng hướng để thực hiện các mục tiêu khử carbon dài hạn.”
Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho biết DOE kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ và ngành công nghiệp này để bảo đảm Hoa Kỳ dẫn đầu toàn cầu trong kỷ nguyên công nghệ năng lượng sạch.
Trong một hội thảo trực tuyến giới thiệu loạt báo cáo nâng cấp mới này, bà Vanessa Chan, giám đốc về thương mại hóa của DOE, cho biết: “Những gì chúng tôi muốn làm là bảo đảm rằng chúng ta đang xem xét tất cả các công nghệ có thể giúp đạt được những mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của Tổng thống, và đề ra những gì quý vị phải tin là giúp chúng ta thực sự thúc đẩy thương mại hóa những công nghệ rất quan trọng này.”
Chuyên gia: Kế hoạch năng lượng của Tổng thống Biden là một ảo tưởng nguy hiểm
Trong bài diễn văn Thông điệp Liên bang hồi tháng Hai, TT Joe Biden tuyên bố rằng ông sẽ “hoàn thành công việc” đối với quá trình mà ông gọi là “sự chuyển đổi đáng kinh ngạc” từ nhiên liệu hóa thạch sang phong năng và quang năng.
“Đạo luật Giảm Lạm Phát là khoản đầu tư quan trọng nhất từng có để giải quyết khủng hoảng khí hậu,” ông Biden nói, đề cập đến khoản chi tiêu mới của chính phủ trị giá 370 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, vốn sẽ giúp “giảm các hóa đơn tiện ích, tạo việc làm cho người dân Mỹ, và dẫn dắt thế giới hướng tới một tương lai năng lượng sạch.”
Tuy nhiên, ông Mark Mills, một thành viên cao cấp tại Viện Manhattan và là một giáo sư tại Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng của Đại học Northwestern, cảnh báo rằng việc quá vội vàng tiến đến năng lượng sạch có thể là một ảo tưởng nguy hiểm.
Trong bài báo có nhan đề “Thiết lập lại Thực tế: Ảo tưởng về ‘Chuyển đổi Năng lượng’” (“The ‘Energy Transition’ Delusion: A Reality Reset”) của mình, ông Mills viết rằng: “Mặc dù ngày càng có nhiều tuyên bố hoa mỹ được đưa ra, nhưng một ‘sự chuyển đổi năng lượng’ thoát khỏi sự phụ thuộc của xã hội vào hydrocarbon là không khả thi trong bất kỳ khung thời gian có ý nghĩa nào, và đó là một ảo tưởng nguy hiểm khi đề ra các chính sách dựa trên ý tưởng rằng một quá trình chuyển đổi như vậy là khả thi … các thực tế về vật lý, kỹ thuật, và kinh tế của các hệ thống năng lượng không phụ thuộc vào bất kỳ niềm tin nào về biến đổi khí hậu.”
“Nếu quý vị chế tạo máy móc, như tuabin gió và xe hơi [điện] thay vì những máy chạy bằng hydrocarbon thông thường, thì đó là một hành động làm gia tăng lớn về số lượng kim loại và khoáng chất mà quý vị phải khai thác,” ông Mills giải thích. “Tất cả những hoạt động khai thác đó đều được thực hiện bằng các thiết bị máy móc đốt dầu, và tất cả chỗ nhựa dùng để làm cánh tuabin gió đó đều được làm bằng hydrocarbon. Tất cả chỗ bê tông và thép đó đều cần than luyện kim, khí đốt tự nhiên, và dầu mỏ. Vì vậy, quý vị sẽ không tránh được [nhiên liệu hóa thạch], quý vị chỉ sử dụng ít hơn mà thôi, nhưng sau đó quý vị sẽ sử dụng nhiều khoáng sản hơn, và cần phải khai thác nhiều hơn nữa.”
Bản tin có sự đóng góp của Kevin Stocklin
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times