TT Biden tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu khí Venezuela
Một số giấy phép độc lập với quốc gia xã hội chủ nghĩa này sẽ được giữ nguyên.
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã quyết định không gia hạn giấy phép chung vốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Venezuela.
Hôm 17/04, các quan chức cấp cao trong chính phủ cho biết chế độ Nicolás Maduro ở Venezuela đã không đáp ứng các điều kiện đặt ra trong Thỏa thuận Barbados được ký hồi tháng 10/2023, đặc biệt trong việc bảo đảm các cuộc bầu cử tự do và công bằng vào cuối năm nay.
Chính phủ Tổng thống Biden cho biết Bộ Ngân khố Hoa Kỳ sẽ cấp một giấy phép chung mới đặt ra thời hạn 45 ngày cho các giao dịch đang diễn ra với các hoạt động trong ngành dầu khí của Venezuela.
“Chúng tôi vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với nhiều bên liên quan để đánh giá tiến độ của chính phủ Venezuela trong việc thực hiện thỏa thuận Barbados, nhằm cho phép tổ chức một cuộc bầu cử toàn diện và cạnh tranh vào năm 2024,” một quan chức cấp cao trong chính phủ cho biết. “Trong những tháng vừa qua … chúng tôi đã hoàn tất một cuộc đánh giá rất cẩn thận, và chúng tôi đã xác định rằng mặc dù các nhà chức trách Venezuela đã đáp ứng một số cam kết quan trọng nhưng họ cũng còn thiếu sót trong một số lĩnh vực.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller đưa ra một tuyên bố xác nhận rằng Giấy phép Chung 44 sẽ hết hạn vào lúc 12 giờ 01 phút sáng ngày 18/04, đồng thời một lần nữa kêu gọi ông Maduro thả tất cả tù nhân chính trị một cách “không có sự hạn chế hoặc chậm trễ” và cho phép tất cả các ứng cử viên và các đảng phái tham gia cuộc bầu cử.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ nguyện vọng của người dân Venezuela về một Venezuela dân chủ, ổn định, và thịnh vượng hơn,” ông Miller cho biết. “Chúng tôi và các đối tác của mình trong cộng đồng quốc tế kêu gọi ông Maduro thực hiện tất cả các cam kết được thực hiện theo lộ trình bầu cử mà các bên ký kết Thỏa thuận Barbados đã thiết lập.”
Những lĩnh vực đó bao gồm việc loại các ứng cử viên và đảng phái chính trị trên lý thuyết và điều mà các quan chức xem là “một mô hình sách nhiễu và đàn áp liên tục đối với các nhân vật đối lập,” đặc biệt lưu ý lệnh cấm áp dụng cho bà María Corina Machado và ứng cử viên thay thế được chọn của bà, bà Corina Yoris.
Vào ngày 18/10/2023, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc của Bộ Ngân khố đã công bố rằng chính phủ TT Biden đã nới lỏng các lệnh trừng phạt về dầu khí đối với Venezuela dựa trên thỏa thuận rằng chính phủ xã hội chủ nghĩa của nước này — do nhà độc tài Maduro kiểm soát — và phe đối lập sẽ thực hiện các bước nhằm bảo đảm các cuộc bầu cử tự do và công bằng hơn.
Quốc gia Nam Mỹ này đã bị Tổng thống đương thời Donald Trump trừng phạt vào năm 2019 để đáp trả hành vi tham nhũng của ông Maduro. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Biden, Bộ Ngân khố đã cấp giấy phép chung có thời hạn sáu tháng, tạm thời cho phép các giao dịch liên quan đến dầu khí của Venezuela.
Ông Brian Nelson, Thứ trưởng Bộ Ngân khố đặc trách về khủng bố và tình báo tài chính, cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó, “Hoa Kỳ hoan nghênh việc ký kết một thỏa thuận lộ trình bầu cử giữa Đảng Unitary Platform và các đại diện của ông Maduro.”
Mất niềm tin vào Venezuela
Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh rằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là một “bước cụ thể hướng tới giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, và nhân đạo của Venezuela, đồng thời kêu gọi nước này thả tất cả các công dân Hoa Kỳ bị giam giữ trái phép cũng như các tù nhân chính trị Venezuela,” mặc dù thỏa thuận đã không đề cập đến việc thả ít nhất bốn người Mỹ đang bị giam giữ vào thời điểm đó.
Ông Blinken cũng nói rằng Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế sẽ “theo dõi chặt chẽ” tiến trình của Venezuela và chính phủ Hoa Kỳ sẽ “hành động nếu các cam kết theo lộ trình bầu cử và liên quan đến các tù nhân chính trị không được đáp ứng.”
Hôm 17/04, các quan chức chính phủ cấp cao cho biết quyết định không gia hạn giấy phép chung sẽ là dấu hiệu cho thấy họ không còn tin rằng Venezuela sẽ có một “cuộc bầu cử cạnh tranh và toàn diện.” Họ cho biết họ dự trù tiếp tục “tham gia với tất cả các bên liên quan” để giúp đỡ người dân Venezuela “bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn,” và họ đã khẳng định quan điểm của mình rằng “các thỏa thuận Barbados vẫn là con đường tốt nhất hiện có cho một Venezuela dân chủ, an toàn, và thịnh vượng hơn.”
Bất kỳ hoạt động nào liên quan đến lĩnh vực dầu khí của Venezuela được cho phép theo Giấy phép Chung 44 đều phải dừng lại trước ngày 31/05. Tuy nhiên, một quan chức chính phủ cấp cao khác làm rõ rằng điều này không nhất thiết có nghĩa là tất cả hoạt động kinh doanh liên quan đến dầu khí sẽ kết thúc.
Các công ty riêng lẻ có thể đệ đơn xin các giấy phép cụ thể để tham gia vào các hoạt động liên quan đến lĩnh vực dầu khí của Venezuela với Văn phòng Kiểm soát Tài sản Ngoại quốc.
Quan chức chính phủ cấp cao này cho biết, “Thủ tục đánh giá một giấy phép cụ thể không được công khai, nhưng bao gồm việc xem xét lợi ích an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ thông qua tham vấn chặt chẽ và nhận hướng dẫn chính sách đối ngoại.” Quan chức đó không thể nói rõ tình trạng của các giấy phép theo từng trường hợp cụ thể.
Venezuela là nơi có trữ lượng dầu đã được chứng minh là nhiều nhất thế giới, và quyết định chấm dứt giấy phép chung nói trên đã được đưa ra khi Tổng thống Biden tiếp tục hạn chế sản xuất dầu trong nước.
Ngành sản xuất năng lượng
Một báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Năng lượng cho thấy Tổng thống Joe Biden đã thực hiện hơn 200 hành động chống lại ngành dầu khí Hoa Kỳ kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 01/2021, bắt đầu bằng việc thu hồi giấy phép đối với Đường ống Keystone hồi tháng 03/2019 và hủy bỏ toàn bộ hoạt động khai thác dầu khí ở Khu bảo tồn Động vật hoang dã Quốc gia Bắc Cực, Alaska.
Ông cũng đảo ngược các quy định đã được cắt giảm theo một sách lệnh thời chính phủ cựu TT Trump vào ngày đầu tiên nhậm chức, đồng thời hủy bỏ các hợp đồng thuê dầu khí mới trên đất công cộng và các vùng biển ngoài khơi.
Gần đây nhất, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan (Cộng Hòa-Alaska) nói với Fox News rằng Bộ Nội vụ dự kiến sẽ hoàn thiện các quy định mới nhằm phong tỏa 13 triệu mẫu đất ở Khu vực North Slope của Alaska được gọi là khu vực Dự trữ Dầu khí Quốc gia.
“Điều đáng chú ý là trong những thời điểm nguy hiểm này, chính phủ của ông Biden lại càng tập trung hơn vào việc trừng phạt Alaska và người dân Alaska hơn là các lệnh trừng phạt đối với các chế độ khủng bố ở Iran và Venezuela — cho phép họ thực hiện khai thác dầu khí!” ông Sullivan đăng trên X, trước đây gọi là Twitter.
Trước quyết định của chính phủ, bảy thượng nghị sĩ do ông Sullivan dẫn đầu đã gửi một bức thư kêu gọi Tổng thống Biden không gia hạn giấy phép chung với Venezuela, lập luận rằng chế độ Maduro “đã không giữ đúng lời hứa và cố tình vi phạm ranh giới của thỏa thuận đó.”
Các Thượng nghị sĩ Bill Hagerty (Cộng Hòa-Tennessee), John Barrasso (Cộng Hòa-Wyoming), Pete Ricketts (Cộng Hòa-Nebraska), Jim Risch (Cộng Hòa-Idaho), Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), và Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) đã đồng ký tên vào bức thư.
“Chúng ta không được nhường lại đòn bẩy của Mỹ bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ trong khi chính phủ ông Maduro cố tình coi thường các nghĩa vụ của mình,” bức thư nêu rõ. “Nếu Hoa Kỳ không thể đưa ra một lập trường đáng tin cậy về việc bảo đảm tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng tại Venezuela, thì triển vọng về một Venezuela dân chủ sẽ tiếp tục giảm, sẽ tiếp thêm tham vọng cho các quốc gia độc tài như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Iran, và Nga.”
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Moran, Jana J. Pruet, và Katabella Roberts
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times