TT Biden cảnh báo: Mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược của ông Putin là ‘có thật’
Tuần này, Tổng thống (TT) Joe Biden đã cảnh báo rằng mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Tổng thống Nga Vladimir Putin là “có thật”, vài ngày sau khi Moscow thông báo rằng những đầu đạn hạt nhân đầu tiên đã đến Belarus trong bối cảnh quốc tế lên án hành động này.
“Khi tôi đến đây khoảng hai năm trước và nói rằng tôi lo lắng về việc sông Colorado sẽ cạn kiệt, mọi người nhìn tôi như thể tôi bị điên,” ông Biden nói với một nhóm các nhà tài trợ ở California hôm thứ Hai (19/06). “Họ nhìn tôi như thể khi tôi nói rằng tôi lo lắng về việc ông Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đó là sự thật.”
Bình luận mới nhất của ông Biden về diễn tiến này được đưa ra vài ngày sau khi ông trả lời các phóng viên tại Căn cứ chung Andrews ở Maryland, nói rằng thông báo của ông Putin rằng Nga đã khai triển đầu đạn hạt nhân ở Belarus là “hoàn toàn vô trách nhiệm.”
Tuần trước, ông Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã xác nhận rằng việc khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus đã bắt đầu. Trong số những đầu đạn đó, một số được cho là mạnh gấp ba lần những quả bom nguyên tử mà Hoa Kỳ đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki hồi năm 1945 trong Đệ nhị Thế chiến.
“Như quý vị đã biết, chúng tôi đang đàm phán với đồng minh của mình — Tổng thống Belarus Lukashenko — rằng chúng tôi sẽ chuyển một phần vũ khí hạt nhân chiến thuật này tới lãnh thổ Belarus — điều này đã diễn ra,” ông Putin nói hôm 16/06 khi diễn thuyết tại một diễn đàn kinh tế ở St. Petersburg. “Các đầu đạn hạt nhân đầu tiên đã được chuyển tới lãnh thổ Belarus. Nhưng đó chỉ là những đầu đạn đầu tiên, phần đầu tiên. Nhưng chúng tôi sẽ hoàn thành công việc này vào cuối mùa hè hoặc cuối năm nay.”
Hành động này đánh dấu lần đầu tiên Moscow khai triển các đầu đạn hạt nhân chiến thuật như vậy — vũ khí hạt nhân tầm ngắn hơn, ít uy lực hơn có thể được sử dụng trên chiến trường — bên ngoài lãnh thổ Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào những năm 1990.
Lần đầu tiên ông Putin mô tả các kế hoạch khai triển đầu đạn hạt nhân ở Belarus là vào tháng Ba. Lúc đó, ông nêu lên việc Hoa Kỳ đã khai triển các vũ khí tương tự tại các căn cứ NATO ở một số nước Âu Châu trong nhiều thập niên. Thông báo đó đã được đưa ra trong bối cảnh các quan chức hàng đầu của Điện Kremlin liên tục đe dọa về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn.
Cảnh báo mạnh mẽ
Hoa Kỳ và các đồng minh cũng như Trung Quốc đang theo dõi sát sao vụ khai triển vũ khí của Nga. Trung Quốc cũng đã nhiều lần cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine.
Mùa thu năm ngoái (2022), Hoa Kỳ, Pháp, và Vương quốc Anh đã cảnh báo Nga rằng nếu họ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, thì ba nước này sẽ trả đũa với một cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước.
Hồi tháng trước, Hoa Kỳ cũng cho biết rằng họ không có ý định thay đổi lập trường về vũ khí hạt nhân chiến lược để phản ứng trước đợt khai triển này, lưu ý rằng họ không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang trực tiếp chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Hoa Kỳ cho biết họ “chắc chắn sẽ tiếp tục theo dõi các tác động” ở Moscow và Minsk.
Vào tháng Năm, Nga đã bác bỏ những chỉ trích của Hoa Kỳ về việc Nga dự định chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật sang đồng minh láng giềng khi nói rằng Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh NATO đã khai triển vũ khí hạt nhân ở các nước NATO trong nhiều thập niên.
Trong khi đó, mới đây ông Lukashenko đã mô tả đợt khai triển này là một cơ hội quý báu để Belarus và Nga ngày càng gắn kết, nói rằng việc khai triển vũ khí hạt nhân ở đất nước của ông sẽ thúc đẩy an ninh và đóng vai trò ngăn chặn những kẻ xâm lược tiềm năng.
“[Việc khai triển này] là do tôi đề nghị. Nga không áp đặt việc này cho tôi. Tại sao? Bởi vì chưa có nước nào trên thế giới từng gây chiến với một cường quốc hạt nhân. Và tôi không muốn bất cứ nước nào gây chiến với chúng tôi. Có một mối đe dọa như vậy ư? Có đấy. Tôi phải vô hiệu hóa mối đe dọa đó,” ông Lukashenko cho biết, theo hãng tin BelTA của Belarus.
Hồi tuần trước, ông Putin đã nhắc lại những bình luận của ông Lukashenko, nhấn mạnh rằng việc khai triển vũ khí hạt nhân ở Belarus sẽ đóng vai trò là “một yếu tố răn đe” đối với tất cả các cường quốc đang “nghĩ đến việc gây ra một thất bại chiến lược.”
Nhà lãnh đạo 70 tuổi của Nga cho biết, “Vũ khí hạt nhân đã được tạo ra để bảo đảm an ninh của chúng tôi theo nghĩa rộng nhất của từ này và sự tồn tại của nhà nước Nga, nhưng chúng tôi… không có nhu cầu [sử dụng chúng].”
Cả ông Putin lẫn ông Lukashenko đều không tiết lộ về số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ được chuyển đến Belarus, quốc gia giáp Ukraine và cũng giáp với ba thành viên NATO là Ba Lan, Lithuania, và Latvia.
Theo dữ liệu từ Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân, Nga sở hữu số lượng đầu đạn hạt nhân nhiều nhất thế giới. Trong số 12,700 đầu đạn trên toàn thế giới, Nga sở hữu 5,977, tiếp đó là Hoa Kỳ với 5,428.