Truyền thông Trung Quốc bóp méo cuộc tranh cãi Hoa Kỳ-Trung Quốc ở Alaska thành chiến thắng ngoại giao cho Bắc Kinh
Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc đang công kích sau khi các quan chức hàng đầu của chính phủ TT Biden và những người đồng cấp phía Trung Quốc xảy ra xung đột trong cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên của họ ở Alaska.
Cuộc họp kéo dài hai ngày này, bao trùm một loạt các vấn đề gây căng thẳng quan hệ giữa hai nước, đã có một khởi đầu không mấy suôn sẻ vào hôm 18/03, với việc các quan chức Trung Quốc phản ứng giận dữ trước những lời chỉ trích Trung Cộng đã vi phạm nhân quyền và bức ép kinh tế.
Lên án những gì mà theo lời phía Trung Quốc mô tả là “những lời chỉ trích vô căn cứ,” các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra lời tố cáo gay gắt làm lệch quy trình ngoại giao thông thường khi kéo dài bài phát biểu được ấn định 2 phút cho mỗi diễn giả thành một bài công kích kịch liệt kéo dài khoảng 20 phút. Cùng với việc thông dịch, một buổi chụp ảnh kéo dài tám phút theo dự định ban đầu đã diễn ra trong hơn một giờ.
Một ngày trước cuộc đàm phán này, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng kiêm Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, đã đặc biệt quan tâm đến việc Hoa Kỳ trừng phạt 24 quan chức Trung Quốc vì Bắc Kinh trấn áp tự do ở Hồng Kông.
Ông Dương Khiết Trì, quan chức cấp cao về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, cho biết, “Hoa Kỳ không có đủ tư cách để nói rằng họ muốn nói chuyện với Trung Quốc với vị thế bề trên.”
Trong khi TT Joe Biden hôm 19/03 đã bày tỏ niềm tự hào về đội ngũ của ông trong cách họ xử lý vấn đề, thì các phương tiện truyền thông do đại lục kiểm soát đã đồng loạt cổ vũ cách tiếp cận đối đầu của các quan chức của họ, đồng thời chế nhạo Hoa Kỳ.
Ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã nhấn mạnh trong một cuộc họp báo ngày 19/03 rằng phía Hoa Kỳ “đã không tuân thủ giới hạn về thời gian theo quy định và đã gây bất đồng trước,” do đó khiến cho cuộc họp này mang đầy “mùi thuốc súng và kịch tính”— một câu chuyện đã sớm được các phương tiện truyền thông Trung Quốc khác phóng đại.
Tờ báo nhà nước Nhân dân Nhật báo đã quảng bá các áp phích màu đỏ chứa những lời bình luận hiếu chiến của Trung Quốc trong cuộc họp đó bằng cả tiếng Anh và tiếng Hoa. Reference News, một trang tin tức thuộc tờ báo nhà nước Tân Hoa Xã, tuyên bố rằng Hoa Kỳ “đã làm trò rỗng tuếch” và “bộc lộ sự thiếu tự tin của mình” bằng cách viếng thăm các đồng minh khác trước cuộc họp đó để “tạo áp lực.”
Vị thế trong cuộc đấu
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jalina Porter nói với các phóng viên hôm 19/03 rằng chính phủ TT Biden nhận thấy “những bài thuyết trình ngoại giao phóng đại của Bắc Kinh trước giới truyền thông là nhằm vào khán giả trong nước [của họ].” Bà cho biết bộ sẽ tiếp tục “đưa ra những quyền lợi và các nguyên tắc chung từ phía Hoa Kỳ chúng ta.”
Tuy nhiên, một số nhà phê bình tin rằng những bình luận sôi nổi đó sẽ thức tỉnh người dân Hoa Kỳ về những khác biệt cơ bản giữa hai cường quốc chính trị.
Vụ cãi vã công khai ở Alaska là một “hành động khiêu khích nghiêm trọng,” báo hiệu rằng “trong tương lai, Trung Cộng sẽ không còn tuân thủ các quy tắc do Hoa Kỳ đặt ra nữa,” ông Wang He, một nhà bình luận về các vấn đề chính trị Trung Quốc, cho biết.
Thực tế thì việc chính phủ TT Biden vẫn háo hức tìm kiếm sự hợp tác với Trung Cộng trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu bất chấp cuộc trao đổi nảy lửa đó chính là hành động lợi người hại mình, và sẽ khiến phía Hoa Kỳ mất đi lợi thế, ông viết trong một bài bình luận gửi The Epoch Times.
“Trung Cộng xảo quyệt và tà ác hơn hầu hết mọi người [chúng ta] có thể tưởng tượng. Vòng đàm phán này là cách Trung Cộng thăm dò phản ứng, và giờ đây, chế độ này có được một bức tranh rõ ràng về các ý định của Hoa Kỳ,” ông Vương nói.
Sau cuộc họp này, truyền thông Trung Quốc đã thổi bùng lên cảm giác chắc chắn ngày một gia tăng, với việc Sina, một cổng thông tin của Trung Quốc, tuyên bố rằng, “Trận chiến vòng đầu tiên này đã thể hiện rất tốt và là màn mở đầu cho một giai đoạn mới của mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ.”
Ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Global Times, một tờ báo của nhà nước Trung Cộng theo chủ nghĩa dân tộc, nói rằng sự cố này sẽ dạy cho Hoa Kỳ và các đồng minh của họ biết tôn trọng hơn đối với chế độ này.
“Phái đoàn Trung Quốc đã cho một số đồng minh của Hoa Kỳ thấy cách Trung Quốc đang đối phó với Hoa Kỳ. Trung Quốc đã công khai phản bác Hoa Kỳ, và đối với những kẻ tay sai của Hoa Kỳ cố gắng cắn Trung Quốc, hãy biết cư xử cho đúng mực,” ông Hồ viết trong một bài bình luận.
Sau khi kết thúc cuộc họp nói trên, chế độ này đã tiếp tục khẳng định rằng các vấn đề của họ ở Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương, và Tây Tạng là “những lằn ranh đỏ không thể đụng tới” và Hoa Kỳ không nên can thiệp vào.
Ông Gordon Chang, một chuyên gia về Trung Quốc tại Hoa Kỳ và là tác giả của cuốn sách “Sự sụp đổ sắp đến của Trung Quốc” (The Coming Collapse of China), đã lên tiếng thách thức cách tiếp cận của các nhà lập pháp Hoa Kỳ, những người cho đến nay vẫn ủng hộ việc duy trì quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh.
“Các nhà hoạch định chính sách nói rằng Trung Quốc quá lớn để có thể xa lánh. Không. Trung Quốc quá hiếu chiến, quá nguy hiểm, quá xấu xa để đối phó. Chẳng phải chúng ta vừa thấy điều đó ở Alaska sao?” ông Chang viết trên Twitter hôm 21/03.
“Sau Cuộc họp Alaska, việc nói chuyện với chế độ Trung Quốc sẽ chẳng còn có ích gì nữa. Bắc Kinh đã nói với chúng ta bằng những lời lẽ khẳng định rằng chúng ta phải chấp nhận sự man rợ, hung hãn và tội ác của họ. Chúng ta còn cần nghe thêm gì nữa đây?”
Do Eva Fu thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: