Truyền thông nhà nước Trung Quốc sử dụng cảnh quay của Không quân Ấn Độ trong tuyên truyền kỷ niệm 100 năm
Mạng Truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTN), kênh truyền thông Anh ngữ của Trung Cộng, đã phát hành một video tuyên truyền của Lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) trên Twitter chính thức của họ nhân dịp kỷ niệm một trăm năm thành lập ĐCSTQ vào ngày 01/07. Người dùng mạng xã hội ngay lập tức phát hiện ra rằng đoạn clip này đã sử dụng một đoạn video của Lực lượng Không quân Ấn Độ.
Hôm 30/06, CGTN đã đăng video PR “Chiến Đấu Cơ J-10 Đầu Tiên Ra Mắt Vào Những Năm 2000” để quảng bá một phi công Trung Quốc đã lái chiến đấu cơ trong 15 năm qua. Đoạn phim thể hiện cảnh chiếc phản lực cơ này bay trên những ngọn núi phủ đầy tuyết. Một camera ở phía dưới gầm phản lực cơ đã ghi lại khoảnh khắc phi cơ này phóng một hỏa tiễn.
Tuy nhiên, những người dùng mạng xã hội tinh mắt ngay lập tức nhận ra rằng kênh này đã sử dụng một đoạn video do Lực lượng Không quân Ấn Độ phát hành cách đây tám năm mang tên “Chiếc chiến đấu cơ vẻ vang đã phóng hỏa tiễn.” CGTN đã làm tối tông màu của đoạn clip đó. Sự việc này đã bị chỉ trích và chế giễu rộng rãi về hành vi sao chép tư liệu trên mạng xã hội.
CGTN đã nhanh chóng xóa video này khỏi tài khoản Twitter của mình, nhưng một bức ảnh chụp màn hình của bài đăng này vẫn đang được lan truyền trên mạng.
Đây không phải là lần đầu tiên các kênh tuyên truyền của chế độ cộng sản này bị bắt quả tang sử dụng cảnh phim của ngoại quốc, đồng thời cố gắng biến chúng thành các sự kiện có thật của Trung Quốc.
Vào năm 2020, tài khoản chính thức của PLAAF trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo đã đăng tải một video có tên “Khi Chiến Thần H-6K tấn công!” trong đó mô tả phi cơ ném bom phản lực hai động cơ H-6K của Trung Quốc có biệt danh là “Chiến Thần” đang tiến hành một cuộc tấn công vào một mục tiêu tựa như Căn cứ Không quân Andersen của Hoa Kỳ ở Guam.
Cư dân mạng xã hội đã phát hiện ra rằng các cảnh cháy nổ trên không trong video này được lấy từ các bộ phim bom tấn của Hollywood, trong đó có cả phim “The Hurt Locker,” “The Rock” và “Transformers: Revenge of the Fallen.”
Năm 2011, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã phát sóng một đoạn video tuyên truyền trong chương trình thời sự của họ nhằm quảng bá chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc. Đoạn video đã thể hiện cảnh J-10 tiêu diệt một phi cơ khác bằng một chiếc hỏa tiễn. Người dùng Internet đã chỉ ra rằng thực ra đây là một cảnh trong bộ phim Hollywood “Top Gun” ra đời năm 1986 với sự tham gia của Tom Cruise.
CGTN cũng từng bị truyền thông Pháp phơi bày hồi đầu năm nay vì đã tung tin giả từ một nhà báo người Pháp không tồn tại trong một nỗ lực nhằm che giấu cho hành vi diệt chủng của nhà cầm quyền này đối với người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương của Trung Quốc.
Do Alex Wu thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: