Truyền thông ngoại quốc rầm rộ phanh phui chuyện xấu của Trương Cao Lệ
Những ngày vừa qua, truyền thông quốc tế đã chuyển sự chú ý từ Bành Soái sang Trương Cao Lệ, phanh phui những chuyện xấu của ông ta, và đàm luận rằng liệu ông sẽ bị Tập Cận Bình “xử lý” ra sao.
Việc Bành Soái bỗng nhiên “biến mất” sau khi đăng bài tố cáo bị ông Trương lạm dụng tình dục đã gây xôn xao dư luận. Ngay sau đó, trong cộng đồng quốc tế đã xuất hiện làn sóng thảo luận với dòng tag #WhereIsPengShuai (Bành Soái đang ở đâu). Tuy nhiên, hiện tại tâm điểm đã được chuyển thành “Trương Cao Lệ đang ở đâu?”
Báo chí Trung Quốc cố tình tránh đề cập đến cái tên Trương Cao Lệ trong vụ Bành Soái, trong cuộc gọi video giữa Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach và Bành Soái cũng tránh nhắc đến tên của Trương.
Sau khi nghỉ hưu vào năm 2018, Trương Cao Lệ giống như hầu hết các lãnh đạo khác của Trung Cộng (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) luôn tìm cách tránh xa khỏi tầm mắt của công chúng. Cả ông Trương và chính quyền Trung Quốc đều né tránh các câu hỏi của truyền thông nước ngoài về Bành Soái.
Dân chúng đều biết các quan chức Trung Cộng có giao dịch quyền lực và tình dục
Theo phân tích của Reuters, sự im lặng của ông Trương cũng giống như phản ứng của ĐCSTQ khi đối mặt với các cáo buộc. Ví dụ: ĐCSTQ luôn giữ im lặng trước các cáo buộc tham nhũng trong tài liệu Panama và các cáo buộc ngoại tình khác.
Ông Tập Cận Bình lấy loại trừ tận gốc tham nhũng làm tiêu chí cho nhiệm kỳ 9 năm của mình và yêu cầu các quan chức đảng phải vượt qua cái gọi là “bài kiểm tra nghiêm khắc về chính trị, chuyên môn và đạo đức gia đình”.
Ông Trần Đạo Ngân, cựu phó giáo sư của Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, đã luôn theo dõi sát sao vụ việc. Theo ông, Trương Cao Lệ chỉ có một lựa chọn duy nhất là “giữ im lặng”, vì “Nếu ông ta lên tiếng phủ nhận (xâm phạm tình dục) thì cũng chẳng ai tin. Sau cuộc vận động chống tham nhũng của Tập Cận Bình, bây giờ người Trung Quốc đều biết các quan chức Đảng đều có giao dịch quyền lực và tình dục, đây lại còn là chuyện như cơm bữa.”
Theo phân tích, ĐCSTQ thường không coi hành vi quan hệ tình dục bất chính của các quan chức là tội chủ yếu. Thay vào đó, sau khi điều tra các tội về chính trị hoặc kinh tế, họ mới đưa thêm tội ngoại tình để tăng hình phạt.
ĐCSTQ đã tránh để Trương Cao Lệ lộ diện trước Thế vận hội Mùa đông
Reuters đã dẫn lời học giả người Singapore Alfred Wu rằng: “Để ông Trương phát ngôn sẽ làm tổn hại đến danh dự của ĐCSTQ. Đây là điều họ không muốn thấy trước khi diễn ra Thế vận hội Mùa đông.”
Ông nói thêm: “Ngay cả khi Đảng quyết định áp dụng các biện pháp kỷ luật nội bộ đối với Trương, họ cũng sẽ không công bố ngay mà phải đợi sóng gió qua đi.”
Lần xuất hiện gần đây nhất của Trương là vào ngày 1/7. Khi đó, ông đang ngồi trong Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ. Địa điểm này cách Đại lễ đường Nhân dân không quá xa. Sáu năm trước, tại buổi lễ khởi động của Ủy ban tổ chức Olympic Bắc Kinh, ông ta đã đưa ra cái gọi là “cam kết trang nghiêm” cho sự thành công của Thế vận hội mùa đông.
Vào ngày 24/11, tờ Wall Street Journal cho biết, sau cuộc gọi điện video giữa Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Bành Soái, cộng đồng quốc tế bắt đầu chú ý nhiều hơn đến Trương Cao Lệ. Bức ảnh chụp Chủ tịch IOC Thomas Bach bắt tay Phó Thủ tướng lúc đó là Trương Cao Lệ tại Bắc Kinh vào năm 2016, bắt đầu được truyền tải trên các trang mạng xã hội. Theo Cổng thông tin của trang web chính phủ Trung Quốc phiên bản tiếng Anh, Trương đã nói với Bach rằng cần “đảm bảo bầu không khí trong Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 thật cuốn hút.”
Huari cũng cho biết chính quyền Trung Quốc vẫn chưa xử lý hoặc thừa nhận các cáo buộc tấn công tình dục của Bành Soái. Dù việc các quan chức cấp cao ngoại tình không phải chuyện hiếm thấy nhưng Trương Cao Lệ là quan chức cấp cao đầu tiên bị công khai cáo buộc tình dục.
Ngoài ra, Huari còn trích dẫn nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết Trương luôn mang vẻ mặt vô cảm, đơ như khúc gỗ khi xuất hiện trước công chúng. Được biết, đây là do tai nạn xe hơi nhiều năm trước gây ra.
Trung Cộng sẽ gạt bỏ Trương Cao Lệ để bảo vệ Thế vận hội Mùa đông?
Bắc Kinh rất giỏi dẹp yên các vụ bê bối. Tuy nhiên, trước làn sóng ủng hộ Bành Soái của cộng đồng quốc tế lần này, mọi thứ có vẻ không còn đơn giản như trước. Theo phân tích của Wall Street Journal, ĐCSTQ đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không biết nên mạo hiểm hủy bỏ Thế vận hội để giữ gìn hình ảnh của các quan chức ĐCSTQ, hay điều tra Trương Cao Lệ để xoa dịu những phẫn nộ của quốc tế.
CNN dẫn lời bà Ling Li, một chuyên gia về chính trị và luật pháp Trung Quốc tại Đại học Vienna, nói rằng nếu cáo buộc của Bành là sự thật, hành vi ngoại tình của Trương sẽ vi phạm “kỷ luật sinh hoạt Đảng”. Theo quy định của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật ĐCSTQ, ông ta sẽ phải lãnh hình phạt từ cảnh cáo đến khai trừ khỏi Đảng.
“Tuy nói là vậy, nhưng chưa có quan chức nào bị khai trừ khỏi Đảng chỉ vì tác phong sinh hoạt không đoan chính. Các cáo buộc về tình dục không nhất định dẫn đến các cuộc điều tra chống tham nhũng. Trước đây, các cuộc điều tra chống tham nhũng đối với những cán bộ cục Chính trị trở lên cần có quyết định tập thể của Thường vụ Bộ Chính trị”, bà cho biết.
Khác với “Hồng nhị đại”, “Thái tử Đảng”, Trương Cao Lệ sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bắt đầu từ một công việc tầm thường ở tỉnh Quảng Đông: từ làm vận chuyển xi măng, rồi từng bước leo lên đỉnh cao chính trị. Để lấy lòng Giang Trạch Dân, ông ta đã dùng “kiệu 8 người khiêng” để đưa Giang Trạch Dân lên núi tham quan. Đây quả là một trò hề.
Theo phân tích của CNN, ĐCSTQ sẽ không bao giờ bị khuất phục trước áp lực từ quốc tế và tiến hành một cuộc điều tra minh bạch đối với ông Trương, cũng như công bố kết quả điều tra với thế giới. Trương dù không phải là phe cánh của Tập Cận Bình, nhưng nếu xử lý Trương vì áp lực từ quốc tế, nó sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của ĐCSTQ và bản thân Tập Cận Bình.
Do Lâm Nghiên, Từ Giản thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: