Trường phái kinh tế Biden sẽ tác động đến nước Mỹ như thế nào?
Trong một cuộc họp gần đây tại Tòa Bạch Ốc, Tham vụ Báo chí Karine Jean-Pierre đã ca ngợi sự tốt đẹp của các chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden trong thời tại nhiệm của ông. Như thể thiên đường mở ra, và các thiên thần ca hát vậy. Bà đã sử dụng cùng một thuật ngữ “Bidenomics” (trường phái kinh tế Biden) mà ông Biden đã áp dụng cho các chính sách kinh tế của mình, tóm lược cách tiếp cận của ông Biden đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.
Chính xác thì Bidenomics là gì? Nếu quý vị bỏ qua sự ảnh hưởng của truyền thông, thì về căn bản, đó là việc chính phủ liên tiếp can thiệp vào vào chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Loại trường phái đó giống chủ nghĩa tư bản thân hữu có thêm sự pha trộn của ESG hơn. Theo ông Biden, tăng trưởng kinh tế bắt nguồn từ sự bùng nổ từ dưới lên chứ không phải là sự thịnh vượng sinh sôi thấm từ trên xuống. Nếu lập luận về tăng trưởng này có thật đi chăng nữa, thì nó cũng chỉ có thể có tác dụng một phần, nhưng lập luận này thậm chí còn là phi thực tế.
Không giống như Reaganomics (trường phái kinh tế Reagan), trong đó một đợt thủy triều dâng có thể nâng mọi con thuyền lên, cách tiếp cận của ông Biden là một gánh nặng gây đắm thuyền đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ do môi trường thuế và quy định nặng nề. Cùng với việc chống lại chủ nghĩa doanh nghiệp, ông Biden đã đưa ra các ưu đãi đặc biệt và giảm thuế cho các doanh nghiệp lớn. Hành động đó cũng có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp nhỏ hơn vốn đóng góp một loạt sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng Mỹ.
Hơn hai năm qua, tình trạng lạm phát dai dẳng vẫn tiếp diễn do ông Biden đã gạt bỏ quyền tự chủ về năng lượng của Mỹ vì một giấc mơ xanh xa vời có khả năng sẽ không thành hiện thực. Giá nhiên liệu đã tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2020 dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump còn giá lương thực thì vẫn chưa giảm. Nếu ông Biden gọi tình trạng lạm phát đắt đỏ này là một nền kinh tế lành mạnh, thì quả là rất khó chịu khi phải hình dung một nền kinh tế tồi tệ sẽ ra sao.
Mặc dù các số liệu về việc làm đã được cải thiện, nhưng hầu hết các công việc là kết quả của việc người dân quay trở lại làm việc sau các đợt phong tỏa hà khắc do đại dịch gây ra. Có vô số doanh nghiệp đã phải đóng cửa trong đại dịch, đặc biệt là ở các tiểu bang xanh. Hàng triệu người Mỹ đã phải bắt đầu lại chỉ vì trò chơi quyền lực không cần thiết và chưa từng có của các cơ quan chính phủ liên bang và tiểu bang. Hậu quả đó vẫn đang tiếp tục là một lực cản đối với nền kinh tế.
Ở California, Thống đốc Gavin Newsom đã sao chép y chang một vở diễn của Bidenomics ở cấp tiểu bang. Những người có thu nhập cao và trung bình đang thoát ly đến các tiểu bang phát triển bùng nổ ở miền Trung Tây và miền Nam bởi cấu trúc thuế và quy định nặng nề của California mang lại rất ít lợi nhuận so với mức thuế mà địa phương và tiểu bang đã thu. Số lượng tội phạm và người vô gia cư đã leo thang thông qua các chính sách dung dưỡng việc hành xử vô đạo đức. Hàng loạt tiền thuế của người dân đã bị ném vào các trường công lập, nhưng điểm kiểm tra môn đọc và môn toán của học sinh thì vẫn thấp dưới mức trung bình.
Tương tự như ông Joe Biden, khái niệm về một nền kinh tế tốt của ông Newsom là chính phủ chi tiêu nhiều hơn ngay cả khi làm như vậy có nghĩa là biến một mức thặng dư ngân sách rất lớn thành một mức thâm hụt ngân sách 30 tỷ USD. Việc chi tiêu liều lĩnh những đồng tiền không tồn tại mà không mảy may ngó ngàng đến tương lai là lý do tại sao lạm phát dai dẳng và sự đổi mới cũng như năng suất của khu vực tư nhân bị cản trở.
Thế nhưng, ông Biden và ông Newsom lại từ chối học hỏi từ những thất bại do tình trạng bất ổn kinh tế, và vì thế, lịch sử chắc chắn sẽ lặp lại. Họ có xu hướng đổ lỗi cho các công ty hoặc đổ lỗi cho Đảng Cộng Hòa (GOP) về những tổn thất do chính họ gây ra. Sự trốn tránh trách nhiệm này trái ngược với câu nói “Đừng đùn đẩy trách nhiệm nữa” (“The buck stop here”) của ông Harry Truman, sự chấp nhận trách nhiệm giải trình. Người ta chỉ có thể suy đoán tại sao họ lại quá lạc lõng với những hy vọng và ước mơ của hầu hết người Mỹ.
Thay vì tỉnh ra, ông Biden và ông Newsom lại tiếp tục thực hiện các kế hoạch điên rồ như xã hội chạy bằng pin, biên giới mở, hạn ngạch dựa trên chủng tộc, phân phát “miễn phí”, xóa nợ sinh viên, v.v. Những mục tiêu không xứng đáng này rất tốn kém và phục vụ cho mục đích làm suy yếu tự do và pháp quyền.
Ngược lại, một nền kinh tế lành mạnh có thể được khôi phục thông qua cả hoạt động từ dưới lên và thấm từ trên xuống. Các doanh nhân kinh doanh nhỏ là trụ cột của xã hội chúng ta về đổi mới và là các lựa chọn chất lượng cho người tiêu dùng. Hơn nữa, những người giàu hơn có thể đầu tư vào một công ty và thuê nhiều nhân viên hơn những người nhận được các khoản trợ cấp và tiền lương. Nếu các quy định và thuế hợp lý, thì công ty sẽ phát triển, từ đó sẽ kích hoạt tăng trưởng việc làm và một loạt các sản phẩm và dịch vụ cho xã hội.
Chính phủ liên bang và tiểu bang không nên can thiệp ngoại trừ trong trường hợp xảy ra gian lận hoặc khi các doanh nghiệp có quy mô lớn hoặc vừa nỗ lực tạo ra sự độc quyền thông qua hăm dọa. Một ví dụ về gian lận là một trường cao đẳng kỹ thuật tư nhân hứa hẹn cho sinh viên tốt nghiệp có việc làm và không thực hiện được cam kết đó. Quảng cáo sai sự thật là một ví dụ khác về việc cần thiết phải có một số quy định.
Cuối cùng, cả ông Biden lẫn ông Newsom đều có thể sử dụng một khóa học về kinh tế trọng cung căn bản, bao gồm các chính sách tối thiểu, cắt giảm thuế, và chi tiêu thận trọng của chính phủ. Các ông Calvin Coolidge, John Kennedy, và Ronald Reagan đã sử dụng những nguyên tắc này để tạo ra sự phát triển năng động. Năng suất phải luôn vượt quá các khoản nợ trong cả khu vực tư nhân và công cộng. Thật không may, ông Biden và ông Newsom lại tán thành thứ vu thuật kinh tế được phát minh ra từ hư không, điều có thể bóp méo sự trao đổi hàng hóa và dịch vụ tự do. Các chính sách của họ cản trở sự thịnh vượng kinh tế, từ đó có thể làm xói mòn an ninh quốc gia của chúng ta.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times