Trung Quốc và Hoa Kỳ: Liệu chiến tranh mạng có dẫn đến chiến tranh toàn diện?
Liệu các cuộc tấn công mạng do Bắc Kinh hậu thuẫn nhắm vào Hoa Kỳ gần đây có dẫn đến chiến tranh không? Đây chính là câu hỏi mà nhà kinh tế học người Mỹ David P. Goldman đã đặt ra gần đây. Đó là một câu hỏi quan trọng, thậm chí mang tính sống còn để hỏi và cũng là một câu hỏi rất khó để trả lời.
Tuy nhiên, tháng trước (07/2021), Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo rằng các cuộc tấn công mạng gần đây, bao gồm cả những cuộc tấn công mạng vào các cơ quan chính phủ và cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ, rất có thể dẫn đến một “cuộc chiến bằng súng đạn.” Ông Biden tiếp tục, “Tôi nghĩ có nhiều khả năng chúng ta sẽ bước vào một kết cục—à, nếu chúng ta kết thúc với một cuộc chiến, một cuộc chiến tranh bằng súng đạn thực sự với một cường quốc, thì đó sẽ là hậu quả của một vụ tấn công mạng với hậu quả nghiêm trọng.” “Cường quốc” đó, tất nhiên, là Trung Quốc.
Như ông Goldman lưu ý, “những lời nhận xét của ông Biden đã được đưa ra trong một văn bản do văn phòng báo chí Tòa Bạch Ốc phát hành.” Chúng không phải là sản phẩm của một “cơn ngẫu hứng tự phát.” Không, chúng là cố ý. Ngoài ra, chúng là cần thiết. Hồi cuối tháng Bảy, Hoa Kỳ và một số đồng minh đã chỉ trích Trung Cộng vì đã tấn công Microsoft. Những lời chỉ trích nhắm vào Trung Cộng không có gì mới. Người ta cho rằng sẽ cần nhiều hơn là những tuyên bố gay gắt bằng lời lẽ để răn đe ông Tập Cận Bình và các đồng sự cộng sản của ông ta.
Trung Cộng muốn gì?
Khi nói đến chiến tranh toàn diện về công nghệ, như chuyên gia an ninh mạng Nicole Perlroth đã lưu ý, Trung Cộng đang càng trở nên tinh vi. Các cuộc tấn công gần đây nhất phản ánh một sự tinh vi mà trước đây tuyệt nhiên vắng bóng. Như bà Perlroth viết, “chúng [các cuộc tấn công] tiết lộ rằng Trung Quốc đã biến đổi thành một đối thủ kỹ thuật số tinh vi và trưởng thành hơn nhiều so với đối thủ đã làm chao đảo các quan chức Hoa Kỳ một thập kỷ trước.” Trung Cộng, từng được biết đến (và bị chế giễu) vì đã tiến hành “các vụ tấn công tương đối đơn giản vào các công ty, các tổ chức tư vấn và các cơ quan chính phủ ngoại quốc,” đang thể hiện một cách tiếp cận khéo léo hơn đối với chiến tranh mạng. Bà Perlroth viết, thời của “những email lừa đảo spear phishing” đã qua từ lâu. Ngày nay, nhà cầm quyền này đang “gây ra các cuộc tấn công kỹ thuật số lén lút, phi tập trung vào các công ty và các lợi ích của Hoa Kỳ trên toàn thế giới.” Các đơn vị của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), từng là thủ phạm của các email sơ sài, đã được thay thế bằng “một mạng lưới các nhà thầu vệ tinh tinh nhuệ là các công ty vỏ bọc và các trường đại học làm việc theo mệnh lệnh của Bộ An ninh Nhà nước của Trung Quốc.”
Mặc dù rất khó để xác định chính xác Trung Quốc đã trở thành một mối đe dọa mạng thực sự từ khi nào, nhưng sự nổi danh về tấn công mạng của quốc gia này có thể được bắt nguồn từ năm 2015, xung quanh khoảng thời gian ông Tập có chuyến thăm đầu tiên đến Tòa Bạch Ốc. Ngay trước khi ông đến, chính phủ cựu Tổng thống Obama đã đe dọa tấn công Trung Quốc bằng một loạt các biện pháp trừng phạt. Những lời đe dọa này được đưa ra sau khi các tin tặc Trung Quốc tấn công Văn phòng Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ, đánh cắp hơn 22 triệu hồ sơ nhân sự liên bang. Chính phủ ông Obama đã lên án, nhưng không làm gì thực chất. Rõ ràng là đã được khích lệ [bởi thành công bước đầu đó], các tin tặc này sẽ quay lại hết lần này đến lần khác.
Đến năm 2018, khi ông Donald Trump nhậm chức, như bà Perlroth viết, các quan chức tình báo Hoa Kỳ đã ghi nhận một “sự thay đổi” sâu sắc. Các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi hơn về bản chất và các tin tặc giờ đây đã làm việc “theo lệnh của Bộ An ninh Nhà nước,” một nhánh của chính quyền nổi tiếng với việc giải quyết các vấn đề tình báo và an ninh. Các tân binh bao gồm “các kỹ sư từng làm việc cho một số công ty công nghệ hàng đầu của đất nước.” Bà Perlroth tự hỏi liệu những tân binh này có phải là người kiêm nhiệm cho nhà nước hay không, hay họ chẳng có mấy lựa chọn ngoài việc làm “bất cứ điều gì mà nhà nước yêu cầu.” Đây là một câu hỏi khá thừa. Việc họ có được tuyển dụng công bằng hay không không phải là điểm mấu chốt. Các chuyên gia này đã chứng minh là mang lại hiệu quả cao.
Như các nhà nghiên cứu tại RAND Corporation đã cảnh báo, chiến tranh mạng không chỉ đơn thuần là máy điện toán và mã lập trình. Đó là “chiến tranh chiến lược trong thời đại thông tin,” có thể sánh ngang với “chiến tranh nguyên tử trong thế kỷ 20.” Nói cách khác, như nhà nghiên cứu Lyu Jinghua đã lập luận, “chiến tranh mạng có ý nghĩa to lớn hơn nhiều đối với an ninh quốc gia.” Cuộc chiến này “liên quan đến sự cạnh tranh trong các lĩnh vực ngoài quân sự, chẳng hạn như kinh tế, ngoại giao, và phát triển xã hội.”
Một cái nhìn thoáng qua vào chiến lược quân sự của Trung Cộng giúp chúng ta hình dung về ý đồ của nhà cầm quyền này trong tương lai. Trung Cộng muốn nâng cao “nhận thức về tình hình không gian mạng,” cũng như “khả năng phòng thủ trong không gian mạng, hỗ trợ cho các nỗ lực của đất nước trong không gian mạng, và tham gia vào hợp tác không gian mạng quốc tế.” Phần cuối cùng, “hợp tác không gian mạng,” là đặc biệt nực cười. Cùng với người Nga, Trung Cộng là đối thủ mạng lớn nhất đang hiện hữu [của Hoa Kỳ]. Trung Cộng được biết đến với nhiều điều, nhưng hợp tác không phải là một trong số đó.
Với việc Trung Cộng mong muốn trở thành một siêu cường thống trị không gian mạng, chúng ta hãy dự tính rằng các cuộc tấn công này sẽ còn tiếp diễn. Việc đánh cắp tài sản trí tuệ, điều mà Trung Cộng làm rất giỏi, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực không gian mạng của Trung Quốc. Điều này đưa chúng ta trở lại với câu hỏi của ông Goldman: liệu xung đột trên mạng có dẫn đến xung đột vật lý không? Mặc dù chúng ta không thể trả lời câu hỏi này một cách chắc chắn, nhưng Hoa Kỳ và các đồng minh của họ phải giải quyết mối đe dọa từ Trung Cộng không chỉ bằng sự mạnh miệng. Trong một tương lai không-xa-lắm, viễn cảnh xung đột vật lý này, có thể là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay những nơi khác, rất có thể trở thành một hiện thực tàn khốc.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và các tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một ký giả chuyên mục tại Cointelegraph.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: