Trung Quốc: Tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2021
Theo dữ liệu chính thức được công bố vào ngày 17/01/2022, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm năm thứ năm liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ khi chế độ cộng sản này giành quyền kiểm soát đại lục.
Tỷ lệ sinh giảm sút nhanh chóng này cường hóa những thách thức liên tục của chính quyền trong việc tăng dân số khi nước này phải tận lực đối phó với vấn đề dân số già và tình trạng thiếu lao động sắp xảy ra. Năm 2016, chính quyền đã loại bỏ “chính sách một con” kéo dài gần năm thập niên để thúc đẩy tăng trưởng dân số, mặc dù chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở đô thị cũng khiến cho các cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con.
Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng việc dân số Trung Quốc đang suy giảm có thể hạn chế triển vọng tăng trưởng kinh tế và cản trở tham vọng của Bắc Kinh.
Năm ngoái (2021), đã có 10.62 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra, khi tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp nhất là 7.52 trên 1,000 người, mức thấp nhất kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm quyền kiểm soát đất nước vào năm 1949, cũng là thời điểm mà Cục Thống kê Quốc gia (NBS) bắt đầu thu thập dữ liệu.
Theo dữ liệu do NBS công bố vào ngày 17/01, tỷ lệ gia tăng tự nhiên của dân số Trung Quốc, không tính di cư, chỉ là 0.034% trong năm 2021. Con số này đánh dấu mức thấp nhất kể từ năm 1960, là thời điểm xảy ra nạn đói lớn – hậu quả của chiến dịch Đại Nhảy Vọt của ĐCSTQ theo ước tính đã làm thiệt mạng hàng chục triệu người.
Ông Trương Chí Vĩ (Zhang Zhiwei), nhà kinh tế học cao cấp nhất tại Công ty Quản lý Tài sản Pinpoint, cho biết: “Thách thức về nhân khẩu học là vấn đề nổi cộm nhưng tốc độ già hóa dân số rõ ràng là nhanh hơn dự kiến.” Ông Trương gợi ý rằng dân số Trung Quốc có thể đã đạt đến đỉnh điểm vào năm 2021.
Một chuyên gia khác cho biết dân số của đất nước này có thể đã bắt đầu suy giảm.
Dữ liệu của NBS cho thấy có 10.14 triệu ca tử vong vào năm 2021, thấp hơn một chút so với 10.62 triệu ca sinh, đẩy tổng dân số xuống còn 1.43 tỷ người.
Ngoài tỷ lệ sinh giảm thì dân số cũng già đi nhanh chóng. Dữ liệu gần đây cho thấy có tới 267.36 triệu người trên 60 tuổi, chiếm gần 19% dân số cả nước. Dân số trong độ tuổi lao động, từ 16 đến 59 tuổi, chiếm 62.5% dân số cả nước.
Dân số Trung Quốc phần lớn được định hình bởi chính sách một con mà chính quyền cộng sản đưa ra vào năm 1979.
Chính sách khét tiếng này đã hạn chế nghiêm ngặt các cặp vợ chồng buộc chỉ được sinh một con. Những gia đình nào vi phạm quy định trên phải đối mặt với các khoản tiền phạt, mất việc làm, cưỡng bức triệt sản, và thậm chí bị cưỡng ép phá thai. Biện pháp hạn chế sinh đẻ này cũng dẫn đến mất cân bằng giới tính, do thiên hướng văn hóa muốn sinh con trai nối dõi. Dữ liệu mới cho thấy nam giới nhiều hơn nữ giới 33.62 triệu người.
Giờ đây, nhà cầm quyền này lại muốn các cặp vợ chồng sinh ba con. Tháng 08/2021, chính quyền cộng sản đã ban bố chính sách ba con, và một số chính quyền địa phương đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ như một phần trong nỗ lực của nhà cầm quyền nhằm thay đổi cơ cấu dân số của Trung Quốc.
Nhưng những chính sách này đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự đồng tình của dân chúng, với việc ngày càng có nhiều người trẻ từ bỏ con đường lập gia đình truyền thống. Dữ liệu chính thức cho thấy, đăng ký kết hôn đã giảm năm thứ bảy liên tiếp trong năm 2020.
Theo một cuộc khảo sát do Đoàn Thanh niên Cộng sản – một tổ chức chi nhánh của ĐCSTQ – mới thực hiện, chi phí nuôi dạy một đứa con cao ngất ngưởng và giá bất động sản cao là những lý do chính khiến người trẻ tuổi không muốn kết hôn.
Nhà kinh tế học nổi tiếng người Trung Quốc Nhậm Trạch Bình (Ren Zeping), trong một bài viết gần đây được đăng trên Weibo – một nền tảng giống Twitter, đã gợi ý rằng các nhà chức trách nên chi 314 tỷ USD mỗi năm để tăng tỷ lệ sinh. Tài khoản mạng xã hội của ông Nhậm đã bị chặn sau khi bài viết này được lan tỏa rộng rãi.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: