Một thông điệp gồm ba từ trong tiếng Anh được xem là quá “chính trị” để được quảng bá tại một trong những chuỗi mua sắm lớn nhất của Úc.
“Trung Quốc trước thời cộng sản” (China Before Communism) là thông điệp của công ty vũ đạo Trung Hoa cổ điển có trụ sở tại New York — Shen Yun Performing Arts, lưu diễn khắp thế giới, mang đến những nét phác họa về một Trung Quốc trước khi cộng sản giành chính quyền vào năm 1949.
Nhưng đối với đại trung tâm mua sắm Westfield thì thông điệp này lại quá nhạy cảm. Họ đã nói với những người tổ chức quảng bá của đoàn nghệ thuật này rằng cụm từ đó đi ngược lại chính sách mang tính phi chính trị của họ.
“Tôi hoàn toàn đồng ý với chính sách mang tính phi chính trị [của chủ sở hữu Westfield]. Vấn đề là cách họ lý giải về thế nào là ‘mang tính chính trị,’” bà Triệu Ngọc Linh (Lucy Zhao), phát ngôn viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Úc, nhà tổ chức Shen Yun tại địa phương, nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.
Cụm từ “‘Trung Quốc trước thời cộng sản’ là giới thiệu về những gì Shen Yun đang triển hiện. Đó đơn giản là một thực tế, thậm chí còn không phải là chính trị,” bà Triệu cho biết.
Shen Yun đã dùng thông điệp “Trung Quốc trước thời cộng sản” vào năm 2022 và đã sử dụng thông điệp này trong các chiến dịch quảng bá trên toàn thế giới.
Công ty Shen Yun được thành lập bởi các nghệ sĩ múa và các nhạc công đến từ Trung Quốc, những người buộc phải đào thoát khỏi quê hương của mình do cuộc bức hại tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
Kể từ đó, Shen Yun đã phát triển để trở thành một hiện tượng toàn cầu với sứ mệnh hồi sinh các truyền thống cổ xưa của âm nhạc và vũ đạo Trung Hoa cổ điển, đồng thời thu hút sự chú ý đến cuộc bức hại mà nhiều nghệ sĩ biểu diễn đã trực tiếp trải qua.
Shen Yun hiện đang biểu diễn tại hơn 150 thành phố trên khắp châu Úc, châu Âu, Bắc Mỹ, và châu Á và được hoan nghênh nhiệt liệt.
Lời phàn nàn của Scentre Group
Các nhà tổ chức địa phương đã được thông báo về những lo ngại xung quanh thông điệp này khi họ cố gắng thuê một gian hàng quảng bá nằm trong trung tâm mua sắm Burwood của chuỗi mua sắm Westfield ở Sydney, tọa lạc tại một khu vực có nhiều người nói tiếng Hoa.
Shen Yun dự kiến sẽ biểu diễn tại Nhà hát Lyric Sydney nằm trong Star Casino từ ngày 27/04 đến ngày 07/05.
“Để nhắc lại một lần nữa nội dung cuộc họp của chúng tôi, chúng tôi có các hướng dẫn nghiêm ngặt về chính trị mà tất cả mọi khách hàng đều phải tuân theo,” một người quản lý từ Scentre Group (chủ sở hữu của Westfield) nói với các nhà tổ chức trong một thư điện tử mà The Epoch Times xem được.
“Tôi hiểu đây không phải là mục đích của quý vị khi đưa ra thông điệp này. Tuy nhiên, chính sách kinh doanh của chúng tôi quy định thông điệp mang tính chính trị là bất kỳ nội dung truyền thông nào mang tính quảng cáo hoặc tiếp thị về một đảng phái chính trị, dân biểu hoặc ứng cử viên, nghiệp đoàn hoặc nhóm vận động hành lang, hoặc các vấn đề mà công chúng quan tâm, cho dù có gây tranh cãi trong dư luận hay không.”
“Quy định này nhằm bảo đảm rằng các trung tâm mua sắm của chúng tôi được nhìn nhận là một trung tâm kết nối xã hội thân thiện trong cộng đồng và không được sử dụng như một nền tảng cho, hoặc được xem là ủng hộ một nhóm hay một quan điểm chính trị cụ thể nào.”
Bà Triệu nói rằng người quản lý này đã trả lời nhanh nhẹn các câu hỏi về vấn đề này.
“Tôi đã nói với người quản lý rằng chúng tôi rất sẵn lòng gặp gỡ và trò chuyện với nhóm điều hành hoặc tổ chức một cuộc họp trực tuyến, và ông ấy nói rằng ông ấy có thể chuyển thông điệp này tới họ,” bà cho hay.
Tuy nhiên bà Triệu vẫn chưa nhận được hồi âm.
The Epoch Times đã được thông báo rằng quy định cấm này áp dụng cho toàn bộ hệ thống trung tâm mua sắm của chuỗi Westfield, ảnh hưởng đến những nỗ lực quảng bá của Shen Yun tại cả Canberra và Adelaide.
Westfield thuộc sở hữu của Scentre Group, tập đoàn điều hành 37 trung tâm mua sắm Westfield ở Úc và năm trung tâm ở New Zealand. Gia tộc sáng lập Lowy đã bán cổ phần còn lại cuối cùng của họ trong doanh nghiệp này vào năm 2019 cho UBS.
Tuy nhiên Scentre không phải là tập đoàn duy nhất lo ngại về thông điệp kể trên.
Hội đồng thành phố Sydney, quản lý Khu phố Chinatown, cũng miễn cưỡng cho phép nhóm những nhà tổ chức này quảng bá thông điệp “Trung Quốc trước thời cộng sản” trên các pano treo tại hệ giàn đèn giao thông.
“Tôi không muốn đổ lỗi cho bất cứ ai. Cũng là lẽ tự nhiên thôi khi mọi người muốn làm người khác hài lòng và không muốn làm phật ý bất kỳ ai,” ông William Wei, một đồng nghiệp của bà Triệu cho biết.
Scentre Group đã không phúc đáp các câu hỏi từ The Epoch Times trước thời điểm phát hành bản tin này. New South Wales (NSW) Fair Trading và Hiệp hội các Nhà bán lẻ Úc cũng đã được liên hệ để đề nghị bình luận.
Thật khó để tìm câu trả lời rõ ràng
Văn phòng của Bộ trưởng đa văn hóa tiểu bang New South Wales, ông Mark Coure, cho biết các câu hỏi nên được gửi tới “các bộ trưởng liên bang” vì quy định cấm này áp dụng cho các trung tâm mua sắm Westfield trên toàn quốc.
Sau đó, The Epoch Times được Bộ Nội vụ liên bang, cơ quan điều hành Hội đồng Đa văn hóa Úc, cho biết rằng vấn đề này không thuộc thẩm quyền của Bộ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Lãnh thổ Thủ đô, ông Shane Rattenbury cho biết Scentre Group là bên phù hợp nhất để bình luận về vấn đề này.
Ông nói trong một tuyên bố gửi The Epoch Times: “Có một loạt những đắn đo mà các công ty tư nhân có thể cân nhắc khi xác định loại quảng cáo nào họ cho phép xuất hiện trên các nền tảng của mình, và mỗi công ty là bên phù hợp nhất trong việc tiếp nhận thắc mắc và giải thích các chính sách riêng của họ.”
“Chẳng hạn, tôi biết từ hoạt động vận động tranh cử của chính chúng tôi, rằng nhiều công ty không cho phép quảng cáo chính trị trong các cơ sở của họ, một chính sách được áp dụng bình đẳng giữa tất cả các đảng phái chính trị.”
Trước đó ông Rattenbury đã xem Shen Yun hồi năm 2022 tại Canberra.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Tự Do của tiểu bang Queensland, ông Gerard Rennick, cho biết ông “cảm thấy khó xử” về vấn đề này.
“Tôi có thể hiểu tại sao Westfield không muốn liên quan đến chính trị vì họ không được chuẩn bị để ứng phó với các sự kiện chính trị,” ông nói với The Epoch Times qua thư điện tử. “Không có gì là lạ khi các trung tâm mua sắm cấm bất kỳ loại sự kiện chính trị nào, vì vậy việc này không nhất thiết là một vấn đề về việc không đứng lên phản đối Trung Quốc.”
“Tuy nhiên, họ nên nhất quán.”
Cựu Thượng nghị sĩ tiểu bang Tasmania, ông Eric Abetz nói rằng mặc dù các chủ sở hữu địa ốc có quyền xác định ai đã thuê hoặc quảng cáo trên địa phận thuộc không gian của họ, nhưng ông cảnh báo không nên ưu tiên một số quan điểm hơn những quan điểm khác.
Ông nói với The Epoch Times qua thư điện tử: “Khi Westfield nói với thế giới rằng họ có một văn hóa công ty dựa trên các giá trị về ‘sự dũng cảm’ và ‘đạo đức’ cùng những giá trị khác, thì người ta không thể không suy nghĩ về các tiêu chuẩn kép và sự rụt rè được thể hiện qua việc từ chối quảng bá cho chuyến lưu diễn của một đoàn vũ đạo.”
“Có nguồn gốc văn hóa từ hàng thiên niên kỷ trước, việc Shen Yun quyết tâm tiếp tục hệ thống vũ đạo đẳng cấp thế giới này bất chấp cuộc đàn áp về văn hóa nên được đón nhận và tôn vinh vì ‘sự dũng cảm’ của họ, đây lại chính là giá trị đầu tiên trong số sáu giá trị mà Westfield tuyên bố công khai.”
ASIO cảnh báo: Các nhà lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp phải đối mặt với lựa chọn khó khăn liên quan đến Bắc Kinh
Những phản ứng trái chiều kể trên nêu bật sự nhầm lẫn đang diễn ra giữa các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp Úc về cách đương đầu với các mối đe dọa từ đảng cộng sản cầm quyền của Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Mike Burgess, người đứng đầu Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO), cho biết cơ quan gián điệp trong nước phải đối mặt với áp lực nhằm giảm bớt các cuộc điều tra về các nỗ lực can thiệp của ngoại quốc vào Úc — mà Bắc Kinh là thủ phạm chính.
Trong một bài diễn văn hồi tháng Hai, ông Burgess cho biết những nhân vật “cao cấp” trong nước tin rằng hoạt động gián điệp và sự can thiệp của ngoại quốc nên được “viên dung hoặc phớt lờ hoặc bằng cách nào đó được quản lý một cách an toàn.”
Ông nói: “Có các cá nhân trong giới doanh nghiệp, giới học thuật, và bộ máy hành chính đã nói với tôi rằng ASIO nên nới lỏng các phản ứng trong việc vận hành của mình để tránh làm mất lòng các chính quyền ngoại quốc.”
“Tất nhiên, họ có quyền nêu lên các quan điểm của mình, nhưng những lý do họ đưa ra rất thiếu cơ sở, chẳng hạn như: ‘các quốc gia đều do thám lẫn nhau’; ‘đằng nào thì chúng ta cũng sẽ công khai thông tin thôi’; ‘hành động đó chẳng khác gì vận động hành lang hay gây dựng mạng lưới quan hệ’; ‘chính quyền ngoại quốc đó có thể gây khó khăn cho chúng ta’; và v.v.”
“Theo quan điểm của tôi, bất kỳ ai nói những điều này đều nên nhìn lại cam kết của họ đối với nền dân chủ, chủ quyền, và các giá trị của Úc — bởi vì hoạt động gián điệp và sự can thiệp của ngoại quốc được trù tính một cách có chủ đích nhằm làm suy yếu nền dân chủ, chủ quyền, và các giá trị của Úc.”
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, chiếm 32.2% kim ngạch thương mại. Úc cũng đã chào đón nhiều người Trung Quốc nhập cư, nhiều người trong số họ ưa thích học tập hoặc sinh sống ở quốc gia này hơn vì các vấn đề do luật lệ áp bức dưới sự cai trị của chế độ độc tài toàn trị của đảng cộng sản gây ra.
Ví dụ, số lượng những người Trung Quốc nhập cư tại Úc đã tăng lên đáng kể sau năm 1989 sau vụ Thảm sát Thiên An Môn tang tóc của ĐCSTQ, khi quân đội Trung Quốc nổ súng vào những sinh viên tụ tập ôn hòa ở Bắc Kinh để biểu tình yêu cầu thay đổi mang tính dân chủ.
Kể từ đó, ngôn luận ủng hộ các giá trị dân chủ tự do, giống như những giá trị mà Úc gìn giữ, đã bị cấm và thậm chí bị xem là nổi loạn theo cái gọi là “Luật An ninh Quốc gia” của ĐCSTQ — luật Trung Quốc này đang gây ra những biến động nghiêm trọng ở Hồng Kông ngày nay.
Tiếp tục gây áp lực nhằm xóa bỏ truyền thống
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kevin Andrews cho biết ông đã phải chịu áp lực từ “những người ủng hộ [ĐCSTQ], các doanh nhân có đầu tư ở Trung Quốc hoặc giao dịch với Trung Quốc, và thậm chí cả các đặc vụ của chính quyền đó” cấm nói về các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.
Ông viết trên The Epoch Times rằng, “Mặc dù hầu hết những người Trung Quốc nhập cư vào Úc đến đây để thoát khỏi chính quyền độc tài này và mang lại cho gia đình họ một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng không thể nhắm mắt làm ngơ trước sức ảnh hưởng của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của chính quyền này và các tác nhân gây ảnh hưởng khác.”
Trong khi đó, hành động cản trở mới nhất từ Scentre Group có thể sẽ làm tăng thêm những thách thức đối với Shen Yun trong nỗ lực hồi sinh nền văn minh 5,000 năm.
Kể từ năm 2006, các cá nhân, tổ chức, và lãnh sự quán địa phương có liên hệ với ĐCSTQ đã không tiếc công sức trong việc cố gắng ngăn Shen Yun lên tiếng, cũng như phá hoại chương trình biểu diễn này.
Các vụ việc bao gồm gây áp lực lên các nhân vật chính trị địa phương, thúc ép các địa điểm hủy bỏ hợp đồng, và điều động những người Trung Quốc làm việc cho ĐCSTQ tại địa phương can thiệp vào buổi biểu diễn này.
Trang web của Shen Yun cho biết, “Để cố gắng cản trở sự phát triển của Shen Yun, các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc đã đặc biệt tổ chức các cuộc họp với các hiệp hội sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Trong các cuộc họp này, họ đưa cho sinh viên Trung Quốc ở hải ngoại các tài liệu chứa thông tin giả về Pháp Luân Đại Pháp và Shen Yun.”
“Mặc dù ĐCSTQ sử dụng những chiến thuật này, nhưng họ đã không thể ngăn cản được các buổi biểu diễn đó. Shen Yun hiện đang lưu diễn trên khắp thế giới, biểu diễn tại hơn 150 thành phố mỗi năm; hầu hết các buổi diễn đều cháy vé.”