Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế lần thứ 10 của đài truyền hình NTD quảng bá vũ đạo truyền thống đích thực
Mạng lưới truyền hình toàn cầu NTD đang mở cuộc thi vũ đạo Trung Hoa cổ điển lần thứ 10, với sứ mệnh quảng bá vũ đạo truyền thống thuần khiết, đích thực, và thúc đẩy giao lưu văn hóa.
Là một phần trong chuỗi sự kiện văn hóa và nghệ thuật do đài truyền hình NTD tổ chức, Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế hướng tới việc khôi phục loại hình nghệ thuật cổ xưa có nguồn gốc từ nền văn minh năm ngàn năm, nhưng gần như đã thất truyền sau nhiều thập niên bị chế độ cộng sản Trung Quốc thương mại hóa và đàn áp về ý thức hệ.
Ban tổ chức lưu ý rằng vũ đạo Trung Hoa cổ điển đích thực khác với múa ballet hay múa hiện đại. “Mặc dù múa hiện đại có các động tác và kỹ thuật từ vũ đạo Trung Hoa cổ điển, nhưng [múa hiện đại] không hàm chứa các tiêu chuẩn thẩm mỹ truyền thống của vũ đạo Trung Hoa cổ điển,” ban tổ chức chia sẻ trên trang web của họ.
Với chủ đề vũ đạo cổ điển thuần túy, sự kiện này sẽ không chỉ yêu cầu kỹ năng kỹ thuật mà còn yêu cầu khả năng diễn giải cũng như khắc họa các giá trị và nhân vật truyền thống trong phần biểu diễn của các thí sinh.
“Khi bạn múa, bạn cần rất nhiều kỹ năng nghệ thuật, chứ không chỉ có kỹ năng vũ đạo, để múa,” bà Trương Minh Huệ, một giám khảo của Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Trung Hoa lần thứ 9 của đài truyền hình NTD cho biết.
“Có nhiều yếu tố đào sâu vào sự phát triển kỹ năng nghệ thuật của một nghệ sĩ, từ năng khiếu âm nhạc cho đến sự phát triển về cảm thụ thẩm mỹ của bạn, văn hóa, sự am hiểu của bạn về ý nghĩa của việc làm người. Vì vậy, khi bạn múa, đó là sự biểu đạt của tất cả những yếu tố này, vì bạn đang thổi hồn vào một nhân vật,” bà chia sẻ.
Theo bà Trương, vũ đạo Trung Hoa cổ điển là một loại ngôn ngữ hình thể “xuất phát từ tâm trí của bạn, và từ nội tâm của bạn, chứ không chỉ từ đôi tay, đôi chân và động tác của bạn.”
Do đó, một nghệ sĩ múa phải có một động cơ thuần khiết.
“Động cơ theo đuổi nghệ thuật của bạn cần phải thuần khiết, vì chỉ khi đó bạn mới có thể mở lòng đón nhận cảm hứng, và trực giác,” ông Cổ Vận, biên đạo múa cho Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun ở vùng Upstate New York, người từng là một trong những giám khảo cuộc thi vũ đạo năm 2021 của đài truyền hình NTD chia sẻ.
“Bạn cần ghi nhớ, vũ đạo không phải là khoa học; đó là sự kết hợp và bài trí nhiều cung bậc cảm xúc và những yếu tố không thể nắm bắt được cũng không thể đo lường được,” ông nói thêm.
Từ các giảng viên cho đến học viên, tất cả nghệ sĩ múa ở độ tuổi từ 13 đến 40 đều có thể ghi danh tại trang dance.ntdtv.com. Các thí sinh dưới độ tuổi 18 được yêu cầu có một người giám hộ hợp pháp ký tên vào đơn ghi danh. Hạn chót [ghi danh] là ngày 01/08.
Các thí sinh sẽ biểu diễn một bộ các kỹ năng bắt buộc và một bài vũ đạo trong các vòng thi sơ khảo.
Các thí sinh lọt vào vòng chung khảo sẽ dự thi ở New York vào tháng Chín. Đài truyền hình NTD sẽ phát sóng trực tiếp cuộc thi này tới hàng triệu khán giả trên toàn thế giới qua các mạng lưới truyền hình và nền tảng truyền thông xã hội của đài. Đài truyền hình NTD là hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
Các thí sinh đạt giải sẽ nhận huy chương và giải thưởng bằng tiền mặt, đồng thời sẽ được phỏng vấn về kinh nghiệm mà họ chuẩn bị cho cuộc thi, cũng như quan điểm của họ về vũ đạo Trung Hoa cổ điển.
Cô Hoàng Duyệt, một nghệ sĩ đạt huy chương vàng ở hạng mục nữ thiếu niên trong cuộc thi vũ đạo lần thứ tám, đã chia sẻ lý giải mới của cô về loại hình nghệ thuật cổ xưa khi cô tham gia cuộc thi lần nữa vào năm 2021.
“Tôi đã từng nghĩ về vũ đạo như là biểu diễn, các động tác và tư thế múa, và kỹ thuật. Tuy nhiên, tôi tiếp tục khám phá ra rằng vũ đạo Trung Hoa cổ điển có hàm nghĩa thâm sâu hơn nhiều. Vũ đạo Trung Hoa cổ điển có nguồn gốc từ nền văn minh 5,000 năm, loại hình vũ đạo này có thể biểu đạt các cảm xúc trong tâm của bạn, cũng như biểu đạt toàn bộ trải nghiệm nhân sinh của cá nhân nghệ sĩ múa,” cô Hoàng chia sẻ sau khi biểu diễn tiết mục vũ đạo của mình, một màn độc diễn mang tên “Spring Rain” (Sơ xuân Tế vũ), ở New York vào tháng 09/2021.
Cô Hoàng, người đã mang về một huy chương vàng khác trong cuộc thi vũ đạo Trung Hoa cổ điển lần thứ chín, chia sẻ rằng, “Tham gia cuộc thi này là một cơ hội tuyệt vời để cải thiện bản thân.”
Bản tin có sự đóng góp của Shi Ping, Catherine Yang, và Leo Timm
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times