Trung Quốc triệu hồi đại sứ tại Lithuania vì cho phép mở văn phòng Đài Loan
Hôm 10/08, Trung Cộng đã triệu hồi đại sứ của họ tại Lithuania và trục xuất đại diện hàng đầu của quốc gia Baltic này tại Bắc Kinh vì đã quyết định cho phép Đài Loan tự trị mở một văn phòng đại diện tại Lithuania dưới tên riêng của họ.
Trung Cộng tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình và không có quyền công nhận ngoại giao, mặc dù hòn đảo này duy trì liên kết không chính thức với tất cả các quốc gia lớn thông qua các văn phòng thương mại hoạt động như các đại sứ quán trên thực tế, trong đó có ở Hoa Kỳ và Nhật Bản. Áp lực từ Trung Cộng đã làm giảm các đồng minh ngoại giao chính thức của Đài Loan xuống chỉ còn 15 đồng minh.
Trong khi đó, hôm 10/08, Đài Loan đã phản đối ban quản lý Liên hoan Phim Venice sau khi các tác phẩm dự thi của họ được cho là đến từ “Đài Bắc Trung Quốc,” theo những gì họ nói là áp lực từ Trung Cộng. Thuật ngữ này thường được sử dụng ở các quốc gia khác để không làm mất lòng Bắc Kinh.
Hồi tháng trước (07/2021), Đài Loan và Lithuania đã đồng ý rằng văn phòng ở thủ đô Vilnius – dự kiến mở cửa vào mùa thu này – sẽ mang tên Đài Loan chứ không phải Đài Bắc Trung Quốc.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Lithuania hủy bỏ quyết định của mình.
Tuyên bố đề cập đến “những hậu quả tiềm ẩn” đối với Lithuania nếu họ cho phép văn phòng này mở cửa, nhưng không đưa ra chi tiết.
Bộ Ngoại giao Lithuania bày tỏ lấy làm tiếc về các hành động của Trung Quốc và nhấn mạnh rằng mặc dù tôn trọng chính sách “một Trung Quốc,” họ sẵn sàng phát triển mối liên kết đôi bên cùng có lợi với Đài Loan, giống như nhiều nước khác trên thế giới.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Âu Giang An (Joanne Ou) đã hoan nghênh điều mà bà gọi là “ý chí kiên định của Lithuania để bảo vệ khái niệm về tự do và lòng tự trọng quốc gia.”
Bà Ou nói, “Hai bên sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi trong các lĩnh vực trên cơ sở các giá trị phổ quát như dân chủ, tự do và nhân quyền.”
Ngoài ra, bà Trần Vịnh Thiều (Kendra Chen), Phó giám đốc Vụ Âu Châu của Bộ Ngoại giao cho biết các nhà tổ chức Liên hoan Phim Venice được khuyến khích gọi các tác phẩm dự thi của hòn đảo tự trị này là đến từ Đài Loan. Các tác phẩm này đang xuất hiện dưới tên Đài Bắc Trung Quốc trên trang web của liên hoan phim.
Các nhà ngoại giao của Đài Loan sẽ duy trì liên lạc với các nhà tổ chức và sử dụng nhiều kênh để “tiếp tục chiến đấu để bảo đảm các tác phẩm dự thi của chúng tôi không bị tấn công và chủ quyền của chúng tôi không bị xâm phạm,” bà Trần nói với các ký giả tại một cuộc họp báo.
Cùng với việc tăng cường áp lực ngoại giao, Trung Cộng đang tăng cường đe dọa đưa Đài Loan vào tầm kiểm soát của họ bằng cách điều động chiến đấu cơ và chiến hạm xung quanh hòn đảo này.
Hồi tháng 02/2021, trước áp lực từ Trung Quốc, Guyana đã hủy bỏ việc cho phép Đài Loan mở một văn phòng thương mại và đầu tư tại quốc gia Nam Mỹ này.
Lần cuối cùng Đài Loan thành lập một văn phòng đại diện tại Âu Châu là vào năm 2003 tại Bratislava, Slovakia. Đài Loan hiện điều hành 110 văn phòng đại diện tại 72 quốc gia, theo Bộ Ngoại giao nước này.
Do Associated Press thực hiện
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: