Trung Quốc: Tình hình dịch bệnh tiếp tục ‘nóng’ lên
Gần đây, tình hình dịch bệnh COVID-19 lại một lần nữa nóng lên ở Trung Quốc. Bệnh viện Đa khoa Đại học Thâm Quyến đã cấp cứu 3 bệnh nhân bị “thuyên tắc phổi” nặng trong vòng 10 ngày. Đồng thời, Bắc Kinh thành lập một trung tâm lớn chuyên nghiên cứu bệnh truyền nhiễm đường hô hấp.
Hôm 21/08, chủ đề “Ba người bị thuyên tắc phổi ở Thâm Quyến được đưa vào phòng ICU trong vòng 10 ngày” đã lọt vào danh sách tìm kiếm nóng trên các mạng xã hội ở Hoa lục. Tờ Đệ Nhất Hiện Tràng thuộc Tập đoàn Phát thanh và Truyền hình Thâm Quyến đưa tin cho hay Bệnh viện Đa khoa Đại học Thâm Quyến đã tiếp nhận và cấp cứu nhiều bệnh nhân “thuyên tắc phổi” nặng trong 10 ngày qua.
Một trong số đó là một nam thanh niên khoảng 20 tuổi, ngồi bất động hồi lâu trên tàu cao tốc, sau khi xuống tàu thì ngất xỉu và ngừng tim đột ngột 4 lần; người thứ hai là một nhân viên công ty khoảng 30 tuổi, đến bệnh viện điều trị sau hai tuần bị đau ngực; người còn lại là một phụ nữ họ Lý, khoảng 60 tuổi, đột nhiên bị khó thở, cơ thể lạnh buốt, môi tím và đổ mồ hôi lạnh.
Bà Lý cho biết gần đây bà thường tức ngực và đau. Bà nghĩ rằng mình bị cảm lạnh, nên mua thuốc về uống nhưng không khỏi, sau đó bà đột nhiên không thể chịu đựng nữa. Gia đình đã đưa bà đến khoa cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đại học Thâm Quyến. Lượng oxy trong máu của bà Lý xuống dưới 80% và bà được đưa đến phòng ICU sau khi đặt nội khí quản khẩn cấp. Kết quả kiểm tra cuối cùng cho thấy bà bị thuyên tắc phổi nghiêm trọng. Sau khi được phẫu thuật, tình trạng của bà đã thuyên giảm.
Bài báo trên nói rằng, thời tiết mùa hè nắng nóng, nếu ít uống nước và ít vận động sẽ dễ dẫn đến hình thành cục máu đông. Tuy nhiên, cư dân mạng không tin vào cách giải thích này.
“Sợ nhắc đến COVID, sợ bỏng miệng đúng không?”; “Thoạt nhìn thì chính là do COVID gây ra”; “Biết là chuyện gì đang xảy ra, nhưng không ai dám nói chuyện gì đang xảy ra”; “Di chứng của phản ứng đầu tiên đã đến?”; “Uống ít nước đã trở thành kẻ bị đổ lỗi, nghi ngờ cao đó là di chứng của một loại virus nào đó”; “Đã thống kê cẩn thận chưa, không chỉ có ba trường hợp đâu.”
Một số cư dân mạng khác để lại lời nhắn:
“Người bạn thân nhất của tôi đã mất vì tắc mạch phổi. Anh ấy 25 tuổi. Anh ấy thường xuyên ho đến mức phải đấm ngực, nhưng cũng không để ý, cho rằng không sao. Lúc chơi bài xong, anh ấy bất ngờ ngã xuống đất. Sau ba ngày cấp cứu, vẫn không qua khỏi”;
“Tôi [xét nghiệm COVID] dương tính hai lần, và huyết áp của tôi bất thường trong một thời gian sau đó. Khi huyết áp tăng cao, tôi cảm hoa mắt chóng mặt.”
“Tuần trước, đồng nghiệp của tôi cũng bị tắc mạch phổi. Trên đường đi làm, anh ấy bị ngất xỉu, hiện tại vẫn hôn mê.”
Trương mục Weibo nổi tiếng “Phương Não Xác Đặng Bạc Vân” (方脑壳邓铂鋆) đã có bài đăng viết rằng: “Huyết khối trong hệ thống động mạch hoặc tĩnh mạch là một trong những biến chứng chính sau khi nhiễm COVID-19. Nhiễm COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ huyết khối, trong đó thuyên tắc phổi cấp tính là bệnh huyết khối phổ biến nhất.”
Trong những ngày gần đây, cư dân mạng từ khắp Hoa lục đã đăng tải tin tức cho rằng dịch bệnh COVID lần lượt xuất hiện ở những người xung quanh và những người mà họ biết rõ.
Hôm 18/08, cư dân mạng “Lâm Bộ Lý” (林步里) đã viết: “Trên tàu cao tốc G1189 đi Thâm Quyến, nửa đầu toa xe đầy trẻ em đang khóc; nửa sau là một nhóm du học sinh người Hồng Kông nào đó có khoảng chục người đang sốt, họ thậm chí còn đi tới đi lui sờ xem ai bị sốt nặng nhất.”
Một cư dân mạng ở Bắc Kinh cho biết: “Vào cuối tháng Bảy, tại các phòng khám sốt ở Bắc Kinh có hơn 20 trường hợp dương tính một ngày, đến giữa tháng Tám thì có 120 trường hợp dương tính trong một ngày. Hãy suy nghĩ về tốc độ tăng vọt này.”
Một cư dân mạng ở Thượng Hải cho biết: “Số người bị ho trong công ty đã tăng lên đáng kể. Thậm chí sau một đêm xuất hiện thêm mấy người đeo khẩu trang.”
Giới chức Bắc Kinh có hành động mới
Hôm 21/08, Nhật Báo Bắc Kinh đưa tin cho hay, hôm 20/08, Trung tâm lớn Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm Đường hô hấp Bắc Kinh đã được thành lập. Trung tâm này dựa theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Thành phố (Học viện Y tế Dự phòng Thành phố), liên hợp với Bệnh viện Địa Đàn Bắc Kinh, Bệnh viện Hữu An, Bệnh viện Triều Dương, Bệnh viện Hung Khoa và Phòng thí nghiệm trọng điểm về Vi sinh vật gây bệnh và Miễn dịch học của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Trong đó, các nhóm nghiên cứu có liên quan của Viện Khoa học Y tế Trung Quốc và Phòng thí nghiệm Xương Bình của Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật đã tiến hành nghiên cứu. Ủy ban chuyên gia bao gồm 23 chuyên gia, trong đó có ông Thẩm Hồng Binh (Shen Hongbing), Vương Thần (Wang Chen), Cao Phúc (Gao Fu).
Tại cuộc họp, ông Vương Toàn Ý (Wang Quanyi), Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Bắc Kinh, cho biết các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp lây lan nhanh chóng và khó phòng ngừa, kiểm soát, đặc biệt là sau khi xuất hiện mầm bệnh mới có thể dễ dàng dẫn đến dịch bệnh trong khu vực hoặc đại dịch toàn cầu.
Sau khi trung tâm này được thành lập, người dân để lại tin nhắn: “Đây là tín hiệu gì vậy?”
Tiêu Luật Sinh thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ