Trung Quốc: Tình hình bùng phát bệnh nghiêm trọng, nhiều trẻ em nhiễm bệnh đường hô hấp, bệnh viện quá tải
Hiện nay, đối với người dân thành phố Bắc Kinh thì phải dùng từ “vô cùng, vô cùng nghiêm trọng” để mô tả tình hình bệnh hô hấp bùng phát lần này. Trong khi nhiều trẻ em bị nhiễm bệnh lặp lại nhiều lần, thì các bậc cha mẹ và giáo viên của các em cũng bị nhiễm bệnh. Triệu chứng nhiễm bệnh ở trẻ em chủ yếu là ho và sốt. Mới đây, tại ca trực đêm ở phòng khám nội khoa của Bệnh viện Nhi Bắc Kinh có khoảng 4,000 đến 5,000 người chen chúc trong không gian kín để chờ khám; đến rạng sáng vẫn còn có hơn 2,000 bệnh nhi đang chờ khám bệnh. Các bậc cha mẹ lo ngại về khả năng lây nhiễm chéo giữa các em nhỏ.
Tình hình lây nhiễm bệnh ở Bắc Kinh vô cùng nghiêm trọng, trẻ em bị nhiễm bệnh nhiều lần
Trong vài tháng gần đây, các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc đang tăng cao, một số người bị nhiễm nhiều mầm bệnh đường hô hấp cùng lúc. Tình hình “lây nhiễm bệnh đường hô hấp hỗn hợp” khiến người dân hoang mang lo sợ.
Bác sĩ Vương Nhất Dân (Wang Yimin), bác sĩ điều trị chuyên khoa hô hấp tại Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật, nói với truyền thông Hoa lục rằng: “Tình trạng nhiễm trùng hỗn hợp không phải là hiếm. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng hỗn hợp trên lâm sàng là virus và vi khuẩn hoặc virus và mycoplasma kết hợp.”
Bác sĩ Vương cho biết, gần đây, trẻ em chủ yếu bị nhiễm chủng vi khuẩn viêm phổi mycoplasma, sau đó kết hợp với các loại virus đường hô hấp thường gặp (như virus cúm, virus hợp bào hô hấp, virus adeno); người trưởng thành chủ yếu nhiễm virus gây bệnh đường hô hấp, sau đó kết hợp với nhiễm vi khuẩn viêm phổi mycoplasma.
Hôm 26/11, cô Lâm, một người dân ở Bắc Kinh, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, tình hình trẻ em nhiễm bệnh ở Bắc Kinh vô cùng nghiêm trọng. Hơn phân nửa học sinh của một trường học đã bị nhiễm bệnh gián tiếp hoặc trực tiếp. “Cả gia đình chúng tôi (vợ chồng và hai người con) đều bị nhiễm bệnh cùng lúc. Rất nhiều bậc cha mẹ ở Bắc Kinh cũng bị nhiễm bệnh. Các giáo viên cũng vậy.”
Cô Lâm cho biết triệu chứng chính của con gái cô khi nhiễm bệnh là ho. Triệu chứng đầu tiên của hầu hết những người nhiễm bệnh đều là ho. Trong nhóm chat liên lạc của lớp học, các bậc cha mẹ có con bị bệnh sẽ gửi giấy xin phép nghỉ học bản điện tử đến trường. Mỗi ngày đều có học sinh xin phép nghỉ học, 80% lý do cơ bản là vì có triệu chứng ho. Hơn nữa, các em còn bị bệnh lặp đi lặp lại nhiều lần, gây viêm nhiễm, có học sinh còn bị sốt. Kết quả kiểm tra cho thấy nguyên nhân gây bệnh hầu hết là một loại virus dạng hỗn hợp. Điều này khác biệt so với tình hình dịch bệnh ở các năm trước.
Cô Lâm còn cho biết, loại virus này rất khó diệt tận gốc. Sau khi điều trị, bệnh nhân có vẻ đã khỏi bệnh rồi, các em không còn ho và chảy nước mũi nữa, qua ba ngày theo dõi (ba ngày không còn các triệu chứng này), các em sẽ đi học trở lại. Tuy nhiên, không quá hai ngày sau, các em lại bắt đầu ho trở lại, có cháu thậm chí còn bị sốt vào đêm hôm đó.
Truyền thông Hoa lục đưa tin, vào lúc 21 giờ ngày 24/11, chỉ có phòng cấp cứu và phòng khám bệnh khoa Nhi ở tầng 2 thuộc Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh sáng đèn. Ở phòng khám bệnh khoa Nhi chỉ có một bác sĩ trực khám.
Con của cô Trương Cát (Zhang Ji) có số thứ tự xếp hàng chờ khám là 555. Con của cô 13 tuổi, từ đầu tháng Mười đến nay đã ba lần xuất hiện triệu chứng cảm cúm. Lần bệnh vào tuần cuối tháng Mười Một này, cô bé sốt cao liên tục trong ba ngày mà không thuyên giảm, đồng thời còn bị ho, sổ mũi, choáng đầu. Cô Trương cho con ở nhà tự điều trị bằng uống kháng sinh Azithromycin, nhưng do không thấy hiệu quả, nên cô quyết định đưa con đến bệnh viện.
Cô Trương cho biết, thời gian gần đây, có rất nhiều học sinh cùng lớp con gái cô phải xin phép nghỉ học vì bệnh đường hô hấp, thậm chí có học sinh nghỉ học hai tuần liền. Mới đây khi trường học tổ chức họp với các bậc cha mẹ, cô nhận thấy nhiều bậc cha mẹ cũng đang ho liên tục.
Con trai của cô Từ Cẩm (Xu Jin) cũng xuất hiện tình trạng nhiễm bệnh lặp đi lặp lại. Cô Từ đã đi từ Thiên Tân đến Bệnh viện Nhi Bắc Kinh. Vợ chồng cô dẫn theo hai người con, con trai lớn 6 tuổi và con trai nhỏ mới vừa tròn 1 tháng tuổi. Cậu con trai lớn đã sốt và ho không liên tục suốt hơn một tháng. Cô nghi ngờ là do bị lây nhiễm từ các bạn học trong lớp. Gần đây, con trai nhỏ của cô cũng xuất hiện triệu chứng ho không có đờm, cô Từ lo lắng bé bị ngạt thở.
Sáng ngày 24/11, sau 24 giờ chen chúc, cả hai con của cô Từ mới được khám và điều trị. Cậu con trai nhỏ được đưa vào phòng theo dõi cấp cứu cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Nhi Bắc Kinh, còn cậu con trai lớn đã được phòng khám trực ngoài giờ ban đêm kê đơn truyền dịch.
4,000-5,000 người chen chúc trong không gian chật hẹp vài trăm mét vuông ở bệnh viện
Cô Lâm cho biết, hiện nay giường bệnh tại các bệnh viện nhi ở Bắc Kinh lâm vào tình trạng thiếu trầm trọng.
Hôm 25/11, tờ Người Quan Sát Kinh Tế (The Economic Observer) đưa tin, từ 4 giờ chiều đến 2 giờ sáng những ngày gần đây, sảnh khám trực ban đêm thuộc Khoa Nội của Bệnh viện Nhi Bắc Kinh đã trở thành một trong những nơi tập trung đông đúc nhất thành phố. Trong không gian nhỏ hẹp khoảng mấy trăm mét vuông chứa tới 4 đến 5 ngàn người. Mùi thuốc, tiếng khóc của trẻ em cùng với tiếng gọi số thứ tự xen lẫn nhau.
Vào lúc 1 giờ sáng ngày 25/11, trên màn hình điện tử của phòng khám này thông báo những người có số thứ tự từ 1200 cần mang theo phiếu xét nghiệm để đến quầy phân loại nộp số. Lúc này vẫn còn vài chục bậc cha mẹ xếp hàng sau số thứ tự 1100 đợi lượt, hàng người đứng kéo dài ra bên ngoài sảnh khám. Tại trung tâm truyền dịch ở tầng 2, số thứ tự trong ngày đã lên tới số 2028.
Trong khoảng thời gian cao điểm về đêm ở Trung tâm truyền dịch, rất khó tìm được một chỗ ngồi. Trẻ em được cha mẹ đặt nằm trên xe đẩy nhỏ, trên thảm dã ngoại, trên thảm yoga, người lớn thì xách theo bình truyền dịch, hoặc treo bình truyền dịch lên tường. Mọi người cũng lo lắng về khả năng lây nhiễm chéo giữa các trẻ với nhau.
Cô Lâm nói rằng hiện nay số người đang bị sốt cao ở Bắc Kinh rất nhiều, vì mật độ người tập trung quá đông, những người không bị bệnh cũng rất dễ bị nhiễm bệnh. Ví dụ như những người đứng xếp hàng trong quá trình lấy số, đóng phí v.v., đều có khả năng bị lây nhiễm. Những khu vực này cũng xếp hàng rất dài. Trong khi đứng xếp hàng, sẽ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo, đeo khẩu trang cũng không có tác dụng.
Cô Lâm cho biết hiện nay khi đặt lịch hẹn khám bệnh trực tuyến với bác sĩ chuyên khoa ở một số bệnh viện thì cần phải chờ đợi hai, ba tháng.
Bác sĩ Triều Sảng (Chao Shuang), chủ nhiệm Khoa Nhi tại Bệnh viện Trường Canh Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho biết số lượng bệnh nhân tại phòng khám bệnh đường hô hấp tại khoa của cô đã tăng hơn 100% so với mùa hè, tăng từ 30% đến 50% so với thời gian tháng Chín đến tháng Mười, và “hiện tại vẫn chưa thấy dấu hiệu giảm.”
Một bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện chăm sóc sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em quận Thuận Nghĩa, Bắc Kinh, cho biết kể từ sau khi căn bệnh do nhiễm mycoplasma bùng phát, số lượng trẻ em nhiễm bệnh đường hô hấp vẫn luôn ở mức cao.
Uống thuốc không hiệu quả, các bậc cha mẹ phải đưa con đến nhiều bệnh viện
Lúc 1 giờ 30 phút sáng ngày 25/11, cô Đường Tinh (Tang Xing), đến từ vùng Diên Khánh ngoại ô Bắc Kinh, mang theo con trai 8 tuổi dựa vào ghế ngồi trong sảnh đợi khám để ngủ. Con của cô đã ho khan năm ngày rồi, ho đến mức khó thở, đau ngực, sốt cao 39 độ. Cậu bé đã được truyền kháng sinh azithromycin trong ba ngày tại bệnh viện địa phương ở Diên Khánh, nhưng tình trạng bệnh không khá hơn.
Khoảng 9 giờ tối ngày 24/11, cô Đường cùng người nhà đưa con đến Bệnh viện Nhi Bắc Kinh, số thứ tự hồ sơ ghi danh của cô trên 900. Mãi đến khoảng 0 giờ 30 phút ngày 25/11, con của cô mới được khám xong.
Sau 8 giờ sáng ngày 25/11, cô Đường cần tiếp tục đưa con đi xét nghiệm acid nucleic mycoplasma. Sau khi xét nghiệm xong, cô còn phải đi gặp bác sĩ khám bệnh đọc kết quả xét nghiệm, và nhận đơn thuốc. Số thứ tự khám bệnh của cô ở phòng khám khoa nội trong ngày 25/11 xếp ở thứ tự trên 500.
Cô Lý Thần (Li Chen) cũng là một người mẹ phải bôn ba vì con của cô được chẩn đoán bị nhiễm Mycoplasma. Tối ngày 16/11, con gái 6 tuổi của cô bắt đầu sốt cao, ho càng lúc càng nặng. Vợ chồng cô Lý đã đưa con gái đến Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật khám ngay trong đêm. Bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh Azithromycin và nhiều loại thuốc khác, nhưng sau khi uống thuốc thì bệnh tình của con gái vẫn không thuyên giảm, sốt cao 40 độ.
Sáng ngày 17/11, cô Lý lại vội vàng đưa con gái đến Bệnh viện Nhi Bắc Kinh. Lúc đó, số thứ tự đã trên 700. Kết quả xét nghiệm cho thấy con gái cô âm tính với Mycoplasma, cúm A, cúm B, bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh Azithromycin dùng trong 5 ngày. Nhưng đến ngày 20/11, con gái cô vẫn sốt và ho ngày càng nặng. Trưa cùng ngày, cô Lý sốt ruột nên đưa con gái đi ghi danh lấy số tại Phòng khám sốt trẻ em của Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật. Cô nhận được số thứ tự trên 580! Phía trước có gần 300 người xếp hàng. Bác sĩ trực ca nói với cô rằng số thứ tự này thì đến 7 giờ sáng mai còn chưa đến lượt, và khuyên cô không nên ghi danh.
Lúc 6 giờ tối ngày 20/11, cô Lý lại đến Bệnh viện đa khoa Hàng không để ghi danh, và được thông báo phải chờ đợi ít nhất từ 7 đến 10 giờ đồng hồ.
Cô Lý mang theo hy vọng cuối cùng, quay lại Bệnh viện Hữu nghị Trung-Nhật và may mắn được ghi danh bổ sung vào ca khám bệnh theo nhu cầu ban đêm ở phòng khám sốt trẻ em. Ngày 22/11, con gái của cô Lý tiếp tục sốt cao 39 độ, suốt một tuần sốt cao kéo dài không giảm, khiến cô Lý rất sốt ruột. Ngay buổi chiều hôm đó, con gái cô mới được nhập viện tại Bệnh viện Nhi Bắc Kinh.
Ngày đầu tiên nằm viện, bác sĩ nói do phổi trái của bé bị đông đặc khá nghiêm trọng, có thể sẽ cần rửa phổi.
Bệnh nhi phải đến bệnh viện cộng đồng truyền dịch
Các bệnh viện nhi ở Bắc Kinh đang quá tải, giới chức khuyến cáo người dân đến các bệnh viện cộng đồng để thực hiện truyền dịch. Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Đại học Bắc Kinh đã tổ chức các “bệnh viện cabin” làm phòng truyền dịch tạm thời.
Cô Lâm nói rằng chính quyền Bắc Kinh khuyến khích người dân đến các bệnh viện cộng đồng để truyền dịch.
Lúc 10 giờ 30 phút sáng ngày 24/11, có năm gia đình có trẻ em bị bệnh đang đợi bên ngoài phòng khám nhi của Trung tâm Dịch vụ Y tế cộng đồng trên đường Bát Lý Trang, quận Triều Dương. Một cụ già hơn 70 tuổi ngồi trên ghế dài ở hành lang chờ bác sĩ gọi số thứ tự, con dâu của cụ dẫn theo con trai bị cảm cúm đợi dưới sân.
Tại Trung tâm Dịch vụ Y tế Cộng đồng Vọng Kinh, lúc 1 giờ chiều đã có nhiều trẻ em chờ đợi bên ngoài phòng khám.