Trung Quốc tìm cách sử dụng Hiệp ước Đại dịch của WHO để mở rộng hệ thống tín dụng xã hội ra toàn cầu
Theo bà Reggie Littlejohn, chủ tịch của tổ chức Quyền Phụ nữ Không Biên giới (Women’s Rights Without Frontiers), Trung Quốc đang tìm cách sử dụng các sửa đổi được đề nghị của WHO và hiệp ước đại dịch để mở rộng hệ thống tín dụng xã hội của mình ra toàn cầu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang thúc đẩy một hiệp ước đại dịch và thay đổi Quy định Y tế Quốc tế (IHR) hiện hành để củng cố vị thế của mình trong các trường hợp khẩn cấp về y tế. Ngoài ra, những đề xướng này mở rộng định nghĩa về các trường hợp khẩn cấp bao gồm cả mối nguy hiểm có thể xảy ra, chứ không chỉ thiệt hại trên thực tế. Định nghĩa về “Một Sức Khỏe” (One Health) bao gồm tất cả các hiện tượng xảy ra trong sinh quyển có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người được nêu ra trong bản dự thảo của hiệp ước. Tổng giám đốc WHO sẽ là người duy nhất có thẩm quyền đưa ra quyết định về vấn đề này. Các hiệp định của WHO sẽ cần sự chấp thuận của các quốc gia.
Bà Littlejohn nói rằng nếu những sửa đổi này và hiệp ước về đại dịch nói trên được thông qua theo hình thức hiện tại, thì “WHO sẽ từ cơ quan tham vấn trở thành cơ quan ra quyết định mà những từ ngữ không ràng buộc [về mặt pháp lý] được cho là sẽ bị xóa bỏ.”
“Vì vậy, sẽ ra đời một cơ quan quản lý và một cơ quan thực thi,” bà Littlejohn nói với chương trình “China in Focus” (Trung Quốc Tiêu Điểm) trên NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
Xóa bỏ chủ quyền
Bà Littlejohn dẫn chứng về giải pháp Một Sức Khỏe, nói rằng hướng tiếp cận này sẽ hủy hoại chủ quyền quốc gia vì nó cho phép tổ chức Liên Hiệp Quốc này xác định xem có rủi ro sức khỏe hay không dựa trên việc họ đánh giá có một đại dịch hoặc một đại dịch tiềm tàng.
Theo bà Littlejohn, trong trường hợp đó, WHO có thể hành động ở quốc gia được quan tâm không chỉ dựa trên một đại dịch hoặc mầm bệnh ở người mà còn ở cả động vật, thực vật, hoặc môi trường.
“Vì vậy, về cơ bản, điều đó bao gồm mọi khía cạnh của sự sống trên Trái Đất, và họ sẽ có quyền tuyên bố một nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn, rồi sau đó họ sẽ có quyền bảo cho chúng ta cách giải quyết nguy cơ này như thế nào” liên quan các yêu cầu kiểm dịch, chích ngừa, v.v.
Bà lưu ý rằng, “Thế thì, đó là lúc mà quyền tự do y tế cá nhân hoặc chủ quyền cá nhân của chúng ta sẽ bị xóa bỏ.”
Bà Littlejohn cho biết có một đề mục trong hiệp ước về kiểm duyệt thông tin sai lệch và thông tin giả — tức là bất cứ điều gì phản bác lại những điều WHO đang nói — cho phép cơ quan này xác định những người không đồng tình với họ.
Bà nói, “Vì vậy, họ sẽ giám sát chúng ta. Và họ cũng muốn kiểm duyệt chúng ta.”
Bà nói thêm: “Hệ thống giám sát này rất giống giấy thông hành vaccine mới hoặc ID kỹ thuật số đang bị Liên Hiệp Quốc và cả Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) loại bỏ.”
Mở rộng hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc
Theo ý kiến của bà, kế hoạch nói trên cũng giống với hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc vốn đã được áp dụng trong thời kỳ đại dịch.
Được áp dụng cho các biện pháp zero COVID cực đoan kéo dài suốt ba năm ở Trung Quốc, hệ thống mã QR y tế này được xem như một công cụ giám sát của chính quyền.
Màu sắc của mã sức khỏe trên điện thoại của một người xác định xem liệu người đó có được phép rời khỏi khuôn viên cộng đồng, được dùng bữa ở nhà hàng, hay thậm chí được vào bệnh viện để sinh con hay không.
Mã sức khỏe của những công dân nào phàn nàn về các biện pháp kiểm soát đại dịch hà khắc này được cho là đã chuyển sang màu vàng hoặc thậm chí là màu đỏ (biểu thị nhiễm bệnh).
Người ủng hộ quyền lợi cho phụ nữ này lưu ý thêm rằng WHO đã hạ thấp thông tin có thể phản ánh tiêu cực về Trung Quốc.
Bà nói, “Họ đã nghe theo những lời nói dối của Trung Quốc, rằng không có sự lây truyền từ người sang người, rằng chúng ta không nên dừng các chuyến bay từ Trung Quốc vì điều đó phần nào là phân biệt chủng tộc, v.v.… Họ chỉ nhắc lại một cách máy móc những lời nói dối của Trung Quốc, và rất nhiều người đã mắc bệnh. Và rất nhiều người đã tử vong do cách quản lý yếu kém của Tổ chức Y tế Thế giới.”
Xét đến quyền lực của chế độ cộng sản này đối với các tổ chức toàn cầu, Trung Quốc có thể tìm cách áp dụng y hệt hướng tiếp cận giám sát của mình cho các quốc gia khác trên toàn thế giới.
Bà nói, “Trung Quốc có quyền lực quá lớn trong Tổ chức Y tế Thế giới, Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới; và vì vậy, tất nhiên, họ muốn áp dụng mô hình này của Trung Quốc trên toàn thế giới, mà cụ thể là hệ thống tín dụng xã hội.”
Bà cho biết thêm, “Hơn nữa, [lãnh đạo ĐCSTQ] Tập Cận Bình đã nói rằng ông ấy muốn có một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một số hình thức quản trị toàn cầu. Và tôi tin rằng họ đang làm điều đó thông qua Tổ chức Y tế Thế giới, và [thông qua] việc theo dõi song song của hệ thống tín dụng xã hội Trung Quốc bằng cách giám sát, nghe lén xã hội, và tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, vốn đang nỗ lực theo dõi toàn bộ thế giới giống như hệ thống trại lao động khổ sai (gulag) kiểu Trung Quốc.”
Tuyên bố chủ quyền của Mỹ
Vì tất cả 194 quốc gia trong WHO sẽ bỏ phiếu cho những sửa đổi này trước tháng 05/2024, nên bà Littlejohn kêu gọi các công dân Mỹ có liên quan hãy ký vào Tuyên bố Chủ quyền của Mỹ tại trang web sovereigntycoalition.org. Bà nói rằng đó là một nỗ lực để bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền tự do y tế cá nhân của mọi người khỏi các mối đe dọa do Tổ chức Y tế Thế giới gây ra.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times