Trung Quốc thử nghiệm hỏa tiễn siêu thanh mới trước cuộc điện đàm các lãnh đạo quốc phòng Mỹ-Trung
Hải quân Trung Quốc đã tiết lộ một cuộc thử nghiệm chưa từng được biết đến trước đây của một hỏa tiễn siêu thanh mới, cảnh quay về cuộc thử nghiệm này nổi lên trên mạng xã hội Trung Quốc chỉ vài ngày trước lễ kỷ niệm 73 năm của hải quân Trung Quốc, và ngay trước cuộc điện đàm giữa các lãnh đạo quốc phòng Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Hỏa tiễn được miêu tả trong video có vẻ như là chiếc YJ-21 của Trung Quốc, còn được gọi là Ưng Kích 21 (Eagle Strike 21), được cho là có tầm bay tối đa vào khoảng 620 dặm (gần 998 km).
Trong khi đặc tính của hỏa tiễn này chưa được biết đến, bởi vì không có lần phóng hỏa tiễn chính thức nào được ghi nhận trước đây, nên NavalNew đưa ra phân tích giả thuyết rằng hỏa tiễn này là một hỏa tiễn chống hạm đạn đạo phóng lạnh mang một phương tiện lướt siêu thanh.
Cảnh quay cuộc thử nghiệm xuất hiện vào thời điểm lo ngại tăng lên ở Hoa Kỳ về việc không có một chương trình vũ khí siêu thanh quốc nội mạnh mẽ. Các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết quân đội sẽ cần phát triển nhanh chóng các năng lực mới để đương đầu với các vũ khí siêu thanh của Trung Quốc, mà họ cảnh báo có thể được sử dụng như một loại vũ khí hạt nhân tấn công đầu tiên.
Hỏa tiễn này được phóng từ một tuần dương hạm Type 055, đây là tàu tác chiến mặt nước đáng gờm nhất của Trung Quốc và có khả năng sẽ là một tài sản chủ chốt trong các nhóm hàng không mẫu hạm đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.
Tàu này, được hạ thủy năm 2017, cũng là tàu tác chiến mặt nước lớn nhất thế giới, có lượng choán nước khoảng 13,000 tấn khi so sánh với các tuần dương hạm lớp Ticonderoga 9,800 tấn của Hải quân Hoa Kỳ.
“Nếu hỏa tiễn này hóa ra là chiếc siêu thanh YJ-21, thì tuần dương hạm Type 055 được cho là sẽ trở thành chiến hạm được trang bị vũ khí mạnh nhất trên toàn thế giới,” NavalNew cho biết.
Việc công bố đoạn phim này diễn ra trước một cuộc điện đàm được cho là căng thẳng giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), hôm 20/04. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên như vậy trong 15 tháng đương nhiệm của ông Austin.
Theo sau cuộc điện đàm, Ngũ Giác Đài đã công bố một bản tin ngắn cho biết các quan chức đã thảo luận “các vấn đề an ninh khu vực.”
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc đã ra một tuyên bố cho biết mối bang giao Mỹ-Trung sẽ bị tổn hại nếu Hoa Kỳ làm suy yếu khẳng định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn khẳng định rằng Đài Loan, đã và đang tự quản kể từ năm 1949, là một tỉnh ly khai của Trung Quốc, mặc dù chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ kiểm soát Đài Loan. Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã thề sẽ thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục, và không loại trừ việc sử dụng vũ lực.
Do đó, sự độc lập vẫn tiếp diễn trên thực tế của Đài Loan, một quốc gia dân chủ và là nhà cung cấp chất bán dẫn lớn nhất thế giới, là một điểm vướng mắc trong chính sách ngoại giao giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ.
Vì thế, chiến hạm Type 055 và các hỏa tiễn như chiếc YJ-21 đã nhanh chóng trở thành một phần then chốt trong chiến lược quân sự của Trung Quốc, trong chừng mực những kỳ vọng của ĐCSTQ rằng các năng lực mới sẽ đe dọa Hoa Kỳ khỏi việc bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm lược.
Để đạt kết quả như vậy, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) — nguyên tổng biên tập của cơ quan ngôn luận hiếu chiến Thời báo Hoàn Cầu do ĐCSTQ điều hành — đã sử dụng cuộc điện đàm giữa ông Austin và ông Ngụy hôm 20/04 như là một cái cớ để yêu cầu Trung Quốc “tăng cường xây dựng quân đội” và sử dụng vũ khí hạt nhân để khiến Hoa Kỳ chùn bước không còn ủng hộ Đài Loan.
Ông Hồ đã viết trong một bài đăng dài dòng trên WeChat, nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, rằng: “Thật vô ích khi nói lý với Mỹ.”
“Tôi đã nói điều này nhiều lần, nhưng tôi sẽ nhắc lại một lần nữa: Đừng lo lắng về việc dư luận phương Tây phản ứng như thế nào và sẽ có các tác động gì khác. Chúng ta phải làm ra các đầu đạn hạt nhân và đặt chúng vào các hỏa tiễn cao cấp như Đông Phong 41 (DF-41) và Cự Lãng 3 (JL-3).”
Tương tự, gần đây ông Hồ đã đăng một loạt những lời hăm dọa Đài Loan và Hoa Kỳ trên Twitter, thề rằng quân đội Trung Quốc sẽ “đánh tan quân đội Đài Loan” với “hàng ngàn hỏa tiễn” trong trường hợp xâm lược.
Hiện nay Trung Quốc được cho là có khoảng 350 đầu đạn, nhưng một báo cáo gần đây của Ngũ Giác Đài cảnh báo rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ việc sản xuất và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của nước này, và có thể sở hữu 1,000 vũ khí hạt nhân trước năm 2030.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: