Nông dân Trung Quốc được lệnh đốn rừng trồng ngũ cốc
Một video được lan truyền trên mạng xã hội của Trung Quốc cho thấy chính quyền địa phương ở Duy Phường, tỉnh Sơn Đông, đã ra lệnh cho nông dân “chặt cây” để lấy đất sản xuất ngũ cốc. Điều này xảy ra khi nhiều người ở Trung Quốc lo ngại tình trạng thiếu lương thực sẽ sớm trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Trong video, một nông dân, người đã ghi lại cảnh này với mục đích selfie, cho biết: “Chúng tôi vừa nhận được thông báo rằng chúng tôi buộc phải chặt những cây này và thay vào đó là trồng ngũ cốc, ngay cả chuyện này khiến chúng tôi thua lỗ về tài chính. Giá cả hàng hóa ngày nay rất cao — phân bón, thuốc trừ sâu, và giá cả cao một cách kỳ lạ. ”
Phía sau, nhiều cây cối đã bị đốn hạ, một số cây để lộ cả rễ. Những người nông dân khác đã chặt bỏ một diện tích lớn cây trưởng thành.
Cùng lúc đó, loa trong thôn ra thông báo rằng không được phép trồng cây trong đất ruộng, không được dùng đất làm ao nuôi cá, hay trồng cây ăn quả. Tất cả những loại cây này phải được chặt hạ trong một khung thời gian nhất định, nếu không, chính quyền sẽ cưỡng chế “thanh lý” những cây đó.
Sau đó, một người đàn ông khác tự xưng là người ở Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, nói rằng chính quyền địa phương buộc họ phải chặt cây để trồng trọt vì Trung Quốc đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu lương thực.
Người này nói: “Mấy cửa hàng địa phương cũng chẳng còn cưa chặt cây để bán. Trước đây, chúng tôi được bảo rằng “muốn giàu thì trước hết hãy trồng cây”, giờ họ bảo chúng tôi không được phép trồng cây.”
Một quan chức chính quyền địa phương của tỉnh nói với The Epoch Times Hoa ngữ rằng: “Ngay cả ao nuôi cá cũng phải lấp để trồng cây lương thực. Dù sao thì các vị cũng phải tuân theo những gì mà Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu.”
Ông Dương Tư (Yang Si), nhà bình luận về các vấn đề thời sự tại Nhật Bản cho thấy hầu hết đất ở tỉnh Sơn Đông là đất hoàng thổ và khu vực này dễ bị hạn hán. Việc chặt hạ cây có thể dễ dẫn đến xói mòn đất.
Hơn nữa, vùng đất từng trồng cây sẽ phải sử dụng lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn mức trung bình để có thể cho một vụ mùa bội thu, ông nói.
Ông Dương giải thích, “Người nông dân sẽ gặp khó khăn trong việc kiếm lợi nhuận do chi phí phân bón và thuốc trừ sâu ngày càng tăng.”
Ảnh hưởng của chiến tranh
Chiến tranh Nga-Ukraine cũng khiến cho hoạt động nhập cảng lương thực của Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Trong một bài báo ngày 17/03, Mạng Thông tin Ngành Công nghiệp Thức ăn Chăn nuôi của Trung Quốc đưa tin rằng vì chiến tranh, Nga đã đình chỉ xuất cảng các loại ngũ cốc như lúa mì và ngô; trong khi Ukraine đã thực hiện các biện pháp bảo hộ để cấm xuất cảng lúa mì và hàng rời. Bài báo cũng thừa nhận rằng tỷ lệ tự cung tự cấp về ngũ cốc, ngô, và đậu tương của Trung Quốc là tương đối thấp.
Đến năm 2021, Ukraine đã thay thế Hoa Kỳ để trở thành nhà cung cấp ngô lớn nhất cho Trung Quốc, một phần do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, chỉ trong năm 2021, 70% lượng ngô nhập cảng của Trung Quốc đến từ Ukraine.
Ukraine cũng là nhà cung cấp lúa mạch chính của Trung Quốc. Khoảng 54% lượng lúa mạch xuất cảng của Ukraine được bán cho Trung Quốc từ năm 2020 đến năm 2021, chiếm 28% tổng lượng lúa mạch nhập cảng của Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập cảng tổng cộng 164.539 triệu tấn ngũ cốc vào năm 2021, tăng 18.1% so với cùng kỳ năm trước. Nhập cảng chiếm 24.1% của tổng sản lượng ngũ cốc 682.85 triệu tấn. Điều này có nghĩa là sự phụ thuộc của Trung Quốc vào việc nhập cảng ngũ cốc của ngoại quốc cao tới 19.4%.
Vụng về và thiếu năng lực
Ông Tiết Trì (Xue Chi), một học giả về các vấn đề Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng lương thực của Trung Quốc chính là sự quản lý vụng về và thiếu năng lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông tiết cho hay, “ĐCSTQ chưa bao giờ xây dựng thành công một hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện đại. Phát triển nông nghiệp của họ kém xa so với phát triển công nghiệp.”
Ông nói tiếp: “Ngành nông nghiệp của nước này không những không cạnh tranh được với các nước phát triển, mà thậm chí còn không đáp ứng được nhu cầu trong nước. Điều này là do hệ thống ĐCSTQ gây ra.”
Ông Trương Túc Điền (Zhang Sutian), một nhà bình luận độc lập sống tại Hoa Kỳ với 20 năm kinh nghiệm trong ngành lương thực, nói với The Epoch Times rằng sự gian lận và tham nhũng của ĐCSTQ là động lực chính của cuộc khủng hoảng lương thực ở Trung Quốc Đại lục.
Nhiều kho dự trữ ngũ cốc thực sự trống rỗng do tham nhũng, nhưng tình trạng này đã bị che đậy, một vấn nạn đang ngày càng nghiêm trọng hơn từ năm này qua năm khác.
Ví dụ, vào tháng 05/2013, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã cử một nhóm đến kiểm tra các Cục Dự trữ Ngũ cốc Trung Quốc lần đầu tiên. Ngay sau đó, 78 kho chứa ngũ cốc trực thuộc Cục Dự trữ Ngũ cốc Trung Quốc ở tỉnh Hắc Long Giang đã “bốc cháy”.
Dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc tương đương với một khoản nợ xấu khổng lồ, với quá nhiều nhóm lợi ích tham gia, ông nói.
Ông Tiết tin rằng trong lịch sử, thiên tai, dịch bệnh, và nạn đói thường đi cùng nhau, và lần này cũng không ngoại lệ.
Ông Tiết cho biết: “Trên hết, do sự lừa dối, gian lận và mọi kiểu tác phong lộn xộn của ĐCSTQ, nên cuộc khủng hoảng lương thực ở Trung Quốc ngày nay là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử đương đại của Trung Quốc. Một khi bức màn đen tối này được nhìn xuyên thấu và sự thật được phơi bày, thì thảm họa này sẽ bị mất kiểm soát.”
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản Nhật ngữ của The Epoch Times từ năm 2007.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: