Trung Quốc: Sau trận lũ ở Hà Bắc, người dân khó tìm thấy thân nhân, nhiều thi thể bị phân hủy khó nhận diện
Để bảo đảm an toàn cho Bắc Kinh và Hùng An, nhiều nơi ở tỉnh Hà Bắc đã trở thành khu vực xả lũ, khiến vô số nhà cửa bị phá hủy, người dân mất liên lạc với thân nhân. Trong những ngày gần đây, theo tin tức từ các kênh truyền thông ở Hoa lục, sau trận lũ lụt, hầu như những người dân về quê tìm kiếm thân nhân đều không có kết quả. Huyện Lai Thủy gần Trác Châu là khu vực lũ lụt nghiêm trọng, một số lượng lớn thi thể bị phân hủy khó nhận diện.
Tổng hợp tin tức ngày 05/08 từ các kênh truyền thông Trung Quốc, từ ngày 29/07 đến 01/08, do ảnh hưởng của cơn bão Doksuri, các địa khu như Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc phải hứng chịu mưa lớn xối xả trong nhiều ngày liên tiếp.
Ngày 31/07, cảnh báo thiên tai do các ban ngành ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc công bố cho thấy, phần lớn các khu vực ở huyện Lai Thủy thuộc diện vùng có nguy cơ cao. Lũ lụt và sạt lở đất cùng lúc tấn công nhiều ngôi làng, đường sá bị cuốn trôi, điện nước, đường truyền mạng và nguồn cung ứng bị gián đoạn, một số lượng lớn người dân bị mất liên lạc.
Theo tờ Tin tức Thượng Quan (fdaily.com), đến ngày 05/08, anh Cao Ngạn (Gao Yan), một người quê ở thôn Tây Tháp, làng Thang Gia Trang, thị trấn Triệu Các Trang, huyện Lai Thủy, vẫn chưa có tin tức mới nhất về thân nhân ở quê nhà.
Ngày 31/07, lũ lụt đã xảy ra ở thôn Tây Tháp, anh Cao Ngạn đã mất liên lạc với thân nhân.
Trong cùng ngày, anh Vi Hàng (Wei Hang) có quê ở làng Thang Gia Trang, cũng mất liên lạc với mẹ anh.
Ngày 02/08, anh Cao Ngạn và anh Vi Hàng đều đã nhận được tin nhắn từ một vị bác sĩ của thôn Tây Tháp, làng Thang Gia Trang.
Anh Vi Hàng nói bác sĩ ở thôn nhắn là, “Tôi đã leo lên đỉnh núi, bắt được tín hiệu sóng mạng chập chờn, gửi tin nhắn ra bên ngoài, phân nửa thôn làng đã bị nước cuốn trôi.”
Anh Cao Ngạn cũng nhìn thấy thực trạng ở quê nhà trong một đoạn video: Diện mạo thôn làng sau thiên tai đã hoàn toàn thay đổi, nhiều ngôi nhà đều bị cuốn trôi trong trận sạt lở đất. Có thể thấy nhiều nơi trong thôn đều bị chôn vùi dưới đất đá và nước bùn.
Nghe được tin này, anh Vi Cường (Wei Qiang), là anh trai của anh Vi Hàng, và một số đồng hương khác quyết định trở về quê cứu người. Tuy nhiên, khi đi được nửa đường, họ phát hiện đường sá bị tắc nghẽn. Vì vậy, họ sử dụng dây thừng, băng qua đỉnh núi và cuối cùng đã về đến thôn làng sau năm giờ leo núi.
Nhiều người dân trong làng Thang Gia Trang đã mất tích
Theo tin tức, vào khoảng 15 giờ ngày 04/08, đội cứu hộ Lam Thiên ở Từ Châu cuối cùng đã đến được làng Thang Gia Trang sau nhiều nỗ lực khó khăn. Anh Khang Soái (Kang Shuai), người phụ trách đội cứu hộ cho biết, dự tính có hơn 2,000 người bị mắc kẹt ở huyện Lai Thủy, khu vực lũ lụt nghiêm trọng nhất hiện nay ở làng Thang Gia Trang.
Đến 12 giờ trưa ngày 04/08, vì đường sá bị tắc nghẽn, nên lực lượng cứu hộ khó đi sâu vào trong, “Thôn làng vẫn bị mất điện nước, không có nguồn cung ứng, người dân trong làng cũng chưa được di dời.”
Làng Thang Gia Trang nằm ở vùng trũng giữa hai ngọn núi, bao gồm bảy ngôi làng, trong đó có thôn Tây Tháp. Anh Khang Soái nói: “Những ngôi nhà ở thôn làng đã bị phá hủy nghiêm trọng. Lúc ấy tôi không thể nhận ra diện mạo vốn có của ngôi làng này nữa.”
Ở bãi đất trống phía thượng nguồn con sông, một người đàn ông trung niên đang ngồi xổm đốt vàng mã. Ông cho biết, ông vội vã từ bên ngoài trở về nhà. “Khi trận lở đất xảy ra, cha mẹ và vợ con của tôi đều ở trong làng, bây giờ họ đã không còn nữa.”
Còn có một số người vội vã từ trong núi trở về nhà, họ cũng đang tìm kiếm thân nhân thất lạc, “Có ai nhìn thấy con của tôi không?”, “Có ai nhìn thấy cha mẹ của tôi không?”
Những người hàng xóm ở thôn làng miền núi vốn đã quen thân với nhau, nhưng trong cuộc tìm kiếm thân nhân lần này, phần lớn họ đều nhận được câu trả lời không khả quan.
Có nhân viên cứu hộ nói, theo kinh nghiệm cứu hộ trước đây, những người không kịp chạy thoát đã bị lũ quét cuốn trôi …
Khoảng 30 nhà dân hoàn toàn mất liên lạc với bên ngoài
Theo tin tức ngày 04/08 của trang web Quan sát Thời sự Kinh tế (eeo.com.cn), ông Quách Cương (bí danh), một người điều hành công ty du lịch ở thị trấn Tam Ba, huyện Lai Thủy, đã trú lại thôn Đô Nha thuộc thị trấn Tam Ba, trong gần ba tháng.
Ông cho biết, đa số các thôn dân sống ở miền núi đều là người lớn tuổi, họ thường sử dụng điện thoại dành cho người lớn tuổi nên không thể thông báo tình huống khẩn cấp.
Ông nói: “Tôi đã quên mất là thôn nào, [ở đó] có khoảng 30 nhà dân. Cây cầu để ra khỏi thôn đã bị hư hỏng và tuyến đường chính cũng bị hư hại, hoàn toàn mất liên lạc với thế giới bên ngoài.”
Trong trận mưa lớn lần này, một dân làng tên là Hoài Sách (hóa danh) ở làng Thang Gia Trang cũng mất liên lạc với thân nhân ở trong thôn.
Thi thể nạn nhân đều đã bị phân hủy khó nhận diện
Ngày 02/08, anh Hoài Sách đã quyết định cùng dân làng về quê cứu người bất chấp mọi lời khuyên ngăn.
Tình trạng mà anh nhìn thấy trên đường vô cùng thê thảm, núi non sạt lở, một số ngôi nhà đã bị chôn vùi, sông ngòi cũng không còn giống như trước, cống rãnh toàn là nước lũ.
Anh nói: “Trên thực tế, chúng tôi đã mạo hiểm tính mạng để trở về quê, đoạn đường mà chúng tôi đi, sát bên là vách núi, đi cùng tôi còn có hai người mẹ, con của họ ở dưới quê trong kỳ nghỉ hè. Họ nói, nếu con cái không còn, thì chúng tôi cũng không thiết sống nữa.”
Anh Hoài Sách nói: “Sau khi trở về, chứng kiến tình huống này, tôi thấy rất buồn. Trời nóng như vậy, y phục chúng tôi mặc đi ra ngoài đều ướt đẫm mồ hôi. Kể từ ngày 31/07 xảy ra lũ lụt cho đến hôm nay đã ba, bốn ngày, di thể của họ bọc trong túi nhựa và áo mưa, đều đã bị phân hủy. Khi vén tấm màn che lên, căn bản là không thể nhận ra ai nữa.”
Người cha nói với anh Hoài Sách, trong số những nạn nhân, có gia đình hai người thím của anh.
Theo tin tức ngày 04/08 của tờ The Paper, một người đàn ông đi đường vòng đến làng Thang Gia Trang, thị trấn Triệu Các Trang, huyện Lai Thủy, đã nhìn thấy thi thể của rất nhiều nạn nhân, bao gồm toàn bộ gia đình của bác cả và bác hai của anh. Nhưng các thi thể này đều đã bị phân hủy, căn bản là không thể nhận ra ai nữa.
Xác động vật cũng bị phân hủy nằm bên lề đường
Sau trận lũ, có thể thấy xác động vật và rác thải trên khắp mặt đất ở Trác Châu, tỉnh Hà Bắc.
Các video trực tuyến cho thấy, trên đường phố Trác Châu, những nơi nước lũ đã rút vẫn còn ngập trong nước bùn, lẫn với tàn thuốc, túi đựng rác, xe phế liệu. Trên mặt nước lềnh bềnh lớp váng dầu bẩn, còn có xác động vật như chó và dê nằm bên lề đường.
Gia đình anh Hoài Sách sống trên sườn núi, anh nói: “Xác động vật bên lề đường [bao gồm] dê, bò, lợn và chó đều đã thối rữa, phơi ra ngoài không khí, cần được xịt thuốc khử trùng gấp, để tránh đại dịch sau thiên tai.”
Thành phố Bảo Định công bố dữ liệu sau thảm họa: Toàn thành phố có hơn 1.1 triệu người chịu nạn
Theo dữ liệu thiên tai do thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc công bố, tính đến 12 giờ ngày 05/08, toàn thành phố có 1.1069 triệu người gặp nạn, báo cáo có tổng cộng 10 người tử vong và 18 người mất tích do thiên tai.
Có 4,448 ngôi nhà bị sập, 7,286 ngôi nhà bị hư hại nghiêm trọng; tổng cộng có 284 cây cầu bị nước lũ phá hủy, hơn 550km đường giao thông ở vùng nông thôn bị nước lũ làm hư hại; thiệt hại kinh tế trực tiếp là 16.995 tỷ nhân dân tệ.
Huyện Lai Thủy cũng thuộc địa phận thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lũ lụt và hạn hán thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, trong thời gian xảy ra mưa lớn, 10 trong số 93 hồ chứa cỡ trung và cỡ lớn ở thành phố Bảo Định đã vượt quá mực nước giới hạn lũ, 67 trong số 83 hồ chứa cỡ nhỏ đã bị tràn nước.
Kể từ ngày 29/07, vì ảnh hưởng hoàn lưu ngoại vi của cơn bão Doksuri, các địa khu như Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc đã hứng chịu mưa lớn xối xả trong nhiều ngày liên tiếp.
Ngọc Vũ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ