Trung Quốc: Nhiều tỉnh ngắt kết nối nhận cuộc gọi di động và tin nhắn SMS từ hải ngoại
Trong khi chính sách phong tỏa hà khắc và kéo dài của Trung Quốc không có dấu hiệu giảm bớt, gần đây các cơ quan viễn thông ở nhiều tỉnh đã chặn các cuộc gọi di động và tin nhắn văn bản (SMS) từ bên ngoài đại lục, bao gồm từ Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan, với lý do cần phải ngăn chặn các cuộc gọi lừa đảo.
Hôm 15/05, bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue), một nhà văn Canada gốc Hoa, nói với The Epoch Times, hãng thông tấn chi nhánh của Đài truyền hình NTD, hành động này làm tăng thêm lo ngại về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mở rộng tình trạng phong tỏa và nhanh chóng đóng cửa quốc gia.
Bà Thịnh nói: “Rõ ràng là ĐCSTQ đang cố tình tách quốc gia này và cắt đứt liên lạc giữa người Trung Quốc với thế giới bên ngoài.
Theo Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, hôm 15/05, khách hàng ở tỉnh Chiết Giang đã nhận được tin nhắn từ Công ty Thông tin Di động Trung Quốc (China Mobile) cho biết Mạng di động Chiết Giang theo mặc định sẽ ngừng nhận các cuộc gọi quốc tế, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan “để chống lại các cuộc gọi lừa đảo từ ngoại quốc.”
Thông báo cho biết, bất kỳ ai cần nhận cuộc gọi từ bên ngoài Trung Quốc phải yêu cầu ghi danh xác nhận trước ngày 20/05, nếu không, các chức năng liên quan sẽ ngừng hoạt động.
Văn phòng Công ty Thông tin Di động Trung Quốc ở tỉnh Chiết Giang đã xác nhận thông báo này là đúng và công ty đã thông báo qua tin nhắn SMS cho cho người dùng.
Chính quyền các tỉnh Hà Nam, Giang Tây, Liêu Ninh, và Chiết Giang đã tắt các chức năng nhận SMS của thiết bị di động bắt đầu từ tháng Tám năm ngoái (2021) như một số hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đã đưa tin.
Công ty Thông tin Di động Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước là nhà điều hành mạng di động lớn nhất thế giới với 966.638 triệu thuê bao tính đến tháng 03/2022, phủ sóng toàn bộ Trung Quốc và Hồng Kông.
Công ty Thông tin Di động Trung Quốc không hành động đơn phương, hai đại công ty viễn thông lớn nhất khác là China Unicom và China Telecom (Tổng công ty Viễn thông Trung Quốc) cũng đã ngắt một số dịch vụ cuộc gọi quốc tế tại một số khu vực của Trung Quốc.
Ba nhà mạng này kiểm soát phần lớn hoạt động điện thoại di động của Trung Quốc.
Một hướng dẫn hồi tháng 11/2021 do Cục Công an thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông công bố cho người dân địa phương, cho biết: “Bằng cách ghi danh với ba nhà mạng lớn là China Mobile, China Unicom và China Telecom, quý vị có thể chặn được các cuộc gọi lừa đảo từ hải ngoại một cách hiệu quả và thông minh.”
Kể từ ngày 15/05, các chủ đề “Phản ứng của China Mobile đối với chế độ chặn mặc định cuộc gọi quốc tế, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan” và “Chế độ tắt mặc định ở một số khu vực” trên các trang Tiểu blog của Sina đã làm dấy lên những bình luận hoặc lo ngại từ gần 2 triệu cư dân mạng.
Một số ý kiến châm biếm rằng chính quyền rất biết chăm lo cho người dân, tuy nhiên khách hàng chưa từng nhận được một cuộc gọi lừa đảo nào từ hải ngoại. Giờ đây, họ có thể sẽ không thể nhận cuộc gọi từ bằng hữu và thân nhân ở hải ngoại.
Một số bình luận cáo buộc chính quyền ngăn chặn quyền tự do liên lạc một cách trắng trợn và vi hiến, giống như “sự thụt lùi thành một Bắc Hàn thứ hai.” Những bài viết như vậy đã bị kiểm duyệt ngay lập tức. Hãng thông tấn Vision Times Hoa ngữ có trụ sở tại Hoa Kỳ đã chụp được màn hình một số bài đăng đó.
Hôm 16/05, ông Quách Đào (Guo Tao), một nhân viên của hãng thông tấn từ tỉnh Giang Tây, miền Trung Trung Quốc, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng các tỉnh nói trên đã bỏ dịch vụ cuộc gọi quốc tế chỉ là những điểm thử nghiệm và quy định mới này sẽ sớm được khai triển trên toàn Trung Quốc.
Theo ông Quách, hành động cắt đứt liên lạc trong và ngoài nước Trung Quốc ở một mức độ hạn chế này của ĐCSTQ nằm trong khuôn khổ chính sách phong tỏa của họ.
Ông Quách cho hay, “Điều này là để chuẩn bị cho các hành động trong tương lai, chẳng hạn như giám sát, phong tỏa quốc gia và chặn mạng. Kiểm soát tin nhắn SMS và điện thoại chỉ là một biện pháp sơ bộ. Họ đang từng bước siết chặt gọng kìm của [họ] từ yếu đến mạnh, và điều quan trọng nhất là họ [ĐCSTQ] muốn một cuộc phong tỏa toàn diện.”
Ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), nhà bình luận về các vấn đề thời sự cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NTD hôm 18/05, rằng: “Điều này sẽ mang lại bầu không khí kiểu Bắc Hàn, một môi trường ngăn cách con người và thông tin.” Ông nói thêm rằng chỉ trong hình thế đó, những người nằm quyền mới có thể toàn diện hóa sự sùng bái cá nhân và củng cố quyền lực tuyệt đối.
Ông Đường dẫn chứng rằng trong những năm trước, bất cứ khi nào ĐCSTQ bắt đầu bế quan tỏa cảng Trung Quốc, ắt hẳn sẽ có một cuộc khủng hoảng cấp bách trong nội bộ Đảng, đó là, khi chính quyền Trung Quốc đang chùn bước và cảm thấy vô cùng yếu ớt trong khả năng chống lại các tác động từ bên ngoài vì vậy họ tăng cường sức mạnh nội bộ theo bản năng.
Bà Julia Ye là một ký giả người Úc, gia nhập The Epoch Times vào năm 2021. Bà chủ yếu đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và là phóng viên từ năm 2003.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: