Trung Quốc kiểm duyệt thông tin tiêu cực về đợt phong tỏa khắc nghiệt ở Tây An
Chính quyền Trung Quốc đã cấm người dân Tây An chia sẻ thông tin tiêu cực về các quy định COVID-19 hà khắc hoặc thiệt hại về người trong đợt phong tỏa này trên các nền tảng mạng xã hội hôm 05/01. Người nào vi phạm sẽ bị khóa tài khoản.
Đồng thời, các video và văn bản “tích cực” đang lan truyền trên các nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, vốn cổ xúy cho các quy định COVID-19 và tán dương sự kiểm soát chặt chẽ này. “Tiến lên Tây An” là khẩu hiệu mà nhà cầm quyền này đã áp dụng. Các hình ảnh, văn bản, và video có chứa khẩu hiệu “Tiến lên Tây An” được truyền thông Trung Quốc quảng bá.
Chính quyền Trung Quốc yêu cầu tất cả những người dùng phải dùng số điện thoại di động của họ để đăng ký sử dụng mạng xã hội, vốn được liên kết với ID (căn cước công dân) của họ. Một khi bị gỡ tài khoản tài khoản mạng xã hội, người đó sẽ không thể chia sẻ cảm xúc với bạn bè trên mạng và sẽ có một mức điểm tín dụng xã hội thấp hơn. Nhà cầm quyền này không cho phép bất kỳ ai có điểm tín dụng xã hội thấp mua vé để di chuyển bằng đường hàng không hoặc tàu cao tốc. Ngay cả con em của họ cũng không được phép đi học ở trường công.
“Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trung Quốc là gìn giữ hình ảnh chính trị của mình, thay vì tính mạng của người dân,” nhà kinh tế học Trịnh Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) sống tại Hoa Kỳ nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) hôm 05/01.
Nhà cầm quyền này sử dụng một hệ thống tuyên truyền bao gồm đài phát thanh, báo chí, chương trình truyền hình, và các nền tảng mạng xã hội để thao túng dư luận; sử dụng việc kiểm duyệt để cấm chỉ trích; và sử dụng Vạn lý Tường lửa (Great Firewall) để ngăn không cho người dân Trung Quốc truy cập vào các trang web của phương Tây.
Sáng sớm ngày 05/01, một số người dân Tây An nhận được thông báo trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc, yêu cầu họ tự kiểm duyệt thông tin họ chia sẻ trực tuyến, Đài Á Châu Tự do đưa tin hôm thứ Tư (05/01).
“Quý vị không được phép đăng tin tức không chính thức — chẳng hạn như tin đồn, liên kết trang web, và video liên quan đến dịch bệnh, đặc biệt là thông tin tiêu cực — trên WeChat (nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất của Trung Quốc),” thông báo này nêu rõ.
Thông báo cho biết các nền tảng truyền thông xã hội đang theo dõi tất cả các bài đăng trên nền tảng của họ. Hệ thống này sẽ tự động lọc các bài đăng, và một nhóm thanh tra sẽ kiểm tra các bài đăng 24 giờ một ngày.
Chính quyền Tây An đã phong tỏa thành phố từ hôm 23/12/2021 và thắt chặt kiểm soát không cho phép người dân rời khỏi nhà của họ từ hôm 26/12/2021. Trong khi đó, thành phố đưa những cư dân có hàng xóm được chẩn đoán là dương tính với COVID-19 đến các trung tâm cách ly.
Phó thị trưởng thành phố Từ Minh Phi (Xu Mingfei) thông báo vào lúc 12 giờ trưa hôm 05/01 rằng hơn 42,000 cư dân của thành phố đã được cách ly tại các trung tâm cách ly khác nhau.
Việc phong tỏa này có nghĩa là 13 triệu cư dân của thành phố này không thể rời khỏi nhà của họ để mua sắm thực phẩm. Người dân địa phương từng chia sẻ video về việc hàng xóm của họ bị những người bảo vệ niêm phong các khu dân cư đánh đập khi họ cố gắng đi ra ngoài để kiếm thực phẩm.
Đơn cử, một người đàn ông lo lắng rằng bà của anh, sống một mình trong một ngôi làng và không có gì để ăn. Anh cố gắng đi vào làng này hôm 01/01, nhưng vị cán bộ thôn không cho phép anh vào và đánh anh bằng gạch, khiến mặt anh chảy máu.
Một đoạn video được lan truyền rộng rãi cho thấy một người đàn ông trẻ tuổi đi ra ngoài mua vài chiếc bánh bao hấp hôm 31/12/2021. Khi anh trở về nhà, những người bảo vệ khu dân cư đã nhìn thấy anh, đánh anh, và khiến túi bánh mà anh mua cho gia đình bị rơi xuống đất.
Nhìn chung, những trung tâm cách ly ở Tây An đều ở các vùng nông thôn. Nhiều nơi trong số những cơ sở này không có hệ thống sưởi ấm cũng như không cung cấp đủ thực phẩm cho những người bị giữ ở đó.
Một đoạn video về một trung tâm cách ly cho thấy một đường hầm cao tốc, trong đó chính quyền đã đặt một số lượng lớn giường tầng và ép mọi người phải cách ly ở đó.
Trong một video khác, một phụ nữ bị cách ly tại một khách sạn được chuyển đổi thành một trung tâm cách ly, đã đi xin băng vệ sinh và thức ăn.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sinh sống tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.
Hồng Ân và An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: