Trung Quốc ‘khó chịu’ trước sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với người Duy Ngô Nhĩ
Hôm 29/12, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “khó chịu” trước sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với người Duy Ngô Nhĩ, một trong những nhóm thiểu số Hồi giáo lớn nhất của Trung Quốc, khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối dẫn độ người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ sang Trung Quốc.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết những tuyên bố về việc người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ bị dẫn độ sang Trung Quốc là “một lời nói dối hoàn toàn” và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không khuất phục trước áp lực của Bắc Kinh, ngay cả khi điều đó làm tổn hại đến mối bang giao song phương của họ.
“Mối bang giao Thổ Nhĩ Kỳ–Trung Quốc đã bị ảnh hưởng do Bắc Kinh đang cảm thấy khó chịu trước thái độ của chúng tôi về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ,” ông nói với các phóng viên ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, Middle East Monitor đưa tin.
“Họ có nhiều yêu cầu dẫn độ đối với những người đang là công dân của chúng tôi, những người vẫn sống ở Thổ Nhĩ Kỳ từ trước tới nay. Do đó, chúng tôi không chấp nhận bất kỳ yêu cầu nào như vậy.”
Ông Cavusoglu đã trích dẫn một báo cáo năm 2022 của Liên Hiệp Quốc (LHQ) nêu chi tiết các hành vi lạm dụng được cho là của ĐCSTQ chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc, mà tổ chức này tuyên bố là tội ác phản nhân loại và kêu gọi hành động cấp bách từ phía cộng đồng quốc tế.
“Chúng tôi bảo vệ quyền của người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế, và điều này khiến Trung Quốc khó chịu. Nhưng đây là một vấn đề nhân đạo,” ông nói.
Ông Cavusoglu tuyên bố rằng chính quyền Trung Quốc đã ngăn không cho đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ đến thăm người Duy Ngô Nhĩ trong khu tự trị Tân Cương và yêu cầu ông phải tuân thủ một “chương trình mà họ cung cấp.”
Ngoại trưởng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ muốn hợp tác với Trung Quốc một cách minh bạch.
“Tại sao chúng tôi phải trở thành một công cụ tuyên truyền của Trung Quốc? Chúng tôi muốn hợp tác. Chúng tôi không xem đây là một vấn đề chính trị,” ông nói.
“Chúng tôi dứt khoát không chống Trung Quốc. Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi ủng hộ chính sách ‘Một Trung Quốc.’”
50 quốc gia lên án Trung Quốc
Hôm 31/10/2022, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 50 quốc gia đã ký tuyên bố chung tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, kêu gọi ĐCSTQ thực hiện các nghĩa vụ nhân quyền của mình và trả tự do cho những người “bị tùy tiện tước đoạt quyền tự do” ở Tân Cương.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Úc, Đức, và Israel đã tạo thành một nhóm các quốc gia lớn nhất công khai lên án các hành vi vi phạm nhân quyền đang diễn ra của chính quyền Trung Quốc.
Các nước ký kết đã kêu gọi Bắc Kinh nhanh chóng trả tự do cho toàn bộ những cá nhân bị giam giữ ở Tân Cương, khẩn trương làm rõ số phận và tung tích của các thành viên gia đình mất tích, đồng thời tạo điều kiện liên lạc và đoàn tụ một cách an toàn.
Bản tuyên bố chung này viết, “Những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống như vậy không thể được biện minh trên cơ sở chống khủng bố.”
LHQ bỏ phiếu bác bỏ cuộc tranh luận về người Duy Ngô Nhĩ
Các nhà lãnh đạo từ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Canada đã kêu gọi một cuộc tranh luận về việc ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương sau khi một báo cáo của Liên Hiệp Quốc đã chứng thực rằng các tội ác phản nhân loại có khả năng đang diễn ra ở trong khu vực này.
“Mức độ giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử đối với các thành viên của người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm chủ yếu là người Hồi giáo khác … có thể cấu thành tội ác quốc tế, đặc biệt là tội ác phản nhân loại,” báo cáo này viết.
“Các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đã xảy ra [ở Tân Cương] trong bối cảnh Chính quyền nước này áp dụng các chiến lược chống khủng bố và chống ‘chủ nghĩa cực đoan.’”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và Andrew Thornebrooke
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times