Trung Quốc hủy bỏ cuộc họp báo thường niên của thủ tướng lần đầu tiên kể từ năm 1993
Các nhà phân tích cho rằng cuộc họp báo thường niên này phản ánh sự cân bằng quyền lực mong manh giữa lãnh đạo Đảng Cộng sản và thủ tướng.
Trung Quốc đã hủy bỏ cuộc họp báo do thủ tướng tổ chức sau kỳ họp lưỡng hội thường niên của đất nước, đánh dấu sự kết thúc của một truyền thống đã có từ hàng thập niên. Các nhà phân tích cho rằng hành động này có thể sẽ làm gia tăng mức độ bí mật xung quanh nền chính trị Trung Quốc.
Thay đổi này được tiết lộ hôm thứ Hai khi hơn 5,000 đại biểu được lựa chọn cẩn thận từ khắp cả nước đang có mặt tại Bắc Kinh để tham dự các cuộc họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), cơ quan lập pháp trên danh nghĩa của Trung Quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cơ quan cố vấn hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Những cuộc họp này được gọi chung là kỳ họp “lưỡng hội” hoặc “lianghui” trong tiếng Trung.
Ông Lâu Cần Kiệm (Lou Qinjian), phát ngôn viên của NPC, nói với các phóng viên rằng thủ tướng sẽ không tổ chức họp báo vào cuối kỳ họp năm nay nữa. Ông Lâu nói thêm: “Nếu không có trường hợp đặc biệt, sẽ không có cuộc họp báo nào của thủ tướng được tổ chức trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ hiện tại của NPC.”
Theo truyền thông nhà nước, truyền thống gặp gỡ báo chí có thể bắt nguồn từ năm 1988 khi Thủ tướng Lý Bằng (Li Peng) tham dự một cuộc họp báo lần đầu tiên sau kỳ họp lưỡng hội. Mặc dù cuộc họp báo này đã bị hủy bỏ vào năm 1990, khi vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 của nhà cầm quyền thu hút sự chú ý toàn cầu, nhưng nó đã trở thành một truyền thống kể từ năm 1993 và là điểm nhấn của các sự kiện chính trị hàng năm.
Ông Vương Hách (Wang He), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, cho biết cuộc họp báo của thủ tướng phản ánh sự cân bằng quyền lực mong manh giữa lãnh đạo Đảng Cộng sản và thủ tướng. Khi ông Tập Cận Bình, người đứng đầu hiện tại của Đảng, tập trung quyền hoạch định chính sách vào tay mình cũng như vào Đảng trong những năm gần đây, thì đã có một sự thay đổi trong những động lực đằng sau quyền lực.
“Ông Tập đã tự biến mình thành nhà lãnh đạo cốt lõi,” ông Vương nói với The Epoch Times. “Bằng cách loại bỏ cơ hội nói chuyện với giới báo chí của thủ tướng, ông Tập có ý muốn ngăn cản ông Lý đánh cắp sự chú ý.”
Ngoài ra, ông Vương cho biết, các lãnh đạo cao nhất của chế độ cộng sản hiếm khi tiếp xúc với giới truyền thông. Khi thủ tướng trả lời trực tiếp với các ký giả tại cuộc họp báo thường niên này, điều đó tạo cơ hội cho các nhà quan sát Trung Quốc được chiêm ngưỡng cận cảnh quan chức số 2 của đất nước này.
Ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), một nhà bình luận độc lập, viết trên mạng xã hội: “Bây giờ, nền chính trị Trung Quốc sẽ hoàn toàn bước vào một hộp đen.”
Tập trung vào kinh tế
Các cuộc họp NPC được dàn dựng kỹ lưỡng sẽ bắt đầu vào thứ Ba (05/03), và mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào kế hoạch trợ giúp tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Một cuộc khủng hoảng địa ốc đang diễn ra, tình trạng giảm phát ngày càng nghiêm trọng, thị trường chứng khoán thì lao dốc, và nợ chính quyền địa phương ngày càng tăng đã gây áp lực lên các nhà lãnh đạo chế độ, khiến rủi ro xung quanh phiên họp năm nay trở nên lớn hơn trong mắt các nhà đầu tư và công ty quốc tế hoạt động ở đất nước này.
Ông Lý Cường (Li Qiang), người được bổ nhiệm làm thủ tướng tại phiên họp năm ngoái, sẽ trình bày “báo cáo công việc” đầu tiên của mình vào thứ Ba. Báo cáo dự kiến sẽ có nội dung bao gồm mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Các nhà phân tích kỳ vọng ông sẽ công bố các kế hoạch kích thích vừa phải để ổn định tăng trưởng nhưng không thực hiện những cải tổ táo bạo nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng sâu sắc về mặt cấu trúc.
Ông Lý cũng có thể nói rõ hơn về cách nhà nước muốn tận dụng “các lực lượng sản xuất mới”, một khái niệm mô tả các bước nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo được ông Tập đề ra lần đầu tiên hồi tháng Chín năm ngoái (2023).
Trung Quốc cũng sẽ công bố ngân sách quốc phòng, vốn đã tăng với tốc độ nhanh hơn GDP kể từ khi ông Tập lên nắm quyền 11 năm trước.
Bất chấp việc thanh trừng một số tướng lĩnh phụ trách mua sắm quân sự vào năm ngoái, các nhà phân tích cho rằng việc tăng cường quân đội sẽ nhấn mạnh rằng ông Tập, với tư cách là tổng tư lệnh, phải đặt vấn đề an ninh quốc gia vào bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và Lạc Á
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times