Trung Quốc: Đỉnh lũ di chuyển dọc theo sông Trường Giang, mực nước lên đến mức nguy hiểm
Ngày 28/7, đỉnh lũ thứ 3 trong năm nay ở Trung Quốc đã di chuyển đến vùng trung du của sông Trường Giang (còn được gọi là sông Dương Tử). Con sông này dài hơn 6,400 km, chảy dọc theo khu vực miền trung và miền đông của Trung Quốc.
Tại thành phố Nhạc Dương thuộc tỉnh Hồ Nam, giới chức cảnh báo mực nước sông đã dâng cao hơn mức báo động, nghĩa là có thể xảy ra vỡ đê bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, hai hồ nước lớn nhất của Trung Quốc là hồ Động Đình và hồ Bà Dương đều có mực nước cao trên mức báo động từ nhiều ngày nay. Đây là 2 hồ nước nằm trong khu vực thoát nước của sông Trường Giang và sông Hoài – dài khoảng 1,078km.
Trong lúc phần lớn lưu vực ven bờ các con sông của Trung Quốc đã trải qua trận lụt lịch sử kể từ hồi đầu tháng 6, các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ lại “biến mất” khó hiểu. Không như các nhà lãnh đạo trước đây, hiện nay không có lãnh đạo cao cấp nào đến thăm vùng bị lũ để đôn đốc việc chống lũ.
Ngày 29/7, giới chức cảnh báo rằng mưa lớn sẽ xảy ra ở phía Bắc Trung Quốc và gây ra lũ lớn trên sông Hải Hà, sông Hoàng Hà và sông Tùng Hoa. Do lũ lụt ít xảy ra tại miền bắc Trung Quốc, nên chính quyền địa phương thông báo cho người dân trên khu vực sông Hoàng Hà và sông Hoài phải chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp trong trường hợp có thiên tai.
Kể từ ngày 29/7, các nhà chức trách cho biết hàng triệu người thuộc 27 tỉnh của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt từ đầu tháng 6, trong đó có 158 người thiệt mạng hoặc mất tích; và 3.76 triệu người bị mất nhà cửa.
Theo lời những người dân địa phương thuật lại với The Epoch Times, trong những tuần gần đây, để tránh ngập lụt cho các thành phố, chính quyền ở một số khu vực thuộc miền trung Trung Quốc đã cho xả lượng nước mưa tích tụ trên các sông và hồ chứa vào các khu vực nông thôn, và thông thường họ không báo trước.
Trong những trường hợp như vậy, rất khó để đánh giá mức độ thiệt hại và số lượng thương vong.
Bộ ứng phó khẩn cấp (Bộ Quản lý Khẩn cấp) đã tổ chức một cuộc hội thảo vào ngày 29/7, thúc giục chính quyền địa phương ở lưu vực sông Trường Giang và sông Hoài phải đảm bảo an toàn cho các đập nước ở địa phương.
Hứng chịu mưa lớn sau nhiều tuần liên tiếp, “các con đập đang đối diện với những nguy cơ sạt lở đất, sụt lún, nước tràn đường ống và vỡ đập”.
Để đảm bảo sự vẹn toàn cho các đập nước, Bộ này đã chỉ đạo các chính quyền địa phương bố trí người tuần tra quanh con đập suốt 24 giờ/ngày.
Sông Trường Giang
Vào lúc 8 giờ tối ngày 27/7, đỉnh lũ thứ ba đã tấn công vào đập Tam Hiệp – công trình thủy điện lớn nhất Trung Quốc. Theo tờ Trường Giang Nhật Báo, mực nước ở hồ chứa Tam Hiệp vẫn đang dâng lên kể từ lúc đó.
Đến cuối ngày 29/7, đỉnh lũ đã đi qua lưu vực của con đập và di chuyển tới vùng trung du sông Trường Giang. Vì vậy, thành phố Trùng Khánh ở vùng thượng du đã tuyên bố tàu thuyền có thể hoạt động trở lại. Trước đó hôm 26/7, thành phố này đã cấm tất cả tàu bè hoạt động trên sông do mực nước dâng cao.
Dù thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc và nằm ở vùng trung du sông Trường Giang, đã thông báo mực nước sông dâng lên, nhưng đến ngày 29/7 đỉnh lũ vẫn chưa đến.
Ủy ban Sông Trường Giang thuộc Bộ Thủy lợi cho biết, trong khi đó, do sông Hán Thủy đổ vào sông Trường Giang tại Vũ Hán, mực nước trên sông Hán Thủy dâng đột biến có thể khiến mực nước sông Trường Giang bị tràn tại đây.
Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc dự báo rằng khu vực thượng nguồn sông Trường Giang ở tỉnh Tứ Xuyên, vùng trung du tại tỉnh Hồ Nam và Giang Tây, sẽ tiếp tục có mưa lớn trong vòng 24 giờ tới.
Sau đó, trung tâm tiếp tục báo động có thể sẽ có lở đất ở khu vực phía đông và nam của tỉnh Tứ Xuyên, khu vực tây nam của tỉnh Giang Tây, và đông nam của tỉnh Hồ Nam.
Tại các khu vực có các con sông nằm ở trung và hạ lưu sông Trường Giang, quan chức địa phương thông báo rằng mực nước sông đã dâng đến mức báo động cao nhất, lại thêm mưa lớn và đỉnh lũ thứ ba, nên những khu vực này có khả năng sẽ bị ngập lụt nghiêm trọng.
Tác giả: Nicole Hao