Trung Quốc điều lực lượng đặc nhiệm hàng không mẫu hạm tới Guam và một thông điệp cho Mỹ
Trong khi đa phần nước Mỹ tập trung vào sự kịch tính và nghệ thuật sân khấu của cuộc bầu cử tân Chủ tịch Hạ viện và một hệ thống hàng không nội địa Mỹ bị gián đoạn do thời tiết mùa đông, thì Trung Quốc đã gia tăng các thách thức chưa từng thấy về hải quân và không quân đối với Nhật Bản và Đài Loan.
Hôm 16/12/2022, một trong hai hàng không mẫu hạm hiện có của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh, đã đi xuyên qua chuỗi đảo Lưu Cầu/Nam Tây (Ryukyu/Nansei) ở phía nam đảo lớn Cửu Châu (Kyushu) của Nhật Bản. Hàng không mẫu hạm Trung Quốc thứ hai, chiếc Sơn Đông, cũng có thể đã ở trên biển, và sau đó xuất hiện hồi tháng Một ở Biển Đông dường như cũng cùng lúc với Nhóm Tác chiến Hàng không mẫu hạm Nimitz của Mỹ trong bối cảnh các hàng không mẫu hạm của Mỹ và Trung Quốc tiến hành các hoạt động phô trương năng lực của mình — mà theo một số mô tả là một cuộc đối đầu.
Lực lượng Đặc nhiệm Liêu Ninh đã tiến hành các hoạt động bay tăng cường để phối hợp với các phi cơ trên bộ của lực lượng không quân Trung Quốc nhằm thách thức không phận Nhật Bản. Lực lượng này cũng thao diễn các tình huống tấn công tiềm năng nhằm vào chuỗi đảo Lưu Cầu/Nam Tây, trong đó có đảo Xung Thằng (Okinawa), nơi một lực lượng quân sự lớn của Hoa Kỳ đóng quân. Cùng lúc đó, lực lượng không quân Trung Quốc đã tiến hành một hành động thách thức lớn nhất từ trước đến nay đối với không phận Đài Loan.
Vào dịp Lễ Giáng Sinh, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và lực lượng đặc nhiệm của mẫu hạm này đã tiến hành các hoạt động trong khoảng cách có thể tấn công đảo Guam. Việc di chuyển về phía đảo Guam như thế này là rất hiếm và đã thiết lập một giới hạn giới mới xa hơn cho lực lượng hàng không mẫu hạm đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Việc hai hàng không mẫu hạm Trung Quốc cùng hiện diện trên biển hồi tháng 12/2022 và tháng Một cũng là một giới hạn mới về nhịp độ hoạt động [của lực lượng này].
Tính xác thực của việc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đột nhập
Điều khiến Lực lượng Đặc nhiệm Liêu Ninh xoay trục đến đảo Guam có thể là do Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) mới đã được Tổng thống Joe Biden ký hôm 23/12/2022. Một hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc đã đặt nhan đề là “NDAA 2023 biến Đài Loan thành một tiền đồn quân sự của Hoa Kỳ.”
NDAA mang đến rất nhiều sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Đài Loan, điều quan trọng hơn hết là luật mới có nhan đề “Đạo luật Tăng cường Khả năng phục hồi của Đài Loan” (TERA), vốn thiết lập một chương trình cấp tốc kéo dài năm năm, trị giá 10 tỷ USD để cung cấp viện trợ quân sự cho Đài Loan, vượt quá các yêu cầu hiện có và trong tương lai của Đài Loan — về căn bản là một chương trình “Cho Thuê” như trong Đệ nhị Thế chiến dành cho Đài Loan. Hơn thế nữa, trước khi ban hành TERA, đã có một thông báo hồi tháng 10/2022 nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận ngành vi mạch bán dẫn, tương tự như một phiên bản hiện đại của các hạn chế đối với Nhật Bản mà Tổng thống Roosevelt đưa ra hồi tháng 06/1941.
Về mặt chiến thuật, một số chuyên gia hải quân có thể đánh giá thấp hành động vừa qua của mẫu hạm Liêu Ninh đối với đảo Guam. Chiếc Liêu Ninh chở được 50% số lượng phi cơ và trực thăng của một hàng không mẫu hạm Mỹ, và vì hàng không mẫu hạm này không có thiết bị phóng và hãm phi cơ nên số lần cất cánh và trọng lượng của phi cơ được phóng và đáp có thể khiến cho năng lực của chiếc Liêu Ninh giảm xuống còn 15 đến 25% về mặt toán học so với một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ.
Tuy vậy, sự táo bạo của hành động này có thể cho thấy Trung Quốc nhận thức được một số yếu tố và lỗ hổng bị bỏ qua. Một là, Trung Quốc có khả năng sử dụng hỏa tiễn đạn đạo tầm xa DF-26 để cung cấp “hỏa lực yểm trợ” cho lực lượng đặc nhiệm Liêu Ninh — một năng lực rất quan trọng và trội hơn [trong dòng hỏa tiễn phóng hạm] so với kho vũ khí của phương Tây. Một yếu tố khác là, giả định về sự sẵn sàng của phi cơ và hỏa tiễn ở Guam để bảo vệ hòn đảo này. Đây là một giả định quan trọng. Nếu tất cả các khả năng phòng thủ của đảo Guam không hoàn toàn có sẵn và sẵn sàng thì ngay cả một số lượng ít phi cơ Trung Quốc cất cánh từ tàu Liêu Ninh cũng có thể thiết lập ưu thế trên không đồng thời tiêu diệt các oanh tạc cơ và chiến đấu cơ không chuẩn bị sẵn sàng trên mặt đất.
Không nên hoàn toàn bỏ qua hải trình đáng ngại tiến tới đảo Guam của một hàng không mẫu hạm Trung Quốc đơn lẻ khi xem xét hai điểm nói trên cùng với các yếu tố khác.
Hàng không mẫu hạm số ba của Trung Quốc tiến hành chạy thử trên biển trong năm nay
Để bổ sung cho lực lượng hàng không mẫu hạm, ngoài Liêu Ninh và Sơn Đông, Trung Quốc sẽ sớm có thêm một hàng không mẫu hạm khác là Phúc Kiến. Mẫu hạm Phúc Kiến được cho là sẽ tiến hành thử nghiệm trên biển trong năm nay. Mặc dù được trang bị động cơ thông thường nhưng Phúc Kiến giống với một siêu hàng không mẫu hạm của Mỹ hơn. Theo các hình ảnh, Phúc Kiến dường như có ít nhất ba máy phóng, vốn được che phủ bằng các lớp bảo dưỡng lâu bền. Việc bổ sung thiết bị phóng và hãm sẽ làm tăng đáng kể số lần cất cánh và trọng lượng của phi cơ cất cánh và hạ cánh, khiến mẫu hạm này gần ngang sức hơn với các siêu hàng không mẫu hạm của Mỹ về trọng lượng và số lượng phi cơ được phóng, đồng nghĩa với việc có nhiều bom và hỏa tiễn nhắm vào mục tiêu hơn.
Hàng không mẫu hạm số 4 của Trung Quốc dường như là một bản sao của chiếc Phúc Kiến với năng lượng hạt nhân, nhưng có các lo ngại rằng công nghệ đẩy hạt nhân của Trung Quốc chưa phát triển đầy đủ. Một vài năm trước, đã có tin đồn về hàng không mẫu hạm số năm và số sáu của Trung Quốc, nhưng cuộc bàn luận công khai về chuyện này đã chấm dứt. Đồng thời đã có những khẳng định rằng chi phí cao và các thách thức kỹ thuật đã buộc Trung Quốc phải ra quyết định duy trì lực lượng hàng không mẫu hạm của mình ở mức bốn chiếc. Ngay cả với bốn chiếc thì có nghĩa là lúc nào Trung Quốc cũng có thể có sẵn hai đến ba chiếc.
Các hàng không mẫu hạm cần được bảo dưỡng nhiều, đặc biệt là những thiết bị phóng và hãm phi cơ, vì vậy có thể cho rằng lúc nào cũng có ít nhất một chiếc sẽ được bảo dưỡng. Với hai hoặc ba chiếc hàng không mẫu hạm, thêm vào đó là tác động đáng sợ và răn đe của hỏa tiễn DF-26 canh gác cho việc di chuyển của những mẫu hạm này, thì Trung Quốc sẽ có khả năng đáng chú ý nhằm trợ giúp cho các chiến dịch chống lại Đài Loan, vừa có thể khiến các cơ sở của Mỹ tại Guam gặp rủi ro.
Quan trọng là các biện pháp răn đe hợp lý
Hoạt động điên cuồng của không quân và hải quân Trung Quốc hồi tháng 12/2022 là bất thường và vẫn tiếp tục. Sự hiện hữu các chiến hạm vận tải hạng nặng chuyên dụng đồ sộ, vốn rất hữu ích trong bất kỳ cuộc xâm lược đổ bộ nào, đã tiết lộ thêm khả năng sẽ xảy ra một cuộc tấn công đổ bộ. Đài Loan đã có một phản ứng quan trọng là tuyên bố kéo dài thời hạn của tất cả các dạng nghĩa vụ quân sự bắt buộc thêm một năm, điều này sẽ giúp khuếch trương các lực lượng quân sự của họ. Điều thú vị là, một báo cáo đã được công bố cho thấy rằng trong hầu hết các tình huống (pdf), trong bất kỳ nỗ lực nào nhằm chiếm Đài Loan thì Trung Quốc đều sẽ thua cuộc, mặc dù Đài Loan, Nhật Bản, và Mỹ cũng sẽ chịu tổn thất nặng nề. Để ngăn chặn bất kỳ âm mưu xâm lược nào, cần cẩn trọng khi nhanh chóng xây dựng các phương án răn đe để bảo vệ Đài Loan khỏi bị xâm lược.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times