Trung Quốc đang sử dụng Amazon để phá hủy nền dân chủ
Trung Quốc đang sử dụng Amazon để hủy hoại các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Âu Châu, Ấn Độ và Nhật Bản, vốn là nền móng của nền dân chủ thị trường tự do trên quy mô toàn cầu. Nhà sáng lập Amazon, ông Jeff Bezos, đang làm nên cơ đồ với tầm mắt hạn hẹp trong quá trình này. Ông ta đang là một trong những người giàu nhất thế giới với [tài sản trị giá] 193 tỷ USD.
Nhưng như sự biến mất gần đây của ông Jack Ma ở Trung Quốc cho thấy, tiền bạc sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi sức mạnh của Trung Quốc vượt quá sức mạnh của Hoa Kỳ.
Theo một công ty nghiên cứu thị trường, 42% người bán hàng đứng đầu của Amazon.com đến từ Trung Quốc. Các sản phẩm của Trung Quốc được bán phá giá này đang đánh bật các cửa hàng bán lẻ, làm suy giảm [sản xuất của] các doanh nghiệp nhỏ độc lập của Hoa Kỳ, và rồi sau đó, giá được nâng lên ngang bằng với thị trường. Do đó, sức mạnh kinh tế cân xứng của Hoa Kỳ đang bị phá hủy. Nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã vượt qua Hoa Kỳ vào năm 2017 (theo chỉ số GDP PPP), hiện đang nhấn chìm Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, và kèm theo đó là nền dân chủ.
Công ty Marketplace Pulsed đã công bố nghiên cứu cho thấy hơn 50% người bán hàng trên Amazon ở Tây Ban Nha, Pháp, Ý, và Canada đều đến từ Trung Quốc. Bất cứ nơi nào mà mọi người đặt chân tới, đặc biệt là kể từ sau đại dịch, thì họ đều chứng kiến các cửa hàng đóng cửa tại các Main Street (các phố thương mại chính) trên khắp thế giới. Các cửa hàng đang phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh lại với lao động cưỡng bức và các quy định về môi trường yếu ớt của Trung Quốc, dẫn đến việc bị thế chỗ bởi hàng chồng các hộp rỗng của Amazon mà bên trong giấu hàng hóa gắn nhãn mác Trung Quốc.
Đây là cách quảng bá gian dối thông qua sự chểnh mảng, và không phải là điều mà người tiêu dùng mong muốn.
Thương mại điện tử toàn cầu của Trung Quốc thông qua Amazon được thúc đẩy không chỉ vì giá rẻ và việc Amazon từ chối yêu cầu kê khai quốc gia xuất xứ (COO), mà trong nhiều tình huống còn vì trong đó bao gồm những gì là, hàng giả, quảng cáo sai sự thật, trộm cắp sở hữu trí tuệ (IP), vi phạm bản quyền và gian lận hải quan. Trên thực tế, hồi tháng Một chính phủ Hoa Kỳ đã xác định một số trang web quốc tế của Amazon tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán hàng giả, được sản xuất từ sở hữu trí tuệ bị đánh cắp, hoặc vi phạm bản quyền. Amazon phản đối việc yêu cầu họ kê khai COO, nhất là [hàng hóa xuất xứ] Trung Quốc bởi các hoạt động thương mại lấn lướt của nước này, trong đó có việc bán phá giá và trốn thuế đối với các sản phẩm mà họ bán.
Năm nay, Amazon cuối cùng đã loại bỏ một số thương gia Trung Quốc khỏi nền tảng của mình bởi “các đánh giá khích lệ,” đó là khi các nhà cung cấp trả tiền cho các bên thứ ba để viết các đánh giá tích cực về những sản phẩm được bán trên Amazon. Theo tờ Bưu điện Nam Hoa Tảo báo (SCMP), điều đó đã “làm tổn hại đến thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc.”
Vụ tổn thất mới nhất trên Amazon là hãng Tomtop Technology của Trung Quốc, đã mất 54 cửa hàng kể từ tháng Bảy. Amazon đã đóng băng 6.3 triệu USD tiền của Tomtop, rõ ràng là do vi phạm các chính sách đánh giá sản phẩm của Amazon. Theo công ty mẹ của Tomtop, “Lý do có thể là do các đánh giá không thỏa đáng đối với một số sản phẩm, được cho là vi phạm các quy tắc nền tảng của Amazon.” Con số 6.3 triệu USD chỉ là một giọt nước trong đại dương về hoạt động xuất cảng toàn cầu của Trung Quốc thông qua Amazon.
Theo SCMP: “Tomtop hiện là một trong số các thương gia Trung Quốc bị cuốn vào một chiến dịch từ Amazon nhằm loại bỏ các vi phạm điều khoản dịch vụ của mình, đặc biệt là các đánh giá khích lệ. Tuy nhiên, cuộc đàn áp của nền tảng này đối với việc lạm dụng đánh giá đã là một đòn giáng mạnh vào ngành này.”
Cho đến thời điểm này, Amazon đã thu lợi bằng cách cho phép hành vi lạm dụng việc đánh giá, và các biện pháp đối phó của họ là quá ít ỏi, quá muộn màng. Các biện pháp này để lại vấn đề lớn hơn là Amazon đã cho phép bán hàng hóa Trung Quốc, vốn đến từ một quốc gia vô đạo đức, hoặc thậm chí trực tiếp từ những người lao động nô lệ tại Tân Cương, cho những khách hàng nhẹ dạ cả tin trên khắp thế giới.
Ít ra Amazon cũng nên yêu cầu các nhà cung cấp thông báo cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ (COO) của sản phẩm, bao gồm cả quốc gia, tỉnh và khu vực, nhằm giải quyết những vấn đề như nạn diệt chủng ở Tân Cương và cho phép người tiêu dùng vận dụng sức mua của họ cho mục đích tốt đẹp. Người tiêu dùng nên được tạo điều kiện để mua hàng từ các khu vực mà họ muốn ủng hộ, như các nền dân chủ khác, từ đó tránh các sản phẩm bắt nguồn từ những khu vực có vấn đề về đạo đức, đồng thời giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính từ quá trình vận chuyển hàng hóa toàn cầu. Mua hàng nội địa phải là một lựa chọn có trên tất cả các trang thương mại điện tử.
Việc đối xử như nhau với tất cả các nhà sản xuất, bao gồm cả các công ty ở Trung Quốc thường trốn thuế bằng cách bán hàng theo lô nhỏ trực tiếp cho người tiêu dùng qua Amazon, hoặc sản xuất bông và cà chua ở Tân Cương bằng lao động cưỡng bức, là phi đạo đức và về lâu dài, là không khôn ngoan không chỉ đối với các cổ đông của Amazon, mà còn đối với tất cả những ai tin tưởng vào quyền tự do dân chủ. Hơn nữa, thông qua các biện pháp đối phó mờ nhạt chống lại hàng giả, sản phẩm vi phạm bản quyền hay các sản phẩm hưởng lợi từ hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, rốt cuộc Amazon đang gây tổn hại cho người tiêu dùng và các công ty lựa chọn hành động một cách có trách nhiệm.
Các chính phủ đang bắt đầu bắt buộc cung cấp thông tin về quốc gia xuất xứ (COO) cho người tiêu dùng thương mại điện tử muốn bảo đảm chất lượng, an toàn và tính đạo đức của sản phẩm họ mua, hoặc bảo đảm nguồn gốc cho việc tuân thủ các quy định hay căn cứ cho việc mua hàng nội địa. Bắt đầu từ hôm 22/08, thông tin COO rõ ràng sẽ được yêu cầu trên các trang web của Amazon tại Anh Quốc và Âu Châu, nhằm tạo điều kiện cho các quy định Brexit mới. Điều này có thể yêu cầu các nhà cung cấp phải dán nhãn các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Các quy tắc này hiện không áp dụng cho nền tảng của Amazon ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, một dự luật của Hoa Kỳ do Thượng nghị sĩ Tammy Baldwin (Dân Chủ-Wisconsin) bảo trợ sẽ yêu cầu thông tin COO trên một loạt các trang thương mại điện tử. Đây là giải pháp đúng đắn. Không lý nào mà các nền tảng thương mại điện tử ở Hoa Kỳ lại được hưởng một lợi thế không công bằng so với các cửa hàng truyền thống, nơi được yêu cầu cung cấp thông tin COO trên sản phẩm và bao bì. Dự luật được đề xướng này cuối cùng sẽ mang đến một sân chơi công bằng, có lẽ sẽ hồi sinh Main Street, cũng như các cửa hàng bán lẻ, vốn đã bị tàn phá bởi đại dịch.
Các nhóm ngành kinh doanh lớn, bao gồm cả Amazon và các nhà bán lẻ trực tuyến lớn khác, chống lại các luật yêu cầu điều khoản về cung cấp thông tin COO trên các trang web thương mại điện tử, vì chúng có thể sẽ khiến một số người tiêu dùng ngừng mua sắm trực tuyến, nơi mà họ sẽ phải đối mặt với thông tin về lượng lớn hàng hóa Trung Quốc đang được bày bán. Nói cách khác, ưu tiên của nhóm ngành này là gạt bỏ đi một sự lựa chọn của các khách hàng.
Các tập đoàn lớn muốn tiếp tục kiếm tiền từ dòng chảy mập mờ của hàng hóa giá rẻ, phi pháp, và phi đạo đức đang trôi nổi khắp thị trường Hoa Kỳ và toàn cầu. Nhưng đã đến lúc các công ty Hoa Kỳ phải thức tỉnh, hoàn thành nghĩa vụ đối với các khách hàng của họ, và hỗ trợ tính trách nhiệm và dân chủ của doanh nghiệp, đó chính là hệ thống chính trị duy nhất hỗ trợ toàn diện cho thị trường tự do cùng các quyền tự do khác mà nhờ đó họ, và tất cả chúng ta, cùng nhau thịnh vượng.
Hầu hết các tập đoàn đang say trong lợi nhuận đến từ Trung Quốc đều sẽ không tự mình thức tỉnh được. Người tiêu dùng và cử tri phải đánh thức họ thông qua các luật yêu cầu dán nhãn COO và hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp tại địa phương để mở ra các trang web thương mại điện tử mới, cung cấp cho khách hàng thông tin COO mà họ cần để đưa ra lựa chọn đúng đắn và sáng suốt. Những lựa chọn đó có thể là điều thiết yếu để bảo tồn nền dân chủ trên quy mô toàn cầu.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (“Tập Trung Quyền Lực”) và “No Trespassing” (“Không Xâm Phạm”), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (“Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn”).
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: