Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng thiếu lương thực
Thiếu hụt nguồn cung phân bón và lúa mì trên khắp thế giới
Tháng 11 năm ngoái, thông điệp từ Bộ Thương mại Trung Quốc đã thúc đẩy làn sóng hoảng loạn mua và tích trữ, thông điệp này chỉ thị các chính phủ địa phương ổn định nguồn cung và giá cả lương thực. Hiện nay, khi cuộc chiến ở Ukraine đang đe dọa xuất cảng lúa mì và phân bón, Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thiếu lương thực, trong khi người Mỹ có thể dự kiến thấy giá cao hơn tại các cửa hàng tạp hóa.
Các quốc gia trên thế giới dựa vào ngũ cốc từ Ukraine. Ukraine xuất cảng 15% ngũ cốc của thế giới, 80% dầu hướng dương và là nước xuất cảng ngô lớn thứ tư. Chiến sự ở Ukraine đang chia cắt các nhà sản xuất với bờ Biển Đen, ngăn cản việc xuất cảng.
Nạn đói đã xuất hiện ở Đông Phi và dự kiến sẽ lan sang các quốc gia khác. Ai Cập, Tunisia, và Algeria đã bắt đầu thiếu lúa mì. Ai Cập là nhà nhập cảng lúa mì lớn nhất thế giới, với 60% từ Nga và 40% từ Ukraine.
Với dự đoán về sự thiếu hụt lớn hơn, giá lúa mì trong khu vực đã tăng vọt lên mức lịch sử, cao hơn khoảng 40% so với trước khi cuộc xâm lược. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Julien Denormandie đã thúc giục Liên minh Âu Châu sản xuất nhiều lúa mì hơn để bù đắp cho sự thiếu hụt.
Chiến tranh Ukraine cũng khiến giá khí đốt tự nhiên tăng cao kỷ lục. Do đó, các nhà sản xuất phân bón đã phải cắt giảm sản lượng amoniac và urê tới 45%. Tình trạng thiếu phân bón trên toàn thế giới có thể gây ra nạn đói. Ai Cập, Indonesia, Algeria, cũng như các quốc gia khác đã thắt chặt xuất cảng lương thực. Hungary và Nga nằm trong số các quốc gia cấm xuất cảng ngũ cốc. Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên cấm xuất cảng phân bón, kể từ tháng 10 năm ngoái. Kể từ đó, Nga, Ukraine và các nước khác cũng đã cấm xuất cảng phân bón.
Xuất cảng ngũ cốc từ Ukraine và Nga sẽ giảm, có nghĩa là Trung Quốc và các nước khác đang cố gắng tăng sản lượng của chính họ. Trong khi đó, nguồn cung phân bón giảm sẽ càng làm tăng giá ngũ cốc.
Trung Quốc nhập cảng hơn một nửa lượng kali, một chất dinh dưỡng quan trọng được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. 53% lượng kali của Trung Quốc được nhập cảng từ Belarus và Nga. Lithuania và Ukraine đã cấm vận chuyển kali của Belarus qua lãnh thổ của họ. Đây là một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc, quốc gia vốn đã phải đối mặt với các vấn đề về an ninh lương thực.
Năm 2020, tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc giảm xuống còn 76.8%. Một lý do là thiếu đất canh tác sản xuất. Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 dân số thế giới, nhưng chỉ chiếm khoảng 7% diện tích đất canh tác trên thế giới. Một vấn đề khác là hậu cần. Người ta ước tính rằng 5 triệu tấn ngũ cốc dự trữ của Trung Quốc bị lãng phí mỗi năm do phương pháp bảo quản và vận chuyển không đạt tiêu chuẩn. Trung Quốc đặc biệt dễ bị thiếu lương thực do sản lượng đậu nành và dầu trong nước giảm. Do đó, Trung Quốc nhập cảng 80% đậu nành của mình.
Để ngăn chặn khủng hoảng, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ thị người dân không lãng phí lương thực. Trung Quốc tăng dự trữ phân bón vào năm 2020. Một năm sau, Bắc Kinh thông qua luật chống lãng phí lương thực. Hiện giờ thì xuất cảng phân bón hoàn toàn bị cấm.
Hoa Kỳ chỉ sử dụng khoảng 10% lượng phân bón của thế giới, trong khi sản xuất 35% lượng ngô và đậu tương của thế giới. Thông thường, Hoa Kỳ nhập cảng từ 15% đến 20% lượng phân bón của mình từ Maroc và Nga. Nếu những nguồn nhập cảng này biến mất, chúng sẽ phải được thay thế bằng phân bón nội địa đắt tiền hơn.
Nhiều sự gián đoạn trong sản xuất và phân phối lương thực và phân bón ở Bắc Mỹ là do các hạn chế và quy định của COVID-19 đối với công nhân và lái xe. May mắn thay, 60% công suất sản xuất amoniac của Hoa Kỳ là ở Louisiana, Oklahoma và Texas — những tiểu bang có mức hạn chế thấp.
Giá phân bón của Mỹ tăng do giá khí đốt tự nhiên tăng, ở Bắc Mỹ đã tăng 150%. Âu Châu đang bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi chi phí khí đốt tự nhiên tăng khoảng 500%, và nhiều nhà máy phân bón đã phải đóng cửa do chi phí tăng và các quy định chặt chẽ hơn về môi trường.
Giá lương thực và phân bón toàn cầu cao hơn sẽ là động cơ thúc đẩy các nhà sản xuất Mỹ xuất cảng, điều này sẽ làm tăng giá tổng hợp của các mặt hàng này tại Hoa Kỳ. Người Mỹ có thể dự tính giá lương thực tăng, nhưng người dân Trung Quốc và các nơi khác trên thế giới có thể đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: