Trung Quốc chiêu mộ các VĐV người Mỹ gốc Hoa để giành huy chương vàng Olympic
Vận động viên trượt tuyết tự do sinh ra tại Bay Area, Cốc Ái Lăng (Eileen Gu), đã làm rung chuyển mạng Internet Trung Quốc sau khi giành huy chương vàng cho Trung Quốc trong trận đầu ra mắt tại Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh, tấm huy chương vàng đầu tiên trong số ba huy chương cô hy vọng sẽ giành được thay mặt cho quê mẹ của mình.
“Tương lai tươi sáng” cho cô Cốc và các đồng đội của cô, một lá thư hôm 08/02 từ Trung tâm Hành chính Thể thao Mùa Đông của Trung Quốc viết, khi chúc mừng họ giành được huy chương vàng đầu tiên trên tuyết cho Trung Quốc. “Hãy giành vinh quang lớn hơn cho Đảng và nhân dân,” lá thư thúc giục đội tuyển thi đấu.
Trên mạng xã hội giống Twitter của Trung Quốc Sina Weibo, những lời tán dương của người hâm mộ Trung Quốc dành cho nhà vô địch 18 tuổi này đã tràn ngập khiến mạng này tạm thời bị quá tải.
“Cha học Đại học Harvard, mẹ học Đại học Bắc Kinh và Stanford, bà ngoại là vận động viên, bản thân cô ấy thì xinh đẹp và sành điệu,” một bài đăng nhận được 115,000 lượt chia sẻ cho biết.
Sự đón nhận dành cho cô Cốc hoàn toàn trái ngược với sự chỉ trích gay gắt đối với cô Chu Dị (Zhu Yi), vận động viên trượt băng nghệ thuật đã từ bỏ quốc tịch Mỹ và đổi tên từ Beverly thành Dị sau khi quyết định thi đấu cho Trung Quốc vào năm 2018.
Chỉ lớn hơn cô Cốc một tuổi và cũng sinh ra ở California, cô Chu đã bị chế giễu trên mạng xã hội Trung Quốc vì đã bật khóc sau khi ngã trong màn trình diễn của cô trong hai ngày liên tiếp, khiến đội Trung Quốc từ vị trí thứ ba rớt xuống vị trí thứ năm trong nội dung đồng đội.
“Đừng khóc nữa, tôi cũng muốn khóc đây,” một người dùng Weibo Trung Quốc viết, trong khi một số người khác cười nhạo khả năng nói tiếng Trung của cô và bảo cô “hãy quay về Mỹ.”
Cô Cốc và cô Chu nằm trong số hàng chục vận động viên sinh ra và lớn lên ở Bắc Mỹ mà Bắc Kinh đã chiêu mộ để thúc đẩy thành công Olympic của họ trên khắp các lĩnh vực, đặc biệt là trong các môn thể thao mà xưa nay quốc gia này vốn không có thế mạnh. Nhưng sự chào đón mà cặp đôi này nhận được cho thấy công chúng Trung Quốc có thể không dung thứ nếu màn trình diễn của một vận động viên được chiêu mộ không đạt được kỳ vọng.
Sự chiêu mộ này có lẽ đáng chú ý nhất ở đội khúc côn cầu, nơi 28 trong số 48 tuyển thủ của đội tuyển nam và nữ là người sinh ra ở ngoại quốc và có sáu người hoàn toàn không có chút gốc gác Trung Quốc nào.
Tất cả họ đều đang thi đấu dưới những cái tên Trung Quốc, bao gồm cả hậu vệ người Mỹ gốc Hoa Jake Chelios, con trai của cầu thủ nổi tiếng được vinh danh tại bảo tàng Hockey Hall of Famer Chris Chelios và người đã trải qua ba mùa giải gần đây nhất với Côn Luân Hồng Tinh (Kunlun Red Star), một đội bóng thuộc sở hữu của Trung Quốc tại giải đấu Kontinental Hockey League của Nga. Ở Trung Quốc, anh sẽ được biết đến với cái tên Jieke Kailiaosi (phiên âm tiếng Trung của tên anh).
“Tên mới của tôi ư? Tôi thích nó. Cũng kêu đấy chứ. Đó là một phần của trải nghiệm này. Từ khi tôi qua đây, mọi thứ đều mới mẻ đối với tôi, và đó là phần thú vị khi thi đấu ở ngoại quốc,” anh Chelios nói trong buổi luyện tập hôm thứ Bảy (05/02).
Anh đã thừa nhận rằng vốn từ vựng tiếng Trung của anh chỉ gồm “hai hoặc ba từ.”
“Tôi đã học sáu năm tiếng Tây Ban Nha ở trường trung học. Tôi thậm chí không thể học được ngôn ngữ đó, vì vậy tôi thậm chí còn không cố [để mà học tiếng Trung nữa],” anh nói.
Một khoảnh khắc khó xử xảy ra khi thủ môn sinh ra tại Vancouver, cô Kimberly Newell, thi đấu với tên Chu Gia Ưng (Zhou Jiaying), nói rằng cô “không được phép nói tiếng Anh” trong lần xuất hiện trên truyền thông hôm Chủ Nhật (06/02) và để trợ lý của cô nói chuyện. Có mẹ sinh ra ở Trung Quốc, cô Chu thông thạo tiếng Anh, tiếng Quan Thoại, và tiếng Pháp, tiểu sử Olympic của cô cho biết.
Người trợ lý đã phải nhờ cô Chu giúp nhiều lần trong quá trình phiên dịch.
‘Sống cuộc đời tươi đẹp nhất của mình’
Cô Cốc, hiện là ngôi sao Olympic tỏa sáng nhất của Trung Quốc, cũng lưu tâm về những gì cô tiết lộ với công chúng.
Trong một cuộc họp báo sau chiến thắng hôm thứ Ba (08/02), cô Cốc đã né tránh nửa chục câu hỏi về việc liệu cô có còn là công dân Hoa Kỳ hay không – vì Trung Quốc không cho phép mang hai quốc tịch.
“Tôi chắc chắn cảm thấy mình vừa là người Mỹ vừa là người Trung Quốc. Tôi là người Mỹ khi tôi ở Mỹ và tôi là người Trung Quốc khi tôi ở Trung Quốc,” cô Cốc nói khi bị một phóng viên gặng hỏi hai lần. Cô nhấn mạnh rằng cô đang sử dụng thể thao như một “lực gắn kết” chứ không phải là “lực chia rẽ”, một câu bình luận tương đồng với luận điệu được Bắc Kinh sử dụng để phủ nhận những chỉ trích từ bên ngoài.
“Vấn đề là như thế này, tôi đang không cố gắng làm hài lòng bất kỳ ai. Tôi là một cô gái 18 tuổi đang sống cuộc đời tươi đẹp nhất của mình ở đây. Kiểu như, tôi đang có một khoảng thời gian tuyệt vời,” cô nói. Cô Cốc nói thêm rằng cô có “trái tim hồn hậu” và đang đưa ra các quyết định “vì điều tốt đẹp hơn cho mọi người.”
“Tôi sẽ không lãng phí thời gian của mình để xoa dịu những người một là vô học, và hai là có lẽ sẽ không bao giờ trải qua cảm giác vui sướng và biết ơn hay chỉ đơn giản là cảm thấy thích thú khi tôi được trải nghiệm niềm may mắn lớn này mỗi ngày,” cô nói.
“Nếu mọi người không tin tôi và nếu mọi người không thích tôi, thì đó là mất mát của họ, họ sẽ không bao giờ vô địch Thế vận hội.”
Khi phóng viên này cố gắng hỏi một lần nữa thì người quản lý xen vào, nói: “Làm ơn, xin hãy hỏi câu hỏi tiếp theo.”
Vận động viên quần vợt Bành Soái (Peng Shuai) là một trong những khán giả theo dõi cô Cốc thi đấu hôm thứ Ba. Cô Bành – người đã khiến thế giới lo lắng cho sự an nguy của cô sau khi cô biến mất khỏi tầm mắt của công chúng trong vài tuần, sau một bài đăng trên mạng xã hội vào tháng 11/2021 cáo buộc rằng cô bị một quan chức cao cấp của Trung Quốc tấn công tình dục – đội một chiếc mũ len dệt kim màu đen với những chiếc vòng Olympic màu trắng và mặc áo khoác đen với cờ Trung Quốc. Cô thường xuyên vỗ tay, thỉnh thoảng gật đầu và vẫy tay chào trước ống kính.
Các cơ quan và quan chức quốc tế vẫn lo ngại cho sự an nguy và sức khỏe của cô Bành mặc dù cô đã tái xuất trước công chúng. Họ tin rằng những lần xuất hiện và các tuyên bố của cô đang bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ. Đầu tuần này cô Bành đã công khai rút lại những cáo buộc của mình trong một cuộc phỏng vấn bị giám sát với tờ báo Pháp L’Equipe bên trong bong bóng Olympic, đồng thời tuyên bố giã từ sự nghiệp thể thao.
Khi được hỏi về tình hình của cô Bành, cô Cốc đã vòng vo, trả lời rằng đó là một “vinh dự lớn” khi cô ấy “chú ý đến các môn thể thao ít phổ biến hơn như trượt tuyết tự do.”
“Tôi thực sự biết ơn vì cô ấy … vâng, hạnh phúc và khỏe mạnh, có mặt tại đây để lại làm những điều cô ấy muốn.”
Trong khi đó, các nhà chức trách Trung Quốc không ngần ngại thể hiện sự yêu mến của họ đối với cô Cốc.
Hôm thứ Ba (08/02), cơ quan giám sát chống tham nhũng của Trung Quốc, thường không hay bình luận về thể thao, đã đăng một cuộc phỏng vấn độc quyền với cô Cốc, nơi cô chia sẻ về thiết kế hình rồng trên bộ đồ trượt tuyết của mình. Cô muốn “giới thiệu các đặc trưng của Trung Quốc với bạn bè trên khắp thế giới,” cô nói.
Tại lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh, cô đã “vô cùng háo hức” khi mặc bộ đồ này – điểm xuyết màu đỏ được sử dụng trên lá cờ của Đảng Cộng sản Trung Quốc – cho đoàn thể thao Trung Quốc, cô Cốc chia sẻ và nói thêm rằng cô ấy muốn mang bộ đồ này về nhà để có thể mặc nó trong tương lai.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: