Trung Quốc cách chức Ngoại trưởng Tần Cương sau một tháng vắng mặt
Hôm thứ Ba (25/07), Trung Quốc cách chức Ngoại trưởng mới được bổ nhiệm Tần Cương, chấm dứt đồn đoán về tương lai của ông sau một tháng vắng mặt không rõ nguyên nhân.
Theo hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã, nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị đã thay thế ông Tần để trở thành Ngoại trưởng Trung Quốc.
Ông Vương đã từng là ngoại trưởng trong gần một thập niên trước khi được bổ nhiệm vào Ủy ban Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một chức vụ vượt xa chức vụ cấp bộ trưởng trong hệ thống chính trị không minh bạch của chế độ này.
Ông Tần đột ngột bị cách chức sau khi thăng tiến nhanh chóng. Ông Tần, được nhiều người xem là thân tín của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đã đảm nhận chức vụ ngoại trưởng vào tháng Mười Hai năm ngoái (2022), trở thành một trong những quan chức trẻ nhất giữ chức vụ đó. Trong cuộc cải tổ chính trị lớn hồi tháng Ba, ông Tần được bổ nhiệm làm một ủy viên hội đồng nhà nước.
Thông báo không đưa ra lời giải thích nào về sự rời đi của ông Tần.
Tính đến ngày 25/07, ông Tần đã hoàn toàn không xuất hiện trước công chúng trong một tháng. Lần cuối cùng ông Tần xuất hiện trên truyền thông nhà nước là vào ngày 25/06, khi ông chào đón các nhà ngoại giao đến từ Nga, Sri Lanka, và Việt Nam. Kể từ đó, ông đã bỏ lỡ một số cuộc họp quan trọng, trong đó có các cuộc gặp mặt với các ngoại trưởng từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Indonesia vào đầu tháng này.
Ban đầu, ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng ông Tần vắng mặt chỉ vì “lý do sức khỏe.”
Sự im lặng chính thức đó chỉ làm tăng thêm nhiều lời đồn đoán. Truyền thông Hồng Kông và Đài Loan cho rằng lý do là vụ ngoại tình của ông với xướng ngôn viên truyền hình Phó Hiểu Điền (Fu Xiaotian). Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng ông Vương không hài lòng với công việc của ông Tần.
Trước đó cùng ngày 25/07, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh một lần nữa được hỏi về ông Tần trong cuộc họp báo hàng ngày.
“Tôi không có thông tin để cung cấp,” bà nói với các phóng viên. “Các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc đang được tiến hành như thường lệ.”
Ông Tần, 57 tuổi, nổi tiếng nhờ tài hùng biện sắc bén khi đáp trả những lời chỉ trích của Tây phương đối với chế độ này khi giữ chức phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ năm 2005 đến 2010 và từ năm 2011 đến 2014.
Năm 2009, trước câu hỏi tại sao YouTube bị chặn ở Trung Quốc, ông Tần đã nói với các phóng viên rằng Internet ở Trung Quốc đã “mở cửa hoàn toàn.”
Ông nói: “Còn về những gì quý vị có thể và không thể xem, hãy xem những gì quý vị có thể xem, và đừng xem những gì quý vị không thể xem.”
Trước khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, ông Tần từng là đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Trước đây, ông Tần từng là một trong chín thứ trưởng ngoại giao của Trung Quốc từ năm 2018 đến năm 2021. Kể từ khi gia nhập bộ ngoại giao vào năm 1988, ông Tần đã thăng tiến đều đặn từ phụ tá cấp thấp lên thứ trưởng phụ trách các vấn đề và nghi thức của Âu Châu.
Ông Tần đã làm việc trực tiếp với ông Tập khi còn đứng đầu Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao. Ông cũng đã tích lũy kinh nghiệm tháp tùng ông Tập trong các chuyến công du ngoại quốc kể từ năm 2014.
Đấu đá chính trị nội bộ
Ông Viên Hồng Bân (Yuan Hongbin), một nhà phân tích chính trị Trung Quốc kỳ cựu sống tại Úc, cho biết ông tin rằng sự rời đi đột ngột của ông Tần là kết quả của cuộc đấu đá chính trị nội bộ.
“Chính ông Vương Nghị là người muốn loại bỏ ông Tần Cương, bởi vì ông Tần đã loại bỏ [phát ngôn viên bộ ngoại giao] Triệu Lập Kiên và các đồng minh khác của ông Vương kể từ khi ông ta nhậm chức,” ông Viên nói với The Epoch Times hôm 25/07.
Hồi tháng Một, ông Triệu đã được điều chuyển đến Vụ Biên giới và Đại dương của Bộ Ngoại giao trong một quyết định được coi là giáng chức.
Ông Viên cho biết cuộc cải tổ lớn của Bộ Ngoại giao báo hiệu rằng việc nắm giữ quyền lực của ông Tập không phải là không thể tấn công.
Ông nói: “Mặc dù ông Tập đã loại bỏ các đối thủ chính trị của mình, nhưng việc ông Tần bị sa thải cho thấy ông Tập không thể giải quyết cuộc đấu đá chính trị nội bộ trong Đảng.”
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á
Nguyễn Lê biên dịch
Qúy vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times