Trung Quốc: Ẩn sau giám sát không gian mạng là kiểm soát tin tức về dịch bệnh
Các tài liệu nội bộ cho thấy ‘kiểm soát dịch bệnh’ đi kèm với kiểm soát thông tin
The Epoch Times đã nhận được các tài liệu nội bộ tiết lộ cách bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc kiểm soát tin tức về tình hình dịch bệnh ở cấp địa phương.
Các tài liệu này đã được một bộ phận phụ trách hoạt động tuyên truyền hàng ngày của huyện công bố.
Ba số phát hành — Kỳ 106, 107, và 108 — của một bản tin nội bộ, lần lượt vào các ngày 29, 30/11, và 01/12/2022, đã ghi lại kết quả hàng ngày của những nỗ lực kiểm duyệt mạng xã hội, đồng thời công bố một hình ảnh tích cực về chính sách COVID-19 ở huyện Quảng Hà, thuộc tỉnh Cam Túc phía tây bắc của Trung Quốc.
Tài liệu có ‘tiêu đề đỏ’
Được đánh dấu là “bí mật”, các tài liệu có “tiêu đề đỏ” này — các tài liệu chính thức có tên của cơ quan ban hành được in màu đỏ ở trên cùng — có nhan đề “Tình hình Công tác Tuyên truyền về Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh.” “Nhóm Phản hồi Ý kiến Dư luận và Tuyên truyền” về việc phòng chống dịch bệnh của huyện này đã thực hiện các tài liệu nói trên.
“Nhóm phản hồi” này thường do ban tuyên giáo địa phương và bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) địa phương lãnh đạo, dựa trên một bản tin của hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã.
Theo ba số phát hành mà The Epoch Times thu thập được, công việc của nhóm phản hồi này thường được chia thành ba phần: “giải quyết dư luận”, “xu hướng dư luận”, và “tiến độ công việc và phân tích dư luận”.
Trong phần “giải quyết dư luận”, ba bản tin này chỉ ra rằng các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc như Weibo và Kuaishou được theo dõi định kỳ để tìm “thông tin nhạy cảm”. Các phương thức “giải quyết” thông tin đó bao gồm xóa bài viết, đề nghị xóa bài viết, và báo cáo bài viết để các nhà chức trách vào cuộc điều tra.
Kỳ số 108 trong nhật ký công việc này kết luận rằng từ ngày 12/09/2022 đến ngày 01/12/2022, nhóm phản hồi đã xác định được tổng cộng 5,161 mẩu thông tin liên quan đến dịch bệnh, đã xóa 2,927 mẩu thông tin nhạy cảm trên các nền tảng mạng xã hội Kuaishou, Douyin, và Weibo, cũng như đình chỉ 304 chương trình phát sóng trực tiếp.
Trong phần “xu hướng dư luận”, kỳ số 106 đã tóm tắt xu hướng các bài đăng của cư dân mạng như sau: những bài viết “phản ánh cuộc sống thường nhật” đang dần tăng lên, còn “các bài dạng video và hình ảnh liên quan đến tình hình dịch bệnh giảm mạnh.”
Kỳ số 108 cho biết, “Các cư dân mạng phàn nàn về vật tư y tế và chất thải y tế được giải quyết không đúng cách.”
Phối hợp kiểm duyệt thông qua ‘mạng lưới’
Về phần “tiến độ công việc và phân tích dư luận”, nhóm phản hồi này nhấn mạnh chiến dịch “tuyên truyền tích cực trên mạng — tạo một bầu không khí toàn dân cùng tham gia chống dịch,” thông qua nỗ lực phối hợp của các “thành viên mạng lưới” cộng đồng để các bài đăng chính thức bao phủ hết mạng xã hội.
Hệ thống theo dõi và giám sát trực tuyến của Trung Quốc, cùng với các camera được lắp đặt khắp mọi nơi, đã phát triển thành cái được gọi là “mạng lưới”. Mạng lưới này được chia thành bốn cấp: mạng lưới lớn (hay cấp quận/huyện), mạng lưới trung bình, mạng lưới nhỏ (trong phạm vi 50 gia đình), và mạng lưới siêu nhỏ (phạm vi 20 gia đình); trong mỗi mạng lưới lại có “các thành viên mạng lưới” đảm trách [việc theo dõi] tất cả những người hàng xóm xung quanh trong toàn bộ phạm vi của mạng lưới đó.
Ở khu vực nội thành, một mạng lưới sẽ bao phủ khoảng 300 gia đình, và ở ngoại thành, một mạng lưới sẽ bao phủ khoảng 100 gia đình.
Theo tờ Nhân dân Nhật báo của nhà cầm quyền Trung Quốc, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, hệ thống mạng lưới này đã được phát triển và gia cố thành một “mạng lưới tốt hơn” vào năm 2020, tăng cường tuyển thêm “các thành viên mạng lưới” trên một quy mô lớn và đưa họ vào hệ thống giám sát trực tuyến của địa phương.
Ở cấp cơ sở, các thành viên mạng lưới là nhân viên giám sát địa phương, trợ giúp cho nỗ lực của Cục Thực thi Pháp luật và Quản lý Hành Chính Thành thị (gọi tắt là Thành Quản) — lực lượng quản lý đô thị chủ yếu nhắm mục tiêu vào những người bán hàng rong trái phép trên đường đô thị — và lực lượng công an.
Các tài liệu này cũng thảo luận về việc phối hợp tuyên truyền, các nỗ lực không gian mạng, và an ninh công cộng giữa các bộ phận để “bảo đảm đưa ra phản ứng kịp thời và đồng bộ cả ở trên mạng lẫn ngoài đời thực.” Nói một cách đơn giản, điều này có nghĩa là các thành viên mạng lưới sẽ chịu trách nhiệm kiểm duyệt và báo cáo thông tin trên mạng, sau đó công an sẽ phối hợp để bắt giữ những người phạm tội truyền bá “thông tin nhạy cảm” ở ngoài đời.
The Epoch Times đã nói chuyện với chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc Vương Hách (Wang He) về bộ máy giám sát của ĐCSTQ. Về các nỗ lực phối hợp đồng bộ giữa [lực lượng] trực tuyến và ngoại tuyến nhằm nhắm mục tiêu vào các bài đăng nhạy cảm, ông Vương nhận xét: “ĐCSTQ không thể chịu đựng được những lời chỉ trích.” Ông nói rằng, ở Trung Quốc, giải pháp cho một vấn đề không phải là giải quyết vấn đề đó, mà là ‘giải quyết’ người đã nêu ra vấn đề đó.
Bản tin có sự đóng góp của Tống Đường và Dịch Như
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times